Khai thác tài nguyên khoáng sản: Thất thoát và thiếu minh bạch

Theo khảo sát mới công bố của VCCI, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến; qua hàng chục năm vẫn chỉ là khai thác, bán sản phẩm thô như kiểu “bán lúa non”…

Theo ông Võ Tuấn Nhân – Phó Chủ nhiệm UBKHCNMT Quốc hội - một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế và yếu kém trong quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đó là sự thiếu minh bạch. “Đúng là sáng kiến minh bạch trong khai khoáng (EITI) được khởi xướng từ năm 2002. Đến nay, trên thế giới đã có 35 quốc gia và trên 50 Cty khai khoáng thực thi và ủng hộ, nhằm nâng cao tính minh bạch trong khai thác khoáng sản.

Tại VN, hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế. Các cơ quan quản lý nhà nước, DNNN hiện đang là những đối tượng chính tham gia vào hoạt động khoáng sản; vai trò của các DN tư nhân, DN đầu tư nước ngoài, tổ chức xã hội chưa nhiều” - ông Nhân cho biết.

Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không minh bạch trong hoạt động khai khoáng thì không chỉ thất thoát tài nguyên và kinh tế, mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội. Một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đã bị một nhóm đối tượng trục lợi, bỏ túi những khoản tiền khổng lồ mà không phải chịu sự kiểm tra, giám sát sát sao của các cơ quan chức năng.

Đại diện VCCI - ông Đậu Anh Tuấn - cho biết, hiện tỉ lệ than bị thất thoát trong khai thác hầm lò của VN đang ở mức 40-60%, nghĩa là mất đi đến một nửa, nguyên nhân do công nghệ khai thác lạc hậu, nhưng cũng có nguyên nhân thất thoát là do chính DN không trung thực trong kê khai và mấu chốt vẫn là cơ chế. “Hiện nay, chúng ta đang áp dụng việc thu thuế tài nguyên do DN tự kê khai sản lượng thực tế khai thác làm cơ sở tính thuế. Nhưng khâu hậu kiểm lại quá lỏng lẻo, phần lớn sản lượng khai thác khoáng sản của các DN hiện nay chưa được cơ quan nào giám sát” - ông Tuấn đánh giá.

Theo một số chuyên gia, nếu áp dụng EITI vào lĩnh vực khai khoáng sẽ gặp khó khăn do sự phản ứng từ nhiều DN vì trước nay các DN vẫn làm ăn theo kiểu “ăn sổi ở thì” sẽ không chấp nhận việc minh bạch này. Đại diện Cty TNHH vàng Phước Sơn - ông Lê Minh Kha - cho rằng, nếu không minh bạch trong khai thác khoáng sản thì các DN làm ăn nghiêm túc sẽ bị thiệt thòi và như vậy thì chẳng DN nào muốn. Tuy nhiên, những lợi ích từ EITI mang lại là rõ ràng, giúp VN tăng cường vị thế của ngành công nghiệp khai khoáng.

Theo khảo sát của VCCI, Việt Nam có hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 điểm mỏ, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn với quy mô thế giới như bauxit, titan, đất hiếm và đá vôi... Từ năm 2000 đến nay, đóng góp của ngành khai khoáng chiếm từ 10-11% tổng GDP của cả nước, doanh thu từ xuất khẩu khoáng sản đạt khoảng 8,5 triệu USD, trong đó dầu thô chiếm khoảng 6,2 tỉ USD. Hiệu quả đóng góp của ngành khai khoáng cho nền kinh tế đứng thứ tám trong các ngành kinh tế của VN. Chỉ tính riêng ngành dầu khí, năm 2008 đã đóng góp 24,37% ngân sách và tạo việc làm cho trên 431.000 người...

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-that-thoat-va-thieu-minh-bach/78566.bld