Khẳng định vai trò của quỹ tín dụng nhân dân trong nền kinh tế

Trong khi các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng thuộc những món tiền nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với cuộc sống của nhiều hộ dân thì hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đã dần khẳng định được vai trò quan trọng 'gần dân, sát dân' trong cung cấp các dịch vụ tài chính, phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, ổn định an ninh kinh tế, chính trị ở địa phương.

Quỹ TDND Hưng Long (huyện Yên Lập) tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch.

Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế

Những năm gần đây, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, biến động giá cả trên thị trường, lạm phát, hàng hóa tồn kho, thị trường tài chính, tín dụng nhiều khó khăn… song với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm của tập thể đội ngũ, hoạt động của Quỹ TDND Hưng Long (huyện Yên Lập) luôn ổn định và phát triển.

Ông Trần Tuấn Phương - Giám đốc Quỹ cho biết: Với phương châm tương trợ, hỗ trợ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành viên cùng phát triển, Quỹ đã xác định hướng đi phù hợp thực tế, chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra mức lãi suất phù hợp từng thời điểm để hỗ trợ thành viên phát triển dự án kinh tế; tích cực tiếp cận khai thác khách hàng mới, trực tiếp tư vấn, hỗ trợ các thành viên có nhu cầu vay vốn lập kế hoạch, xây dựng dự án... Hoạt động cho vay của Quỹ tập trung các lĩnh vực, ngành nghề như sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ, các ngành nghề dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… được thực hiện theo quy tắc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay một cách chặt chẽ; ưu tiên đầu tư tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm hàng hóa, thu hút lao động, tăng thu nhập. Đồng thời Quỹ phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cũng như thời gian để quá trình lập hồ sơ vay vốn của nhân dân được nhanh nhất.

Ông Nguyễn Đình Hào ở khu Thung Bằng chia sẻ: Là thành viên truyền thống, gắn bó với Quỹ nhiều năm, gia đình tôi luôn được Quỹ tạo điều kiện hỗ trợ về vốn kịp thời mỗi khi cần đầu tư, mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất đồ mộc gia dụng. Quỹ luôn thấu hiểu và đồng hành với hộ sản xuất, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như vừa qua, Quỹ đã có chính sách hỗ trợ cho gia đình kịp thời để duy trì sản xuất, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Được biết, đến nay Quỹ TDND Hưng Long đã thu hút trên 1.000 thành viên, tổng dư nợ đạt gần 130 tỉ đồng, hoạt động cho vay địa bàn không phát sinh nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu 0%. Đây là một trong 12 quỹ TDND trên địa bàn tỉnh hạch toán không có nợ xấu trong nhiều năm.

Quỹ TDND xã Thụy Vân (TP Việt Trì) là một trong những đơn vị có địa bàn hoạt động trên hai xã Thụy Vân và Thanh Đình. Sau gần ba thập kỷ xây dựng và phát triển, từ số thành viên ban đầu chỉ gần 60 người với số vốn điều lệ 100 triệu đồng, đến nay Quỹ đã có tổng số thành viên 1.384 người, số vốn điều lệ 6,3 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch HĐQT Quỹ cho biết: Bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, Quỹ đã chủ động làm tốt công tác huy động vốn và cho vay thành viên. Hiện dư nợ cho vay của Quỹ đạt 165 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng khoảng 8%/năm, chủ yếu cho vay các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, tiêu dùng. Nhiều thành viên của Quỹ sau khi vay vốn đầu tư có hiệu quả vào các mô hình, đời sống không ngừng được cải thiện, góp phần tích cực nâng cao tiêu chí thu nhập của địa phương.

