Khảo lược một số bài thơ Thiền – Phật của Chúa Trịnh Căn (1682 – 1709)

Chúa Trịnh Căn có nhiều bài thơ vịnh về sông núi, thiên nhiên, chùa chiền, thời khắc... có những bài hay, câu hay, thể hiện niềm tự hào về văn vật của đất nước. Trịnh Căn là vị chúa Trịnh thứ năm thời Lê Trung Hưng, con trưởng của chúa Tây Đô Vương Trịnh Tạc (1657 - 1682), con bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Lễ, sinh năm 1633.

Chúa Trịnh Căn có nhiều bài thơ vịnh về sông núi, thiên nhiên, chùa chiền, thời khắc… có những bài hay, câu hay, thể hiện niềm tự hào về văn vật của đất nước. Trịnh Căn là vị chúa Trịnh thứ năm thời Lê Trung Hưng, con trưởng của chúa Tây Đô Vương Trịnh Tạc (1657 – 1682), con bà Thái phi Vũ Thị Ngọc Lễ, sinh năm 1633.

Tác giả: Đặng Việt Thủy, Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

Năm 20 tuổi, Trịnh Căn đã cầm quân đi đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, đuổi tàn quân Mạc chạy sâu vào núi rừng biên giới. Tiếp đó, ông làm Phó Đô tướng tước Phụ quốc công, thống lĩnh binh tướng vào Nghệ An làm Trấn thủ và đánh quân chúa Nguyễn lấn chiếm vùng bắc Bố Chính.

Năm 1660, do có công lao đánh đuổi quân Nguyễn ra khỏi bắc Bố Chính, thu hồi 7 huyện, được triều đình tiến phong chức Tiết chế thủy bộ chư dinh, kiêm Tổng quyền chính tước Nghi quốc công.

Năm 1674, Trịnh Căn được tiến phong Nguyên súy Tổng quốc chính tước Định Nam vương, cùng cha là Tây vương Trịnh Tạc lo việc triều chính.

Tranh vẽ phủ Chúa Trịnh – Ảnh: St

Năm Nhâm Tuất (1682), ông được nối nghiệp cha làm chúa.

Năm 1684, ông được phong Đại Nguyên soái, Thống quốc chính Định vương.

Dưới thời chúa Trịnh Căn, chiến tranh Trịnh Nguyễn đã tạm dừng, nên Trịnh Căn có điều kiện củng cố bộ máy cai trị. Giúp việc cho chúa Trịnh lúc đó có nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng nên xã hội Đại Việt ở Đàng Ngoài lúc đó dần đi vào thế ổn định và phát triển. Trịnh Căn đã có nhiều cố gắng để đưa đất nước vào quy củ, thịnh trị, đời sống nhân dân khá hơn, vương quyền Lê – Trịnh vững vàng, trong nước yên ổn, ngoại bang nể trọng.

Về mặt quản lý kinh tế, Trịnh Căn tiến hành nhiều cải cách với những chính sách có ảnh hưởng lớn đối với xã hội đương thời, chăm lo đến việc sản xuất nông nghiệp, hạn chế việc cấp lộc điền với mức vừa phải cho quan lại có công, không để chiếm nhiều ruộng đất của dân. Nghiêm cấm các hào trưởng, quan lại cậy quyền thế, tiền tài, mua rẻ, cướp đoạt ruộng đất của dân. Cấm tái lập điền trang để ẩn lậu kẻ trốn tránh việc quan, che giấu kẻ có tội. Trịnh Căn còn ban ân tuất, miễn thuế và sai dịch cho người nghèo khổ.

Năm Giáp Tý (1684), chúa hạ lệnh cho quan lại vi hành thị sát dân tình. Trong lệnh chỉ chúa Trịnh viết: “Thương yêu dân chúng là việc đầu tiên trong chính sự. Dân chúng có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì oan ức phải phiêu tán tha hương, họ cần được vỗ về thương yêu mới phải”.

Về mặt tổ chức hành chính, có chế độ thưởng phạt nghiêm minh để khuyến khích người làm tốt chức trách. Trịnh Căn chia quan lại làm 4 hạng: liêm năng, bình thường, đã nọa (lười biếng, trễ nải công việc) và tham giảo (tham nhũng, giảo quyệt); hàng năm ghi chép vào sổ, ba năm xét và xếp hạng lại. Quan lại có tội bị tố cáo thì xét xử ngay, định rõ công tội, trừng trị kịp thời, không kể chức vụ to nhỏ, cao thấp, thân sơ với nhà vua, nhà chúa.

