Khai thác lợi thế sản phẩm bản địa giúp người dân Đakrông thoát nghèo

Đakrông vẫn còn là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ngày một hiệu quả hơn thì điều kỳ vọng là cần có sự hỗ trợ cho những mô hình mới, thiết thực trong các HTX, tổ hợp tác nhằm khai thác lợi thế sản phẩm bản địa ở nơi đây, từ đó tạo sinh kế cho người dân địa phương nâng cao được thu nhập và thoát nghèo bền vững.

A Bung là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều được lưu giữ từ bao đời nay. Tuy vậy, trước đây, những người gắn bó với thổ cẩm A Bung vẫn chưa thể sống được với nghề, dù đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương và người dân.

Từ tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở A Bung…

Với quyết tâm đưa sản phẩm dệt thổ cẩm A Bung thành một sản phẩm OCOP và giúp cải thiện hiệu quả hơn đời sống của bà con dân tộc với nghề dệt thổ cẩm, chính quyền xã A Bung đã có nhiều chủ trương, tích cực tuyên truyền, vận động từ các nguồn hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho nhóm dệt thổ cẩm A Bung phát triển đi lên một cách vững chắc.

Để có bước đi vững chắc cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số, huyện Đakrông sẽ phát triển các HTX, tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống.

Hồi tháng 6/2023, được sự hỗ trợ của Tổ chức Plan International Việt Nam, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung được thành lập. Tổ hợp tác gồm 20 thành viên là phụ nữ Pa Kô đã nhận hỗ trợ về kinh phí để thành lập và vận hành nhóm dệt thổ cẩm, hỗ trợ trang thiết bị như máy may, khung dệt và nguyên liệu ban đầu cho tổ hợp tác.

Chị Hồ Thị Nga, thành viên Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung chia sẻ: “Tôi và các chị em rất vui khi được tham gia tổ hợp tác vì vừa có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Chúng tôi sẽ học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề và đào tạo lại nghề cho thế hệ trẻ trong và ngoài xã để nghề truyền thống của cha ông không bị mai một”.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ mở rộng mô hình tổ hợp tác trên địa bàn xã A Bung, đặc biệt là chú ý nhãn mác, bảo hộ sản phẩm. Để có bước đi vững chắc cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống này, huyện sẽ thành lập HTX dệt thổ cẩm truyền thống.

Theo ông Sơn, huyện Đakrông khuyến khích việc các nghệ nhân tham gia truyền dạy nghề, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ là người dân tộc thiểu số tham gia tổ hợp tác, để vừa nâng cao đời sống và vừa góp phần duy trì, phát triển nghề dệt truyền thống nói riêng, cũng phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều nói chung ở địa phương.

Có thể thấy, việc khai thác sản phẩm bản địa như dệt thổ cẩm qua việc hỗ trợ thành lập mô hình tổ hợp tác ở một xã nghèo như A Bung là rất thiết thực nhằm góp phần tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo. Và việc phát triển kinh tế hợp tác để giúp dân giảm nghèo cũng cần được thực hiện tốt hơn ở các xã khác của Đakrông.

…đến HTX khai thác thế mạnh cây dược liệu

Bởi lẽ, huyện Đakrông vẫn còn là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị. Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn huyện Đakrông cho thấy, đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 5.175 hộ với 24.411 nhân khẩu, chiếm 43,69% (giảm 5,71% so với cuối năm 2021); cận nghèo 1.156 hộ với 4.920 nhân khẩu, chiếm 9,76% (tăng 1,99% so với cuối năm 2021).

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh giúp cho bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo bằng việc tận dụng lợi thế sản phẩm bản địa là cây dược liệu.

Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao như vậy rất cần sự hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế hợp tác nhằm nâng cao thu nhập, cũng như nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo. Nhất là cần định hướng cho người dân trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tận dụng lợi thế từ các sản phẩm bản địa và tham gia vào những HTX, tổ hợp tác có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh ở Khóm 2, thị trấn Krông Klang là một điển hình trong phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Đakrông với việc khai thế thế mạnh về sản phẩm bản địa ở đây là cây dược liệu và chế biến trà thảo dược. Thời gian đầu, khi mới đi vào hoạt động, HTX đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, địa phương, nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn.

