Khát khao cống hiến của nghệ sĩ trẻ sinh năm Thìn

Bước sang năm 2024, nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi Thìn đã chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng về niềm vui, hoài bão trong năm Giáp Thìn. Theo các nghệ sĩ, năm tuổi càng phải cố gắng, nỗ lực để khẳng định mình, để đánh dấu một chặng đường mới trong sự nghiệp.

Đại úy, ca sĩ Doãn Ngọc Linh biểu diễn trong chương trình “Giai điệu kết nối” trên sóng kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại úy, ca sĩ Doãn Ngọc Linh (Đoàn Văn công BĐBP, sinh năm Mậu Thìn 1988): Hy vọng sẽ có những sản phẩm của riêng mình

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng Đại úy, ca sĩ Doãn Ngọc Linh đam mê ca hát từ nhỏ. Khi còn là học sinh, anh thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của trường. Sớm có ý định theo nghề nên từ khi còn học trung học phổ thông, anh đã học thanh nhạc và ký xướng âm. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh thi đỗ trung cấp thanh nhạc hệ quân nhân tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Cho đến nay, anh đã hoạt động trong nghề được 17 năm - thời gian vừa đủ để anh thấm thía mọi khía cạnh của nghề. Đối với anh, nghề này không nên bon chen và khi còn bị chi phối bởi đồng tiền thì hát chưa thể hay, chưa thể gọi là nghệ sĩ mà chỉ là những cỗ máy biết hát. Đại úy Doãn Ngọc Linh từng lọt vào top 30 người miền Bắc trong cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn 2008, lọt vào vòng loại miền Bắc The Voice năm 2013.

“Trong những năm qua, tôi chưa thực sự đầu tư và tập trung với nghề vì lo cho gia đình và những biến cố trong cuộc sống. Năm 2024, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, tôi sẽ đầu tư nghiêm túc với nghề, nhất là việc tham gia các cuộc thi trong nước. Tôi hy vọng sẽ có những sản phẩm của riêng mình. Là một chiến sĩ, nghệ sĩ, tôi xác định cho mình ý chí sắt đá khi đối diện với khó khăn, thử thách, vì đặc thù của đoàn là biểu diễn ở những nơi vô cùng khó khăn, gian khổ, đối tượng phục vụ là các chiến sĩ nơi địa đầu Tổ quốc và bà con các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa” - Đại úy, ca sĩ Doãn Ngọc Linh nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm biểu diễn sáo trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên sáo trúc, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sinh năm Mậu Thìn 1988): Phổ cập hết các bộ môn nhạc cụ trong hệ sinh thái

Nhắc đến nghệ sĩ Bùi Công Thơm là nói đến một cây sáo tài năng, tâm huyết. Anh đã khẳng định mình bằng một số giải thưởng, huy chương, như: Huy chương Vàng Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc do Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức vào các năm 1999, 2003; giải Khuyến khích (năm 2003), giải Nhì (năm 2008) Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc... Luôn đau đáu với việc phổ cập sáo cũng như các bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với nhiều người, anh đã lập trang trang web dạy học trực tuyến. Với phương pháp khoa học, sáng tạo, hướng đến người học, trung tâm của anh là một địa chỉ tin cậy của cả nước với số lượng học viên đông đảo khoảng 50 nghìn người.

Tháng 11/2023, nghệ sĩ Bùi Công Thơm thành lập Viện Nghiên cứu đào tạo phát triển âm nhạc Việt Nam (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) chuyên nghiên cứu giải pháp học âm nhạc trực tuyến. Chia sẻ về dự định trong năm 2024, nghệ sĩ Bùi Công Thơm cho biết, với nền tảng sẵn có, trung tâm sẽ phổ cập hết các bộ môn nhạc cụ trong hệ sinh thái của mình (hiện nay, trung tâm đã triển khai 4 bộ môn: sáo trúc, đàn tranh, piano, ghita). “Năm 2024, chúng tôi sẽ chú trọng công tác chuyển đổi số để xây dựng một trường học online giúp người học và cả các thầy cô dạy học âm nhạc tại trường phổ thông có phương pháp dạy và học hiệu quả” - nghệ sĩ Bùi Công Thơm thông tin.

Thiếu úy, nghệ sĩ Trương Thị Bích Hạnh biểu diễn bài múa “Những cánh chim cao nguyên” tại Ấn Độ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thiếu úy, nghệ sĩ Trương Thị Bích Hạnh (Đội Múa nhạc nhẹ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, sinh năm Canh Thìn 2000): Học thêm biên đạo múa để có thể gắn bó lâu dài với nghề múa

Tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam (năm 2019), nghệ sĩ Trương Thị Bích Hạnh “đầu quân” về Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Là người nghệ sĩ, chiến sĩ, chị luôn nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được năng lực, sở trường của mình. Chị đã giành được 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc vào năm 2021 và giải Nhất trong Cuộc thi tài năng múa toàn quốc năm 2023. Chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng, nữ nghệ sĩ cho biết, năm 2023 là năm thành công với chị khi đã giành được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi uy tín của bộ môn múa. “Trước khi Cuộc thi tài năng múa toàn quốc năm 2023 diễn ra, tôi đã kiên trì luyện tập suốt thời gian dài để lấy lại sự mượt mà trong chuyển động cơ thể và tập thường xuyên các động tác kỹ thuật nhào lộn khó và nguy hiểm”- nghệ sĩ Bích Hạnh cho biết.

Xác định được tuổi nghề diễn viên múa ngắn nên trong thời gian tới, nghệ sĩ Bích Hạnh mong muốn sẽ được học thêm biên đạo múa để có thể được gắn bó lâu dài. “Năm 2024 - năm tuổi càng cho tôi quyết tâm để chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật. Tôi sẽ cố gắng tập luyện, tham gia các cuộc thi lớn để khẳng định mình cũng như mang lại thành tích cho nhà hát. Nghệ thuật múa nhiều gian truân, vất vả, nhưng điều đó không làm cản được bước chân và con tim tôi đến với nghệ thuật, để xứng đáng là một nghệ sĩ, chiến sĩ phục vụ trong QĐND Việt Nam” - nghệ sĩ Bích Hạnh nhấn mạnh.

Kinh Thầy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khat-khao-cong-hien-cua-nghe-si-tre-sinh-nam-thin-post472439.html