Khám phá Đồi hướng dương dưới chân đèo Tô Na

Nhân chuyến công tác về huyện Krông Pa, chúng tôi được dịp dừng chân bên đèo Tô Na (thuộc địa phận buôn Phum, xã Ia Siơm), con đèo nằm trên dòng sông Ba hiền hòa gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất nằm về phía Đông Nam của tỉnh nhà.

Về khoảng cách địa lý, xuất phát từ thành phố Pleiku đến trung tâm huyện Krông Pa khoảng 140km. Nếu bạn đã lên kế hoạch trước để kết nối liên tuyến “lên rừng xuống biển” trong hành trình trải nghiệm của mình thì từ vị trí này rất thuận lợi bởi khoảng cách từ thị trấn Phú Túc di chuyển đến với tỉnh Phú Yên chỉ mất thêm khoảng 2 giờ đồng hồ sẽ được ngắm biển xanh, cát trắng. Hành trình này cũng là nằm trong chương trình liên kết hợp tác phát triển liên vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nhằm mở rộng và phát triển thị trường du lịch trong khu vực liên kết.

Có hẹn từ trước, hôm nay chị Trần Thị Mỹ Hiền-Bí thư đảng ủy xã Ia Siơm đón đoàn và đưa đi tham quan Thung lũng Hồng (nằm ở khu vực giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và Krông Pa), một điểm đến thơ mộng và thú vị nằm bên dòng sông Ba, phía dưới chân đèo Tô Na.

Từ chân đèo Tô Na, phóng tầm mắt về phía xa Thung lũng Hồng thi vị bên dòng sông Ba khiến cho cái nóng gay gắt ở vùng đất này dịu đi đôi phần: Ảnh: Võ Thanh Thảo

Chị Hiền cho biết, Thung lũng Hồng là một điểm đến quan trọng được huyện Krông Pa đưa vào Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Có tên là Thung lũng Hồng có lẽ bắt nguồn từ lượng phù sa từ thượng nguồn chảy về khu vực này khiến cho màu sắc của dòng nước có sự thay đổi vào từng thời điểm trong ngày, ánh lên sắc hồng tím nhẹ. Ngoài ra, đến đây bạn sẽ được thưởng thức đặc sản cá chốt, được chế biến thành nhiều món ngon.

Dừng chân bên hàng nước ngay chân đèo, phóng tầm mắt về phía xa, dòng sông Ba hiền hòa phẳng lặng uốn lượn quanh đèo giữa núi non điệp trùng, thảnh thơi thưởng ngoạn phong cảnh rừng xanh bao bọc hai bên, mặt nước lăn tăn gợn sóng, vài chiếc thuyền đánh cá của ngư dân lãng đãng ngoài xa, lưu lại những khoảnh khắc đẹp để thấy được sự thoáng đạt của thiên nhiên vạn vật.

Ảnh: Hoàng Trung

Ảnh: Hoàng Trung

Với mỗi địa danh mà nó chảy qua, sông Ba lại gắn với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và góp phần nuôi sống người dân bởi những giá trị to lớn từ lượng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng tươi tốt, cây rừng thêm xanh, đất đai màu mỡ và nguồn lợi thủy sản mà dòng sông mang lại. Vẻ đẹp thơ mộng của Thung lũng Hồng bên dòng sông Ba đã khiến cho cái nóng “hầm hập” của vùng đất chảo lửa này dịu đi đôi phần. Từ chân đèo Tô Na, di chuyển khoảng 600m chúng tôi được đưa đến tham quan Đồi hướng dương (thuộc địa phận thôn Hưng Phú, xã Ia Siơm), một khu du lịch sinh thái mới được đưa vào hoạt động thời gian gần đây. Đón đoàn là anh Nguyễn Ngọc Trung, chủ nhân của khu du lịch.