Nhận thấy ở Đakrông có điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây dược liệu, chế biến trà thảo dược, trên diện tích canh tác khoảng 10 ha của các thành viên tại xã Mò Ó, Ba Lòng và thị trấn Krông Klang, HTX đầu tư 1 tỷ đồng trồng các loại cây thảo dược như: Đinh lăng, thổ phục linh, sa nhân, hoàng kỳ, hồ điệp…

Tại xưởng ươm giống cây dược liệu của HTX Hùng Anh có 10 lao động làm việc thường xuyên. Bên cạnh đó, HTX thu mua thêm một số loại cây dược liệu trên địa bàn huyện để sản xuất trà thảo dược. Hiện nay, HTX đã sản xuất thành công 2 loại trà thảo dược túi lọc gồm trà thất tiên thảo và trà trinh nữ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Từ năm 2021 đến nay, HTX Hùng Anh đã phát triển và hoàn thiện 7 sản phẩm được các cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo các điều kiện sản xuất. Bình quân mỗi tháng có khoảng 500 hộp trà các loại xuất bán.

Thời gian qua, HTX hoàn thiện nâng cấp 2 sản phẩm OCOP và 2 sản phẩm mới dự thi OCOP cấp tỉnh. Hiện, các sản phẩm trà thảo dược túi lọc của HTX được giới thiệu, bán tại sàn thương mại điện tử lớn trong cả nước như Lazada, Co.opmart, Winmart, Vỏ Sò (voso.vn), Viettelpost…

Bước đi căn cơ cho giảm nghèo

Việc phát triển hiệu quả của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh là động lực quan trọng để người dân Đakrông có bước đi căn cơ trong giảm nghèo từ việc khai thác, tận dụng lợi thế sản phẩm bản địa ở địa phương, nhất là các cây dược liệu. Nhất là họ cần mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường ngành dược.

Huyện nghèo Đakrông kỳ vọng các HTX, tổ hợp tác cần có những mô hình thiết thực hơn trong việc khai thác thế mạnh từ những sản phẩm bản địa để giúp người dân thoát nghèo.

Nếu tận dụng được lợi thế sản xuất cây dược liệu, chắc chắn thời gian tới, nhiều người dân ở Đakrông sẽ càng có nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ước tính, trên địa bàn huyện Đakrông thời gian qua đã trồng được 300 ha cây dược liệu (ba kích tím, sả, húng quế, sâm Bố Chính...) tại các xã Hướng Hiệp, Tà Rụt, Triệu Nguyên, Ba Lòng. Phần lớn các loại cây trồng này đều cho năng suất, chất lượng cao. Từ đây, thu nhập của người dân được cải thiện.

Chẳng hạn như sâm Bố Chính là loài cây được nông dân xã Triệu Nguyên nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc trò chuyện. Nhiều người tin tưởng loại cây dược liệu này có thể trở thành “lời giải” cho bài toán thoát nghèo.

Chính quyền huyện Đakrông đã giao các cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn các hộ thuộc Tổ hợp tác trồng cây dược liệu sâm Bố Chính tại thôn Xuân Lâm trồng thử nghiệm trên diện tích liền kề là 2 ha.

Điều khiến cán bộ, người dân địa phương vui mừng nhất là sản phẩm từ sự miệt mài chăm trồng của bà con được tổ hợp tác, HTX thu mua tại chỗ với giá 150 - 200 ngàn đồng/kg. So với các loại cây truyền thống ở địa phương, sâm Bố Chính mang lại nguồn thu cao gấp 2,5 - 3 lần.

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, tay nghề để mở rộng diện tích, đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Cũng theo ông Lợi, thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nhằm góp phần tạo sinh kế cho người dân trong huyện thoát nghèo bền vững.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/khai-thac-loi-the-san-pham-ban-dia-giup-nguoi-dan-dakrong-thoat-ngheo-1095656.html