Có thể thấy, qua mô hình hoạt động hiệu quả của hai Quỹ TDND Hưng Long và Thụy Vân cũng như thực tế kết quả các thành viên vay vốn sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế hộ trong thời gian qua đã minh chứng rõ nét sự quyết liệt trong việc triển khai Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh. Điều này đã giúp phát huy sức mạnh của cả hệ thống Quỹ TDND, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình và sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

Nguồn vốn của Quỹ TDND Hùng Lô (TP Việt Trì) đã giúp cho nhiều thành viên trong khu vực đầu tư phát triển nghề sản xuất mì gạo, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

An toàn, hiệu quả - yếu tố thành công

Toàn tỉnh hiện có 39 Quỹ TDND hoạt động tại 77 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị, thành, trong đó có 32 quỹ hoạt động trên địa bàn liên xã, phường, thị trấn. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và trực tiếp là NHNN Chi nhánh tỉnh, hoạt động của hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc với sự tăng trưởng cả về quy mô, chất lượng tín dụng. Mô hình tổ chức của các quỹ dần đi vào nền nếp, hoạt động đúng nguyên tắc, từng bước khẳng định vai trò của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân”, là “cánh tay nối dài” đắc lực, đưa nguồn vốn kịp thời tới người dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Hoạt động Quỹ TDND liên quan đến tiền tệ, do đó chứa đựng nhiều rủi ro, bởi vậy yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị chức năng trong việc xử lý, củng cố, chấn chỉnh hoạt động các quỹ nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh trật tự tại cơ sở.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tập trung chỉ đạo các quỹ tăng cường xây dựng phương án phòng chống rủi ro trong hoạt động tiền tệ và kho quỹ, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, công tác bảo mật thông tin, quản lý ấn chỉ quan trọng... Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, NHNN đã chỉ đạo các quỹ thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đồng hành hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Hiện tỉ lệ nợ xấu của cả hệ thống chỉ chiếm 0,34% tổng dư nợ cho vay.

Công tác thanh tra, kiểm tra các quỹ, đặc biệt là những quỹ quy mô lớn, chưa được thanh tra ít nhất trong 2-3 năm gần nhất, hoặc có dấu hiệu rủi ro... được NHNN tập trung nguồn lực, bố trí thanh tra theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất, thanh tra chéo, từ đó đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến nghị, góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng. Công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là cải tiến về quy trình, thủ tục, hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được các quỹ triển khai tích cực. Vì vậy, đã khai thác tốt nguồn vốn nhỏ, lẻ trong dân, nhiều thành viên thuộc diện yếu thế được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen trong thời gian qua.

Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, hệ thống quỹ đã thu hút được số lượng lớn thành viên tham gia góp vốn với trên 52.416 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động trên 7.000 tỉ đồng, trong đó có hai quỹ nguồn vốn hoạt động cao trên 300 tỉ đồng, chín quỹ nguồn vốn hoạt động trên 200 tỉ đồng, quỹ có nguồn vốn hoạt động thấp nhất cũng xấp xỉ 90 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 5.960 tỉ đồng. Tổng dư nợ cho vay hiện nay của các quỹ đạt 6.435 tỉ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông-lâm-nghiệp trên 730 tỉ đồng, cho vay công nghiệp- xây dựng gần 2.550 tỉ đồng, cho vay dịch vụ, đời sống trên 3.160 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo hài hòa giữa ba lợi ích: Nộp thuế cho Nhà nước, bổ sung nguồn quỹ dự phòng và chia cổ tức cho thành viên góp vốn. Chênh lệch thu nhập lớn hơn chi phí tính đến hết năm 2022 của các quỹ trên địa bàn đạt 83 tỉ đồng, tăng 37% so với năm 2021, 100% quỹ hạch toán có chênh lệch thu nhập lớn hơn chi phí. Các quỹ đã trích lập dự phòng rủi ro, trích nộp phí bảo hiểm tiền gửi, phí bảo toàn hệ thống theo quy định.

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh khẳng định: Trong mỗi giai đoạn phát triển, mô hình hoạt động của Quỹ TDND luôn là kênh dẫn vốn hiệu quả, vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa giải quyết cho vay phục vụ sản xuất tiêu dùng. Giá trị của mô hình mang lại có ý nghĩa xã hội to lớn, đã phát huy được tinh thần nội lực của người dân trong quá trình phát triển kinh tế, đẩy lùi tín dụng đen, ổn định an ninh chính trị, nhất là ở khu vực nông thôn. Sự thành công trong hoạt động của các Quỹ TDND thời gian qua đã dần khẳng định vai trò hệ thống Quỹ TDND trong công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/khang-dinh-vai-tro-cua-quy-tin-dung-nhan-dan-trong-nen-kinh-te/190290.htm