Khai quật mộ thời Trung cổ, chuyên gia 'tái mặt' thấy thứ bên trong

Trong cuộc khai quật tại Endsee - ngôi làng ở đông nam nước Đức, các chuyên gia phát hiện một ngôi mộ thời Trung cổ. Tại đây, họ tìm thấy một hiện vật quý hiếm là ghế xếp bằng kim loại.

Các chuyên gia khảo cổ thuộc Văn phòng Bảo vệ Di tích Bang Bavaria (BLfD) đã phát hiện ngôi mộ thời Trung cổ ở Endsee, một ngôi làng ở đông nam nước Đức vào tháng trước. Sau đó, họ tiến hành cuộc khai quật và có một phát hiện bất ngờ và thú vị.

Đó là các nhà khảo cổ tìm thấy một chiếc ghế xếp bằng sắt có niên đại khoảng 1.400 năm tuổi trong ngôi mộ cổ. Hiện vật quý hiếm này có kích thước khoảng 70 x 45 cm khi gấp lại.

Nhà khảo cổ Hubert Fehr công tác tại Văn phòng Bảo vệ Di tích Bang Bavaria cho hay chiếc ghế xếp trên xuất hiện vào khoảng năm 600 sau Công nguyên. Nó được tùy táng trong ngôi mộ của một phụ nữ qua đời khi khoảng 40 - 50 tuổi.

"Mặc dù còn quá sớm để xác định danh tính của người phụ nữ nhưng chúng tôi biết rằng, bà là người có địa vị xã hội cao với bằng chứng là những đồ tùy táng được tìm thấy tại nơi chôn cất", nhà khảo cổ Fehr nói.

Theo nhà khảo cổ Fehr, mặc dù chiếc ghế xếp hiện nay chỉ còn phần khung kim loại nhưng có thể nó còn được tạo ra từ một số vật liệu khác như gỗ và da. Các chuyên gia sẽ chụp X-quang chiếc ghế với hy vọng sẽ có biết được cấu tạo của hiện vật này.

“Phần sắt của chiếc ghế bao phủ bởi những lớp ăn mòn. Đôi khi, trong những lớp đó, bạn sẽ tìm thấy các bộ phận bằng gỗ và da còn sót lại", nhà khảo cổ Fehr nhận định.

Việc tùy táng người chết cùng với chiếc ghế là cực kỳ hiếm. Đến nay, các chuyên gia đã phát hiện 29 ngôi mộ thời kỳ Trung cổ ở châu Âu, bao gồm Đức, có chứa những chiếc ghế. Trong số này chỉ có 6 ngôi mộ có ghế làm từ sắt. Phần lớn các chiếc ghế làm từ gỗ, ngà voi, da hoặc vải nên chúng thường rất dễ phân hủy hoàn toàn và chỉ còn sót lại những chiếc đinh cố định các chi tiết hoặc phần khung kim loại.

"Ghế gấp mang ý nghĩa biểu tượng trong xã hội thời xưa. Nó được sử dụng như một phù hiệu hoặc dấu hiệu quyền lực cho các giám mục, linh mục, sĩ quan và những người khác có địa vị xã hội cao và thường là những người đàn ông ở Đức", nhà khảo cổ Fehr nói.

Tuy nhiên, lần này, các chuyên gia tìm thấy một chiếc ghế xếp bằng sắt trong mộ của một phụ nữ cho thấy nhóm đối tượng này cũng có thể nắm giữ quyền lực và sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ngoài chiếc ghế, nơi chôn cất người phụ nữ trên còn có một vòng cổ bằng ngọc trai bao gồm các hạt thủy tinh nhỏ, một chiếc thắt lưng có nhiều trâm cài, một trục chính dùng để quay sợi bằng tay...

Các chuyên gia còn phát hiện ngôi mộ của một người đàn ông gần nơi chôn cất của người phụ nữ trên. Người đàn ông này được chôn cất với một số vũ khí như cây thương, khiên, thuổng. Hiện giới nghiên cứu nỗ lực xác định danh tính của 2 người này và tìm hiểu xem họ có mối liên hệ gì với nhau hay không.

Mời độc giả xem video: Phát hiện ngôi mộ cổ hơn 1.400 năm. Nguồn: Thời sự Hà Tĩnh.

Tâm Anh (theo LS)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khai-quat-mo-thoi-trung-co-chuyen-gia-tai-mat-thay-thu-ben-trong-1942852.html