Có một câu chuyện được ghi lại, ở phủ Hạ Hồng (Hải Dương) có vụ giết người, cướp ruộng, việc đã 7 năm quan không xử vì thủ phạm là cậu chúa Trịnh.

Năm 1694, tri phủ Đàm Công Hiệu được đổi về đó, điều tra rõ, rồi bắt thủ phạm đem xử. Việc lên phủ chúa, chúa Trịnh Căn thẩm tra quả đúng thế, liền chém thủ phạm, rồi thăng chức Đàm Công Hiệu cho về triều làm việc, kiêm dạy học cho các thế tử (trong số đó có tằng thế tôn Trịnh Cương). Ngụ ý của chúa Trịnh Căn là các thế tử cần học đạo đức của thầy Đàm Công Hiệu. Sau này Trịnh Cương trưởng thành, lên ngôi chúa, có lần về làng Me (nay là phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thăm thầy Hiệu đã về trí sĩ, thầy thanh bạch quá mà biếu gì thầy cũng không nhận.

Chỉ còn cách nhân thầy nói là nhớ chỗ dạy học ngày xưa, Trịnh Cương bèn cho dỡ, chuyển ngôi nhà giảng đường ở Vương phủ đem về dựng ở làng Me để thầy được nhìn thấy và biếu thầy luôn. Đó là năm 1721. Ngôi nhà tình nghĩa đó đã trở thành Nhà thờ Quốc sư Đàm Công Hiệu, đến nay là di tích đã xếp hạng. Đây cũng là biểu trưng sáng ngời của mối quan hệ thầy chính trực chúa công minh.

Về luật pháp, Trịnh Căn phân định lại một số tội án, quy định việc xét xử nhanh chóng để dân khỏi chịu oan uổng… Những việc lớn đó được thi hành nghiêm chỉnh khiến người dân đương thời ca ngợi.

Về mặt văn hóa, Trịnh Căn chú ý chăm lo phát triển, đặt chế độ học ở Quốc Tử Giám chặt chẽ, nền nếp, cho làm sách Tu trí ghi chép về sông núi, chợ, thị thành, công trình xây dựng, đường sá trong nước. Đây là quyển địa chí được biên soạn công phu của thế kỷ XVII. Ông rất chú trọng chăm lo việc thi cử xét tuyển người có tài năng cho quốc gia.

Đặc biệt, ông đã cho sử thần tục biên quốc sử và lần đầu tiên cho hoàn thành việc khắc in bộ Đại Việt sử ký tục biên vào năm 1697.

Về ngoại giao, Trịnh Căn vừa kiên quyết cứng rắn, vừa khôn khéo thương lượng, buộc triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) phải trả lại những vùng đất mà họ chiếm đoạt từ thời Mạc, đó là một số thôn bản vùng biên giới mà họ đã lấn chiếm của ta.

Ông cũng cho quân đội giúp vua nước Lão Qua (tỉnh Hủa Phăn, ngày nay thuộc nước Công hòa dân chủ nhân dân Lào) là Triệu Phúc dẹp loạn trong nước, ổn định mọi việc. Vua Lão Qua nhớ ơn, sang triều cống chính quyền Lê – Trịnh, quan hệ biên giới phía Tây nước ta được ổn định.

Công lao của Trịnh Căn thể hiện rõ nét trong việc mở mang, giữ gìn biên cương lãnh thổ. Năm 1682, khi Hương Hải thiền sư (còn gọi là Tổ Cầu) cùng 50 đồ đệ từ Đàng Trong vượt biển ra Bắc, Trịnh Căn đã tiếp đãi thiền sư và đồ đệ rất hậu. Chúa Trịnh Căn đã mời Hương Hải thiền sư nghỉ ở công quán, thường hỏi thiền sư về tình hình phòng vệ của chúa Nguyễn, tình hình địa lý núi sông, biển đảo của Chiêm Thành, Chân Lạp, thiền sư đều giải đáp kỹ càng.

Trịnh Căn lại trao cho thiền sư chức vụ sứ điệp rồi sai sư vẽ bản đồ về núi sông, đường sá của hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa dâng nộp. Sau đó chúa đã trọng thưởng cho thiền sư. Chúa còn cử Đỗ Bá Công Đạo (quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) vượt thuyền vào Nam từ 1682 – 1683.

Đỗ Bá Công Đạo đã dâng lên chúa Trịnh “Chinh Nam sách đồ” (vẽ từ Quảng Bình đến Chân Lạp), sau đó chúa lại sai vẽ tiếp. Ông đã hoàn thành bộ bản đồ “Thiên Nam tứ chi lộ đồ“. rất có giá trị, ghi chú rõ về Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, có ghi tên Đỗ Bá Công Đạo. Đây là một di sản quý báu vô giá, trở thành văn bản pháp lý từ thời chúa Trịnh Căn thế kỷ XVII ở nước ta.