Đoàn đã lên kế hoạch sẽ ăn trưa và thưởng ngoạn cảnh quan khu vực này, vì vậy bữa trưa diễn ra hơi muộn. Thưởng thức ẩm thực ở làng giữa thiên nhiên núi đồi, phong cảnh hữu tình bao giờ cũng ngon miệng và mang đến hương vị đặc biệt, tuy đó chỉ là những món ăn dân dã. Anh Nguyễn Ngọc Trung mời đoàn những món ăn sẽ được đưa vào thực đơn phục vụ thực khách, trong đó được ưa thích nhất là các món nướng bên bếp than hồng đỏ lửa, gà đồi… Đãi khách hiển nhiên không thể thiếu món bò một nắng. Thịt bò ở Krông Pa săn chắc, đậm đà, là nguyên liệu chính để làm ra món ăn nổi tiếng không chỉ là đặc sản của địa phương, mà đã trở thành “đại sứ” giới thiệu ẩm thực, văn hóa của vùng đất này nói riêng và của Gia Lai đến với bạn bè muôn phương. Hương vị ngọt thơm, mềm dai của thịt bò khi kết hợp cùng vị chua chua cay cay tự nhiên đặc biệt của muối kiến vàng thật sự khó quên.

Ảnh: Hoàng Trung

Ảnh: Hoàng Trung

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng Đồi hướng dương khi đưa chúng tôi đi tham quan, anh Nguyễn Ngọc Trung cho biết: Sau 5 năm xa nhà đi làm bếp tại Đà Nẵng, được làm việc trong môi trường du lịch năng động bản thân nhận thấy du khách rất ưa thích kiểu tìm về với thiên nhiên trong lành, du lịch kết hợp trải nghiệm, dã ngoại vì vậy anh quyết định về quê nhà lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình để lại. Với lợi thế sẵn có về vị trí nằm bên dòng sông Ba thơ mộng, cảnh quan núi đồi hoang sơ, cỏ cây xanh tốt, đất đai màu mỡ… Đồi hướng dương được xây dựng dựa trên nắm bắt nhu cầu đó của du khách.

Anh Trung thông tin thêm: “Thời gian qua, gia đình bắt đầu cải tạo lại cảnh quan khu vực này, thử nghiệm trồng các loại hoa ngắn ngày để lựa chọn loại thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Khoảng hơn 3 tháng trước chúng tôi gieo trồng chủ yếu là hoa hướng dương, hoa cánh bướm, hoa cúc, vạn thọ, cỏ lau… tạo dựng thành một nông trại hoa phục vụ du khách đến tham quan, vãn cảnh. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và đồng thuận của các hộ dân quanh vùng đường xá đã được chỉnh trang, bằng phẳng thuận lợi cho việc đi lại. Chúng tôi đầu tư mô hình tiểu cảnh, cơ sở phục vụ ăn uống, cắm trại, chèo thuyền SUP ven sông, cho du khách tham gia sinh hoạt sản xuất cùng dân làng… mọi thứ đã sẵn sàng để phục vụ du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Hy vọng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là nơi thưởng cảnh thú vị dành cho du khách vào dịp tết Nguyên đán đang đến gần”.

Đồi hướng dương còn là nơi thích hợp để tổ chức các hoạt động dã ngoại teambuilding, camping bởi không gian thoáng đãng, trong lành giữa cảnh quan thi vị, trữ tình. Vào buổi tối khi lên đèn không gian thêm phần thơ mộng, lãng mãn tạo nên khung cảnh bình yên giữa hoang sơ núi đồi.

Ảnh: Hoàng Trung

Khu du lịch Đồi hướng dương là điểm du lịch đầu tiên của huyện được người dân triển khai đầu tư, góp thêm một điểm vui chơi, thưởng ngoạn hấp dẫn cho bản đồ du lịch huyện Krông Pa. Triển vọng trong tương lai, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, nơi đây sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi du khách đi qua địa bàn huyện Krông Pa-chị Hiền chia sẻ.

Võ Thanh Thảo/Dulichpleiku.gialai.gov.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/kham-pha-doi-huong-duong-duoi-chan-deo-to-na-704494.html