Khách mời hôm nay: Nghe Cụ Đặng Nam - Đội trưởng Đội tự vệ Kim Sơn - kể chuyện giành chính quyền

Kể từ mùa thu Cách mạng đến nay, mỗi năm, những nhân chứng lịch sử lại yếu dần sức khỏe vì tuổi tác. Dù như vậy, phóng viên chúng tôi vẫn mong muốn tìm gặp những con người đã góp sức mang lại nền độc lập quý giá của nước nhà. Trong chuyên mục Khách mời hôm nay, xin mời quí khán giả cùng gặp gỡ một bậc lão thành Cách mạng.

Tuy hiện tại đôi chân đã yếu nên không di chuyển được cùng phóng viên đến những địa danh lịch sử năm xưa; song những vần thơ từ nội tâm ông vẫn vang vọng khí thế hào hùng, gắn với ý nghĩa chung của phong trào "Tiếng trống Kim Sơn" kháng Nhật: “Kim Sơn như thể con tàu / Chở ban mai, nặng tình sâu nghĩa đời”.

Ở Quảng trường trung tâm huyện Kiến Thụy có bức phù điêu sinh động, lưu dấu niềm tự hào về câu chuyện phá kho thóc của Nhật và giành chính quyền sớm nhất tại làng Kim Sơn, xã Tân Trào. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở miền duyên hải Bắc Bộ. Ngay từ trước khi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa bừng bừng trên toàn quốc, nơi đây đã bùng nổ sự kiện "Tiếng trống Kim Sơn" đầy thúc giục, qua đó thôi thúc đông đảo nhân dân các xã, huyện lân cận cùng toàn thành phố Hải Phòng nhất loạt vùng lên, tạo thành khí thế đồng lòng quật khởi. Khi đó, ông Đặng Nam đảm nhiệm vai trò Đội trưởng Đội tự vệ Kim Sơn, và sau này trở thành Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ông bảo: Cuộc khởi nghĩa Kim Sơn chính là tuổi trẻ của ông và những bè bạn cùng thời.

Tại đình làng Kim Sơn - một Di tích Lịch sử Cách mạng cấp quốc gia, chúng tôi được gặp những nhân chứng lịch sử một thời. Trong câu chuyện về tập thể, về cái chung, ai cũng dành một góc riêng để nhắc về những cống hiến hết mình của ông Đặng Nam cho phong trào "Tiếng trống Kim Sơn" ngày ấy. Để rồi những giá trị vượt thời gian sẽ còn lại mãi trong những vần thơ Cách mạng: "Từ trong ba nhánh tre ươm / Thành căn cứ địa Kim Sơn, Tân Trào / Âm vang tiếng trống, đường dao / Đất bằng nổi sóng, phất cao cờ hồng"...

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khach-moi-hom-nay-nghe-cu-dang-nam-doi-truong-doi-tu-ve-kim-son-ke-chuyen-pha-kho-thoc-nhat-188110.htm