Khai thác gỗ trái pháp luật, xâm lấn rừng vẫn còn diễn ra

Năm 2023, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã bắt giữ và xử lý 274 vụ khai thác gỗ trái phép, tịch thu hơn 113 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 723 triệu đồng. Các đơn vị đã tổ chức 2.562 đợt tuần tra và truy quét.

Con số trên được nêu ra tại tổng kết Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững-Phòng cháy chữa cháy rừng (CTPTLNBV, PCCCR) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 được UBND tỉnh tổ chức sáng 12/4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chủ trì hội nghị.

Tuần tra, bảo vệ rừng ở A Lưới

Năm 2023, các chỉ tiêu trọng tâm đề ra từ đầu năm cơ bản đã thực hiện đạt và vượt mức kế hoạch. Diện tích rừng tự nhiên cơ bản được bảo vệ và giám sát chặt chẽ nhưng tình hình khai thác gỗ trái pháp luật, xâm lấn rừng vẫn còn diễn ra.

Lực lượng kiểm lâm đã kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý 34 vụ phá rừng tự nhiên với tổng diện tích 6,75 ha, nguyên nhân chủ yếu là lấy đất sản xuất, làm nương rẫy trái pháp luật, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 34 triệu đồng, so với cùng kỳ năm 2022, số vụ phá rừng giảm 17 vụ, diện tích rừng bị phá tăng hơn 1,3 ha.

BCĐ các địa phương, các đơn vị chủ rừng triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác PCCCR. Tuy nhiên, trong năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 66 vụ cháy rừng với diện tích cháy hơn 60 ha, diện tích rừng bị thiệt hại là 25 ha. So với năm 2022, số vụ cháy rừng gây thiệt hại tăng 22 vụ.

Đối với vi phạm pháp luật về lâm nghiêp, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã bắt giữ và xử lý 274 vụ, tịch thu hơn 113 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 723 triệu đồng. Các đơn vị đã tổ chức 2.562 đợt tuần tra và truy quét.

Các đại biểu là chủ rừng, các HTX đã có những tham luận liên quan đến tiềm năng phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái (chứng chỉ quản rừng bền vững và cây dược liệu); phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; ứng dụng thiết bị bay không người lái vào công tác quản lý rừng, chỉ đạo chữa cháy rừng; phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại đường 74…

Công tác PCCCR còn nhiều khó khăn, năm 2023 tăng 22 vụ

Hội nghị nhận định năm 2024 và những năm tới, biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ còn gây ra rất nhiều hệ lụy, có ảnh hương trực tiếp tới công tác QLBVR-PCCCR. Phấn đấu năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,16%. Diện tích trồng rừng tập trung 6.200 ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Chủ động đề ra các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Ngành chức năng cần phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giám sát chặt chẽ các đường vận chuyển, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ tại các địa phương và triển khai mạnh mẽ các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, du lịch sinh thái, sử dụng môi trường rừng bền vững.

Chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện CT PTLNBV tỉnh đến cơ sở, xây dựng các kế hoạch kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chương trình.

Tin, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khai-thac-go-trai-phap-luat-xam-lan-rung-van-con-dien-ra-139795.html