Khám phá bí ẩn Myanmar

Ngày 20 và 21/3/2012, Tổng thống TheinSein từ đất nước Chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) thăm chính thức Việt Nam. Hơn 10 năm trước, trong đội ngũ các tướng lĩnh lãnh đạo Cộng hòa liên bang Myanmar, ông TheinSein phụ trách ngành tư pháp. Gần hai năm nay, trên đất nước ở phía Tây của Đông Nam Á, có nhiều chuyển động đi lên, không những ASEAN mà cả thế giới phải chú ý.

Đất nước của những di tích lịch sử

Nhiều năm trước, người xem truyền hình Việt Nam dõi mắt vào màn ảnh nhỏ xem bộ phim truyền hình nhiều tập “Mekong ký sự” của nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc và tập thể tác giả từ đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đoạn phim về Myanmar, đất nước có bang Shan (chiếm 1/6 diện tích Myanmar), nơi dòng Mekong chảy qua 200 km, giáp với Lào, được người xem chú ý. Các tác giả phim đã lần đầu hé mở cho bạn xem Việt Nam một phần nhỏ tình hình đất nước có diện tích gấp hai lần Việt Nam với dân số hơn 50 triệu người, và câu kết luận cho phần này là đất nước Myanmar “còn nhiều bí ẩn”.

Có phần nào đúng như vậy! Và nay Myanmar đang hé lộ dần, đang hội nhập. Hãy chỉ xem qua những di tích lịch sử tầm cỡ thế giới sẽ thấy rõ.

Ngay giữa Yangon, trung tâm kinh tế lớn nhất của Myanmar hiện nay, đã qua nhiều trăm năm là thủ đô, có rất nhiều di tích trân trọng.

Hãy nhìn Shwedagon Pagoda (Chùa Vàng) lúc hoàng hôn trong tháng 4, bên hồ và rừng cây (51% diện tích của Myanmar là rừng, trong đó ½ là rừng nguyên sinh. Người ta trồng cây ở vùng núi, ven biển, ở nông thôn và trong các đô thị. Rừng gắn liền với cuộc sống của người dân). Chùa Vàng lúc hoàng hôn, mặt trời sắp lặn, trong tiết tháng 4, trước Tết té nước – Tết cổ truyền lớn nhất.

Chùa Vàng lúc hoàng hôn, tháng 4, trước ngày Tết té nước

Tọa lạc hàng nghìn năm trên quả đồi thoai thoải, nằm giữa hàng nghìn chùa lớn nhỏ khác (Myanmar từng có bồn triệu ngôi chùa, nay qua bể dâu thăng trầm, còn lại hai triệu ngôi, đang được trùng tu trên quy mô lớn). Từ chân lên đỉnh Chùa Vàng, có chiều cao hàng trăm mét. Nóc được dát bằng nhiều tấn vàng. Trên ảnh tổng thể nhìn từ phía Nam, ta thấy sắc vàng hòa hợp với sắc xanh của ngàn cây cổ thụ. Hàng ngày, ít nhất có 5.000 người dân tình nguyện đến phục vụ trong Chùa. Đặc điểm ở Myanmar là các nhà sư không sống trong chùa, họ sống ở các tu viện, trường học. Buổi sáng, từng đoàn sư đi chân đất khất thực, đúng Ngọ (12 giờ trưa) ăn một bữa duy nhất trong ngày và còn lại là cầu nguyện, khát thì uống nước lã. Ước tính đã có 30 vạn nhà sư ở Myanmar.

Bạn thấy cảnh đẹp ban đêm của chùa Vàng, thật lộng lẫy khôn cùng.

Vẻ đẹp của toàn cảnh Chùa Vàng khi đêm đến.

Khách thập phương hàng ngày đến Chùa Vàng hàng vạn lượt người, những ngày lễ thì đông vô cùng nhưng rất trật tự.

Gần Chùa Vàng còn có Chùa Sule ở khu đông dân cư, gần với sông Thanlwyin xuôi ra biển.

Chùa Sule ở khu dân cư Yangon

Tạm biệt Yangon ở phía nam, ta lên miền trung, đến cố đô Mandalay ở trung tâm cả nước.

Bảo tàng Hoàng cung Mandalay

Nơi đây còn giữ được nhiều di tích qua các triều đại.

Mandalay còn có chùa răng phật.

Phật sinh ra ở Ấn Độ nhưng Myanmar có dân số 90% theo đạo Phật, có nhiều dấu tích của Thích Ca Mâu Ni.

Gần Mandalay ở thành phố trên cao nguyên Pyinoolwin, khí hậu, phong cảnh, con người rất giống Đà Lạt ở Việt Nam. Nước chảy dưới cầu, nhà sư đang ngẫm nghĩ về cõi trần thế.

Nhà sư ở Cố đô Mandalay

Chặng tiếp, ta đến cố đô lâu đời nhất: Bagan

Dấu vết các ngôi chùa giữa mặt cỏ, mặt đất mênh mông của nền văn minh lâu đời làm du khách ngạc nhiên khi hơn nghìn năm trước đã sừng sững những công trình này.

Và chúng ta tạm kết thúc cuộc hành trình ở Poppa.Tương truyền trên núi cao 600m này, có dấu chân Phật in trên đá. Từng bậc thang có mái che đưa du khách lên. Hàng đàn vượn ra quấn quýt, người với thiên nhiên là thể thống nhất.

Người Việt thăm Chùa Vàng

Người Việt thăm Golden Rock, hòn đá Vàng hiếm có trên thế giới.

(Kỳ sau: Quan hệ có chiều sâu lịch sử)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/chinhtri/Kham-pha-bi-an-Myanmar/20123/198823.datviet