Khánh Hòa: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 'nóng' với các vấn đề quy hoạch

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa lần II năm 2023, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến các quy hoạch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Nhà đầu tư vướng quy hoạch

Ngày 20/12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa lần II năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ngành và khoảng 150 đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trung Nhân)

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang đặt câu hỏi: UBND tỉnh Khánh Hòa có ý định quy hoạch làng nghề nước mắm hay không? Nếu không có quy hoạch thì làng nghề nước mắm ở Khánh Hòa sẽ bị xóa bỏ.

Ông Diệp cho biết, hiện các doanh nghiệp nước mắm lớn trên địa bàn đã di dời cơ sở khỏi Khánh Hòa và Công ty 584 cũng đã có cơ sở sản xuất tại Ninh Thuận… Dó đó, nếu không có quy hoạch làng nghề nước mắm Công ty 584 với quy mô sản xuất 15.000 tấn/nước mắm/năm cũng cần được biết để có phương án di dời cơ sở.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp kiến nghị về quy hoạch làng nghề nước mắm. (Ảnh: Trung Nhân)

Ông Trần Việt Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Crystal Bay kiến nghị cơ quan chức năng Khánh Hòa giải quyết triệt để và đúng pháp luật vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang tầm nhìn 2040.

“Chúng tôi kiến nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét về tính liên tục, thống nhất và kế thừa của quy hoạch Nha Trang trong tổng thể quy hoạch quốc gia theo Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 để không chỉ đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh của Khánh Hòa mà còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp" – ông Trần Việt Dũng chia sẻ.

Ông Trần Việt Dũng kiến nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét về tính liên tục, thống nhất và kế thừa của quy hoạch Nha Trang trong tổng thể quy hoạch quốc gia. (Ảnh: Trung Nhân)

Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng cho biết, năm 2016 Tập đoàn có đề xuất đầu tư xây dựng một ngôi trường quốc tế trên địa bàn thành phố Nha Trang. Theo đó, Tập đoàn được tỉnh đề xuất khu đất giáo dục 5 ha tại khu đô thị Mỹ Gia. Vào thời điểm bấy giờ, chính sách xã hội hóa giáo dục của tỉnh đối với khu đất là được miễn tiền sử dụng đất nên theo quy định không thuộc đối tượng đấu giá.

Trong quá trình triển khai lập dự án đầu tư, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã chi trả một khoản tiền để tiến hành đền bù giải tỏa khu đất nói trên. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chưa được giao thuê đất. Gần đây, tỉnh có kế hoạch đưa khu đất vào đấu giá làm thay đổi điều kiện đầu tư ban đầu đối với khu đất.
Theo đó, đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng đề xuất tiếp tục triển khai dự án với chính sách ưu đãi xã hội hóa trước đây và không phải đấu giá. Trường hợp tỉnh đấu giá thì tiền sử dụng đất rất cao, nhà đầu tư xin nhận lại số tiền đã bỏ ra để bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp

Ngoài các ý kiến của hai doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện trong chính sách hỗ trợ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho các dự án bị ảnh hưởng bởi việc lập, điều chỉnh quy hoạch; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch…

Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, các dự án doanh nghiệp kiến nghị hiện chưa đủ điều kiện pháp lý để triển khai, các dự án phải chờ quy hoạch chung TP Nha Trang. Hiện quy hoạch đang được trình duyệt các bước cuối cùng mới có thể triển khai và các dự án phải điều chỉnh để phù hợp quy hoạch mới để tiến hành đầu tư tiếp.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao những chia sẻ, đồng hành vượt khó của các doanh nghiệp, góp phần vào thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa.

Đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trung Nhân)

Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo các Sở, ban, ngành luôn lắng nghe, tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời, đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp...

Đặc biệt, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoach quan trọng như: Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện, ... để làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khanh-hoa-hoi-nghi-doi-thoai-doanh-nghiep-nong-voi-cac-van-de-quy-hoach.html