Chúa Trịnh Căn là người thích văn thơ, ông đã làm 100 bài thơ Nôm gộp thành một tập “Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh” (Tập thơ vịnh trăm bài ngự đề dinh quân Thiên Hòa). Tập thơ có khoảng 90 bài thơ Nôm viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật và mấy bài thơ chữ Hán cũng viết theo thể thất ngôn bát cú.

Đó là một tập thơ có tính chất cung đình, nhân danh bậc vua chúa vịnh hàng trăm bài thơ ở điện Thiên Hòa, với mục đích ca ngợi triều đại, công tích và ân huệ trị dân của nhà chúa. Một nhà nghiên cứu đã nhận định rằng, tập thơ này phản ánh chúa Trịnh Căn là “một vị chúa chăm lo việc nước, có ý chí xây dựng quốc gia và lòng tự hào tự tôn dòng họ. Đóng vai trò tích cực trong lịch sử. Tập thơ nói lên sự bền vững của chế độ mình, đồng thời gợi trong trí người ta một xã hội có kỷ cương trật tự, một đời thịnh“. (Giáo sư văn khoa Phạm Văn Diêu – dẫn theo sách “Họ Trịnh và Thăng Long“, Nxb Từ điển Bách khoa, H,.2008, tr. 78).

Chúa Trịnh Căn có nhiều bài thơ vịnh về sông núi, thiên nhiên, chùa chiền, thời khắc… có những bài hay, câu hay, thể hiện niềm tự hào về văn vật của đất nước.

Trịnh Căn là người thích tuần du đất nước và đã để lại dấu ấn của mình bằng thi ca để vịnh. Hiện nay, nhiều danh thắng còn giữ lại bút tích của ông khắc trên gỗ, trên đá. Chẳng hạn như bài Pháp Vũ tự thi ở chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội, bài Phát Tích sơn tự thi ở Sài Sơn, Quốc Oai. Những bài thơ rải rác đó sau đều được sưu tập vào “Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh”.

Bài thơ Vịnh chùa Khán Sơn của Trịnh Căn có lời dẫn: “Chùa Khán Sơn nằm ở phía tây nội thành Thăng Long, nơi đây không thấy suối rừng mà giàu thú ẩn dật..”, cảnh thiền giữa chốn nhân gian:

Một khuôn nhuần được khí thanh huyền,
Cảnh tự nhiên này khá uyển nhiên.
Tịnh xá làu làu vầng nguyệt dãi,
Phương đình thớn thớn bóng thông in.
Khăng khăng nẻo nhiệm thiền quan tĩnh,
Lộng lộng đường thông phép giáo truyền.
Nhắn nhủ bàng nhân du thưởng ấy,
Giữ lòng kính cẩn chớ trần duyên”.

Lời dẫn bài thơ “Vịnh chùa Khán Sơn” không chỉ nói lên cảnh yên tĩnh của chùa chiền: “Gần kề chợ búa mà bụi trần không đến”, còn cho thấy sự “từ bi – hỉ xả” của phật pháp bởi “nơi đây không thấy suối rừng mà giàu thú ẩn dật”.

Trong khuôn viên chùa Khán Sơn không khí trong lành, khung cảnh huyền diệu, cảnh trí tự nhiên tươi đẹp đã làm rung động nhà thơ: “Một khuôn nhuần được khí thanh huyền/ Cảnh tự nhiên này khá uyển nhiên”. Ánh trăng trong sáng trải dài in bóng thông lên mái chùa lung linh huyền ảo: “Tịnh xá làu làu vầng nguyệt dãi/ Phương đình thớn thớn bóng thông in”.

Ánh sáng mầu nhiệm của Phật pháp chiếu dọi làm tỉnh ngộ, dẫn lối chỉ đường đi: “Khăng khăng nẻo nhiệm thiền quan tĩnh/ Lồng lộng đường thông phép giáo truyền“. Nhà thơ rất trân trọng cảnh chùa, khuyên nhủ khách thập phương vãn cảnh chùa nên giữ lòng trong sạch, chớ làm những việc trần tục: “Nhắn nhủ bàng nhân du thưởng ấy/ Giữ lòng kính cẩn chớ trần duyên“. Chùa chiền là nơi bên trong giữ vững gốc nền nhân đức, bên ngoài giữ gìn lại phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ cho đời sống tinh thần, tâm linh của con người.

