Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của hang cá thần Văn Nho

Hang cá thần Văn Nho ẩn mình giữa đại ngàn bản Chiềng Ban (xã Văn Nho, huyện vùng cao Bá Thước, Thanh Hóa). Nước ở đây luôn trong xanh hòa lẫn với sự nguyên sơ của cây cối, mây trời được thối hồn bằng các giai thoại huyền bí mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Vẻ đẹp hoang sơ của hang cá thần

Hang cá thần Văn Nho là 1 trong 3 hang cá nổi tiếng ở xứ Thanh sau hàng cá thần Cẩm Lương, Cẩm Liên thuộc huyện Cẩm Thủy. Hang nằm tựa lưng vào núi, rộng khoảng 1ha. Phần lộ thiên là hồ nước nhỏ hình bán nguyệt, tựa lưng vào núi đá. Nước từ trong lòng núi chảy ra trong vắt.

Đất Văn Nho nơi có suối cá thần xưa thuộc vùng Mường Ống, Mường Ký - những xứ mường thần thoại, nơi sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa lịch sử độc đáo của dân tộc Mường. Cái tên Văn Nho được đặt theo tên của Hà Văn Nho - người con ưu tú của Mường Ký - một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương.

Du khách thích thú khi cho cá ăn

Ông Hà Văn Thân (71 tuổi, nhà ngay cạnh hang cá thần) cho hay: Dòng suối nơi có hang cá thần vốn là nơi cung cấp nguồn nước chính cho sinh hoạt và sản xuất của bà con trong bản. Từ những năm 1970, quân đội đã về xây dựng đập chắn nước thủy lợi. Do đó, loài "cá thần" còn tồn tại đến ngày nay. Hàng ngày, người dân vẫn ra suối giặt giũ, rửa rau và mang thức ăn cho cá.

Nơi đây gắn liền với nhà yêu nước Tống Duy Tân và Hà Văn Nho

Tại bản nghèo Chiềng Ban (nay đổi tên là Chiềng Mới) còn tồn tại nhiều câu chuyện kỳ bí xoay quanh suối cá thần này. Theo người dân bản, không ai dám đánh bắt cá ở suối này vì họ cho rằng đây là "cá thần" và gắn với giai thoại người con gái bản Chiềng Ban. Tương truyền rằng, xưa kia, người con gái ấy vốn nổi tiếng xinh đẹp, dịu dàng, làm nương, dệt vải giỏi.

Một hôm, nàng đến chơi ở hang. Đang đi bộ bên ngoài, giông gió bỗng nổi lên, cuốn nàng vào trong lòng núi. Dân bản đồn rằng nàng đã bị thuồng luồng bắt làm vợ. Đến ngày mẹ mất, nàng cùng chồng trở về chịu tang mẹ. Chồng nàng do thuồng luồng biến thành, tướng mạo dị thường, khôi ngô, tuấn tú. Viếng mẹ xong, giông bão lại nổi lên, nàng và chồng biến mất, từ đó không về bản nữa. Câu chuyện có nhiều dị bản, song đều kết luận rằng, "bà cá chúa" trong hang là do người con gái Chiềng Ban hóa thành. Có người còn khẳng định, đã từng nhìn thấy "bà cá chúa", với chiếc vảy màu vàng lấp lánh gần mang, tựa như chiếc khuyên vàng ngày xưa nàng đeo.

Bọn trẻ trong bản thường ra khu vực nước nông tắm, chơi đùa

Theo thời gian, những người dân trong bản hàng ngày chứng kiến cảnh từng đàn cá đông đúc, tung tăng bơi lượn dưới làn nước trong vắt. Đặc biệt, 3 - 4 năm trở lại đây, đàn cá nơi đây có dấu hiệu sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Qua khảo sát nghiên cứu thì cá ở đây cũng tương tự như loài cá được phát hiện tại hai xã Cẩm Liên và Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy. Cá ở đây với đầy đủ kích cỡ, con lớn nặng khoảng từ 4 - 5kg, con nhỏ khoảng 400g. Sau khi phát hiện ra suối cá này, người dân trong bản đã lập bàn thờ bên cạnh khu vực hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10m để thờ thần cá.

Chiềng Ban không chỉ có loài cá thần mà còn gắn với nhiều câu chuyện cách mạng. Hai nhà yêu nước Tống Duy Tân và Hà Văn Nho đã từng làm việc, trú ẩn khi hoạt động cách mạng tại đây. Sau này tên Văn Nho cũng đã được đặt tên cho chính xã này. Vào ngày 18-11 dương lịch hằng năm, xã tổ chức lễ lớn để tưởng nhớ ông Hà Văn Nho và cũng là dịp các bô lão trong làng lên hang cá khấn vái để cầu điều tốt lành cho dân làng.

Người Thái ở Văn Nho lưu giữ nét văn hóa độc đáo

Được biết, UBND xã Văn Nho nhiều năm qua ngoài việc bảo vệ, lưu giữ suối cá thần cũng tích cực trong việc quảng bá du lịch. Du khách khi khám phá xong hang cá có thể trải nghiệm nhiều nét văn hóa độc đáo của người Thái, các món ăn vô cùng hấp dẫn được người dân địa phương kỳ công chuẩn bị sẽ làm hài lòng những người khó tính nhất. Vẻ đẹp của hàng cá thần vẫn chưa được khai phá hết, nhất là các vị trí đẹp để du khách chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc thơ mộng tại nơi này.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/kham-pha-ve-dep-hoang-so-cua-hang-ca-than-van-nho-212757.html