Khánh thành tượng đài Bác Hồ- Bác Tôn tại Hà Nội: Biểu tượng sáng ngời tình đoàn kết thống nhất của cả dân tộc

Sáng qua (3-10), tại đảo Thống Nhất (Công viên Thông Nhất), đã diễn ra Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ- Bác Tôn. Đến dự lễ khánh thành có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải...

Biểu diễn văn nghệ tại lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn Ảnh: HOÀNG LONG Quà tặng ý nghĩa Đây là món quà đầy ý nghĩa mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Hồ Chí Minh gửi tặng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc dựng tượng đài Bác Hồ- Bác Tôn là cách để muôn đời con cháu mai sau tỏ lòng nhớ ơn vô hạn đối với hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác Hồ, vị cha già kính yêu của toàn dân tộc, Người đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến với “những bến bờ vui”. Trên con đường ấy, Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ nhưng vẫn sáng mãi một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam, của ngày thống nhất non sông. Bác Tôn- người bạn gần gũi, thân thiết, người đồng chí giản dị, kiên trung của Bác Hồ- người đã suốt đời phấn đấu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì thống nhất đất nước. Hai vị lãnh tụ, hai nhân cách lớn, hai người con tiêu biểu của dân tộc Việt Nam thời hiện đại, sinh ra ở hai miền quê nhưng cùng chung một chí hướng, lý tưởng: suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hình ảnh Bác Hồ bắt tay Bác Tôn là sự thể hiện sâu sắc nhất tình đồng chí anh em và một chân lý không bao giờ thay đổi: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Bắc- Nam chung một mái nhà. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã kêu gọi mỗi người dân Việt Nam phải không ngừng góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh đoàn kết quốc tế. Bởi, theo Chủ tịch nước: đây chính là sức mạnh đã đưa nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đứng trước Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, chúng ta nhớ công lao to lớn của hai vị lãnh tụ kính yêu, đồng thời chúng ta cũng hứa với Bác Hồ và Bác Tôn rằng phải giữ gìn, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, giữ gìn những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân ta đã giành được. Đồng thời, chúng ta quyết tâm xây dựng đất nước giàu hơn, mạnh hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trao bằng ghi nhận công trình Chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho lãnh đạo TP. Hà Nội Công trình gắn kết tư tưởng đại đoàn kết Để có bức tượng Bác Hồ- Bác Tôn đẹp về nghệ thuật và ý nghĩa về tư tưởng, cách đây một năm- năm 2009, UBND TP. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất phương án thực hiện công trình nghệ thuật này. Từ 25 mẫu phác thảo ban đầu, đã có 3 mẫu tượng lọt vào vòng hai và được trưng cầu ý kiến nhân dân tại Thủ đô và thành phố mang tên Bác. Cuối cùng, mẫu phác thảo 05- BHBT của tác giả Lâm Quang Nới (hội viên Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) được Hội đồng nghệ thuật cùng lãnh đạo hai thành phố đánh giá đạt yêu cầu nhất. Sau hơn 8 tháng thi công, tại cơ sở đúc đồng Phương Nam, nhóm tác giả Lâm Quang Nới đã hoàn tất tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn có chiều cao 5,4m, được đúc bằng chất liệu hợp kim, nặng khoảng 20 tấn, thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Quốc hội khóa II năm 1960 bầu Bác Hồ làm Chủ tịch nước và bầu Bác Tôn làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khu vực đặt Tượng đài là đảo Thống Nhất, trong khuôn viên Công viên Thống Nhất, với diện tích hơn 6.000 m2, được bao quanh bằng hồ nước và cây xanh. Một thành viên của Hội đồng nghệ thuật xét duyệt mẫu tượng đài, họa sĩ Phạm Đỗ Đồng đã từng nhận xét: Đây là bức tượng Bác Hồ- Bác Tôn đẹp nhất từ trước đến nay. Thành công không chỉ ở các yếu tố kỹ-mỹ thuật; mà thành công lớn nhất của tác phẩm này chính là đã thể hiện được phong thái của hai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc ta, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, đến tư thế bắt tay... Tất cả như đã nói lên được tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc. Đây có lẽ cũng chính là cái hồn, cái thần thái cơ bản của bức tượng Bác Hồ- Bác Tôn được đặt trong công viên mang cái tên cũng thật ý nghĩa- công viên Thống Nhất. Một công viên văn hóa giữa lòng Hà Nội- Thủ đô Vì hòa bình. M.Loan- K.Ly

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17962&menu=1372&style=1