Khánh Hòa: Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ

Vốn đầu tư công ở Khánh Hòa chậm giải ngân, nhiều dự án quan trọng ở Nha Trang trễ tiến độ vì nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ

Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 3.600 tỉ đồng. Đến ngày 30-10, dù chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2022 nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Khánh Hòa tạm tính chỉ đạt hơn 56%.

Vướng giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa, đến cuối tháng 10-2022, địa phương này đề nghị điều chuyển về ngân sách trung ương gần 171,5 tỉ đồng do không còn nhu cầu sử dụng, trong đó hơn 29 tỉ đồng là vốn ODA.

Công trình thi công đập ngăn mặn trên sông Cái đang chậm tiến độ

Với các dự án đầu tư công, 24 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh Khánh Hòa; 8 đơn vị chưa có tỉ lệ giải ngân vốn; 17 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Trong số này, 12 dự án được đầu tư trọng điểm nhưng chậm giải ngân vì nhiều vướng mắc, khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đáng chú ý là dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang với vốn đầu tư 760 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Đây là dự án đa mục tiêu nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cái Nha Trang vào mùa khô, bảo đảm mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 người dân... Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành việc xây dựng các trụ đỡ, lắp ráp một số cửa đập.

Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang) cũng đang gặp khó khăn. Dự án này có 4 hợp phần nhằm mở rộng hạ tầng vệ sinh, cải thiện kết nối đô thị, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bắc Nha Trang… với tổng vốn đầu tư lên đến 72 triệu USD nhưng đến nay vẫn chưa thể về đích. Việc này khiến tình trạng ngập nước ở phía Bắc TP Nha Trang kéo dài.

Ông Ngũ Quốc Việt - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang - cho biết khi dự án này hoàn thiện, khớp nối với hệ thống thoát nước của các tuyến đường khác thì khu vực Tháp Bà - đường 2 Tháng 4 mới hết ngập.

Ở nhóm ngoài ngân sách, tỉnh Khánh Hòa còn khoảng 95 dự án chậm tiến độ so với quy định, xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nên việc thu hút, kêu gọi và huy động vốn đầu tư hạn chế; việc thanh tra, kiểm tra; GPMB bằng chậm…

Đơn cử, dự án khu đô thị Hoàng Long rộng 25,793 ha tại phường Phước Long, TP Nha Trang triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay chỉ mới GPMB được khoảng 19 ha, còn hơn 6 ha đang gặp vướng mắc. Dự án này chậm tiến độ dẫn đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép thường xuyên diễn ra. Theo thống kê của UBND phường Phước Long, nếu năm 2008 chỉ có 87 công trình xây dựng trái phép thì đến nay đã lên tới 400.

Triển khai nhiều biện pháp

Số liệu của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa cho thấy từ tháng 7 đến ngày 28-10, chỉ riêng ở TP Nha Trang đã có 6 dự án đầu tư công với 1.897 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm kê 1.584 hộ bị ảnh hưởng nhưng chỉ thông qua 242 hộ, niêm yết 206 hộ, phê duyệt... 80 hộ.

Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa - chủ đầu tư CCSEP Nha Trang cho biết vướng mắc tại các dự án mà đơn vị này đang quản lý chủ yếu liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vì thay đổi nhiều lần. Nhiều thửa đất đã thiết lập hồ sơ diện vắng chủ nay lại có người đến nhận; một số hộ dân không phối hợp ký biên bản kiểm kê, hồ sơ kỹ thuật… Tiến độ dự án chỉ được đẩy mạnh nếu hoàn thành GPMB.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho rằng nguyên nhân khách quan là vì tỉnh đang lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nên các dự án đang dừng lại để rà soát cho đồng bộ, tránh lãng phí. Một số hộ dân còn so sánh giá bồi thường đất GPMB với giá thị trường nên chưa phối hợp…

Về nguyên nhân chủ quan, dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo GPMB song khâu kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở nhiều dự án vẫn chậm, kéo dài. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh GPMB. UBND tỉnh yêu cầu các sở chuyên môn tham mưu việc xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Dù vậy, Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết đến cuối tháng 10 -2022 vẫn chưa nhận các báo cáo giải quyết. Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa đề nghị các sở chuyên môn báo cáo định kỳ vào ngày 13 và 27 hằng tháng, đến khi xử lý dứt điểm các kiến nghị.

Đẩy nhanh giải ngân vốn

Trong cuộc họp giải quyết vướng mắc đầu tư công mới đây, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân vốn. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc kiểm đếm khối lượng nhà đất giải tỏa, phương án GPMB và trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt phương án giá đất.

Theo ông Hoàng, việc xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể liên quan.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/khanh-hoa-nhieu-du-an-trong-diem-cham-tien-do-20221102203644675.htm