Tam quan chùa Đậu (Hà Nội)- Ảnh: St

Năm Mậu Dần (1698), chúa Trịnh Căn vãn cảnh chùa Đậu (còn gọi là chùa Pháp Vũ) ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín (Hà Nội), đã phải sửng sốt thốt lên rằng: Giữa nơi bằng phẳng của vũ trụ, cảnh chẳng có mây hồng ráng tía, thú không có vách đá muôn hình mà tạo thành một thế giới lưu ly.

Chùa Pháp Vũ thuộc đất Gia Phúc thật kỳ vĩ. Trên mặt đất nổi lên đài sen, lầu son sáng rạng. Cây cỏ xum xuê rủ kín một trời, cành dương tốt tươi nhuần che muôn vật. Gió lành rười rượi hòa cùng lá bối, trăng sáng lung linh ánh với đàm hoa.

Bốn phương rộng lớn đuốc tuệ dõi xa. Trăm sông về một mối, thuyền từ cập bến thiêng. Tinh linh mồn một như hiện ngay trước mắt. Công đức chất chồng không thể lượng tính. Ngẫu hứng trước danh thắng mà ngâm ngợi rằng:

Thanh quang mẽ mẽ chốn giao quang
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cả mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thâu bích hải quyềnh quanh quất,
Sắc ánh từ vân sắc rỡ ràng.
Đức thịnh ngày càng ngày hiển ứng,
Rành thay rành rãnh dấu đăng hương“.

(Ngày lành tháng Giêng năm Chính Hòa Mậu Dần (1698).

Chúa Trịnh Căn là một vị chúa được coi là có nhiều công lao trong thời gian trị vì, trong buổi thanh bình ung dung dạo chơi miền thôn dã, trải xem các danh lam thắng tích, thấy nơi nào đẹp đều có thơ vịnh. Khi đến chùa Phật Tích đã thốt lên rằng: Nay thấy chùa ở núi Phật Tích, như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa.

Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn mây ráng, ao rồng thông sang bến siêu độ, trên cầu đôi vầng nhật nguyệt, núi tựa bình phong, sông như dải lụa, đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vàng gieo sắc sáng, đường đường đầy rẫy quang minh.

Trong khi ngoạn thưởng, cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mang, ý thơ lai láng, liền làm bài thơ cho khắc vào đá để ghi việc thực. Thơ rằng:

Kiền khôn vạn thiện một bầu đông
Nay nảy siêu nhiên chỉ lạ lùng
Hương vũ trăng thiền soi vặc vặc
Vân sông tiếng ngọc năng boong boong
Từ thanh leo lẻo như long hội
Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong
Luận thế giới này giai cảnh ấy
Có bề quảng đại có linh thông”.

Thơ Trịnh Căn điêu luyện, chải chuốt trăm bài trăm vẻ… nhưng đôi khi cũng sa vào cầu kỳ, khuôn sáo. Dẫu sao, “Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh” cũng là tác phẩm đánh dấu bước phát triển nhất định của thể thơ Nôm Hàn luật ở nửa cuối thế kỷ XVII.

Thời Định Vương Trịnh Căn, triều đình và các trấn có nhiều quan lại có tài năng và chăm lo việc nước, việc dân, xã hội ổn định, thịnh trị, phát huy cao hơn những năm thịnh trị đã có thời Tây Vương Trịnh Tạc. Các sử gia đời sau đều viết những lời ca ngợi về chúa Trịnh Căn: “có tài văn võ, có tài cai trị việc nước, thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc, cất dùng anh tài, thành tích trông thấy rõ rệt”. (Theo Lịch triều Hiến chương loại chí – Phan Huy Chú). Và … “(thời vua Lê Dụ Tông và chúa Định Vương) bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy (nạn) binh đao, trong nước vô sự. Pháp độ được đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Sứ xa dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc thì trả lại đất. Có thể nói là đời cực thịnh…” (Theo Lịch triều tạp kỷ – Ngô Cao Lăng).

Năm Kỷ Sửu – 1709, chúa Trịnh Căn mất, thọ 77 tuổi, miếu hiệu Chiêu Tổ Khang vương; ở ngôi 27 năm. Chúa Trịnh Căn là vị chúa có tuổi thọ cao nhất trong các đời chúa Trịnh. Chắt của ông là Trịnh Cương lên nối ngôi chúa.

Tác giả: Đặng Việt Thủy, Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Phạm Khang, “Chúa Trịnh”, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2008.
– Bình Di – Quang Vũ, “Họ Trịnh và Thăng Long”, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội – 2008.
– Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, “Các triều đại Việt Nam”, Nxb Thanh niên, Hà Nội – 2006.
– “Từ điển Văn học” (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội – 2004
– “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” (Tập I), Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2007.
– Và các tài liệu khác.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tho-thien-phat-chua-trinh-can-1682.html