Khám phá quy trình biến đất sét thành... rồng của nghệ nhân gốm Bát Tràng

Dưới sự tìm tòi, sáng tạo của nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú, đất sét Bát Tràng đã được nhào nặn thành những biểu tượng rồng cho năm mới Giáp Thìn. Đằng sau mỗi sản phẩm là những 'mật mã văn hóa' nhiều tầng ý nghĩa.

Trần Anh Tú là một đại diện cho thế hệ những nghệ nhân trẻ tại làng gốm cổ Bát Tràng. Say mê văn hóa cổ, nhiều năm qua, anh đã miệt mài sáng tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo. Năm nay, nhân dịp Tết Giáp Thìn, Tú cho ra mắt sản phẩm gốm: Long mã cõng hà đồ.

Anh Tú cho biết, để thiết kế các sản phẩm rồng cho năm mới nói chung và Long mã cõng hà đồ nói riêng, anh đã chủ động tìm tòi, học hỏi trong các thư tịch cổ cũng như khảo sát thực tế tại nhiều đình, chùa trong cả nước.

Như mẫu Long mã cõng hà đồ được Tú lấy nguyên mẫu từ hình tượng Long mã tại Hoàng Thành và lăng tẩm các vua triều Nguyễn tại Huế. Long mã tượng trưng cho sự uy nghi hùng dũng (tung hoành), sự tiến hóa vạn vật, biểu hiện của một vũ trụ vận động không ngừng. Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh long mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc, thái bình và thịnh vượng.

Quá trình tạo nên sản phẩm gốm tuân thủ các bước hết sức chặt chẽ. Đất sét sau khi được nhào nặn bằng máy sẽ được thợ bơm đầy các khuôn được làm từ trước.

Mất từ 6-7 giờ, đất sét trong khuôn mới có thể khô và hình thành sản phẩm thô. Lúc này, sản phẩm còn khá mềm và phải phơi khô trong vài tiếng.

Bằng đôi tay khéo léo, các nghệ nhân sẽ tiếp tục hoàn thiện, gắn các chi tiết rời lên thân của Long mã cõng hà đồ. Đây là công đoạn đòi hỏi kinh nghiệm cũng như tài hoa của người thợ.

Sau khi ra khuôn, các mẫu vật đợi đến giờ... lên màu.

Cận cảnh các sản phẩm hình tượng rồng sau giai đoạn rời khuôn.

Ở công đoạn tiếp theo, mẫu vật sau khi đạt độ khô tiêu chuẩn sẽ được đưa vào phủ màu.

Lớp men đã được nghiên cứu và phối trộn kỹ lưỡng từ trước để bảo đảm sản phẩm sau khi nung sẽ cho ra màu sắc như ý muốn của người nghệ nhân.

Truyền thuyết kể rằng, long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, dưới thời Phục Hi, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức hà đồ, hay mã đồ, là sách trời ban cho vua để trị nước. Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái – cơ sở của kinh dịch sau này. Ngoài ra, Long mã còn là linh vật của Phật giáo, bởi nó thường cõng trên lưng Luật Tạng, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam Tạng kinh).

Nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú với các sản phẩm của mình.

Cận cảnh hai sản phẩm rồng do HTX sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh sản xuất. Được biết, 2 sản phẩm này hiện chưa được đưa ra bán rộng rãi mà chỉ sản xuất để làm quà biếu tặng nhân dịp Tết Giáp Thìn sắp tới.

Các sản phẩm hình tượng rồng của nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-kham-pha-quy-trinh-bien-dat-set-thanh-rong-cua-nghe-nhan-gom-bat-trang-post791014.html