Khách đến chợ truyền thống mua sắm giảm mạnh, có ngành giảm đến 60%

Chợ truyền thống cần bước chuyển mình để phù hợp với nhu cầu của người dân, cải thiện vấn đề môi trường, nước thải, vệ sinh.. đặc biệt là chất lượng, nguồn gốc hàng hóa

Ngày 27-3, Sở Công thương TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế -Luật phối hợp tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn quận 1”.

Khách đến chợ truyền thống mua sắm giảm 30%-50%

Thông tin về thực trạng hoạt động của chợ truyền thống hiện nay, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết thành phố hiện có 233 chợ, trong đó có 224 chợ đang hoạt động. Chín chợ đang tạm ngưng hoạt động do cơ sở vật chất xuống cấp, đang chờ nâng cấp, sửa chữa và một số chợ tạm ngưng hoạt động từ trước dịch COVID-19.

Sau dịch COVID-19, tùy chợ, tùy ngành hàng số lượng thương nhân hoạt động trở lại khoảng 60%-80%. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80%-100%, ngành hàng quần áo, vải, giày dép… khoảng 30%-70%.

Lượng khách đến chợ mua sắm giảm 30%-50% so với thời điểm năm 2019. Cụ thể, lượng khách mua sắm đối với ngành thực phẩm giảm 10%-30%; ngành vải giảm đến 60%-90%.

Ông Phương nhìn nhận bên cạnh điều kiện kinh doanh đang xuống cấp, các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán hàng nhái, hàng không có nguồn gốc rõ khiến người tiêu dùng (NTD) mất dần niềm tin. Đồng thời, bất cập trong công tác quản lý chợ là một trong những nguyên nhân giảm thu hút khách hàng đến chợ.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng này trước hết là phải thay đổi mô hình chợ truyền thống, nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ; hình thành các chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ.

Trong khi đó, báo cáo về khảo sát về “Chợ truyền thống dưới góc nhìn của NTD”, TS. Lê Thị Hải Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế- Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết kết quả cho thấy 63% người dân hài lòng về giá cả mua sắm tại chợ; mức độ đa dạng của hàng hóa 53,3%; 47,4% người dân xem chợ truyền thống là nơi quan trọng để phát triển các mối tương tác xã hội.

Đáng chú ý, đa phần người dân cho rằng sản phẩm tại chợ truyền thống tươi ngon hơn các kênh mua sắm trực tuyến nhưng không đánh giá cao độ an toàn.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy gần 80% người dân đã tham gia mua sắm trực tuyến, gần 70% mua sắm qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 44% người dân mua sắm chợ truyền thống.

Người dân đang mua sắm tại chợ Tân Định quận 1. Ảnh: TÚ UYÊN

50% người dân chắc chắn chợ truyền thống khó bị thay thế

Theo ông Phương, Sở Công thương đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế-Luật triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế”.

Qua buổi tọa đàm, sở mong muốn có thêm nhiều góp ý để hoàn thiện giai đoạn 2 đề án. Đồng thời đề xuất mô hình chợ truyền thống thích hợp cho TP.HCM trên cơ sở định hướng đổi mới mô hình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tạo ra nhiều giá trị cho chợ truyền thống theo hướng cung cấp sản phẩm đa dạng và chất lượng; phát triển chợ điểm theo hướng phục vụ du lịch; nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng cho các hộ kinh doanh…

Theo TS Yến, qua phân tích kết quả từ khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra các chính sách đối với chợ truyền thống trên địa bàn TP.

Cụ thể, cần duy trì chợ truyền thống dựa trên những điểm mạnh vốn có là giá cả phải chăng, hàng hóa tươi mới, đa dạng và sự tương tác của người mua và người bán.

“Kết quả nghiên cứu chỉ có 13,5% người dân cho rằng chợ truyền thống dễ dàng thay thế bởi các phương thức mua sắm khác, khoảng 50% người dân vẫn chắc chắn rằng chợ truyền thống giữ một vị trí khó thay thế đối với họ” - TS Yến dẫn chứng

Bên cạnh đó, chợ truyền thống cần bước chuyển mình để phù hợp với nhu cầu của NTD trong thời đại mới, cải thiện những vấn đề cố hữu là môi trường, nước thải, vệ sinh.. đặc biệt là chất lượng và nguồn gốc hàng hóa.

“Đặc biệt rất cần các chính sách hỗ trợ để tiểu thương nhanh chóng tiếp cận với việc số hóa phương tiện thanh toán và các cách thức bán hàng mới trong thời đại số” - TS Yến nói.

TP.HCM định hướng sẽ giảm số lượng chợ truyền thống

Theo ông Phương, định hướng phát triển hệ thống chợ truyền thống tại TP.HCM đến năm 2030 vẫn chưa thay đổi.

Theo đó, dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TP.HCM tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống là giảm số lượng còn 216 chợ (giảm 17 chợ).

Trong đó, 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/khach-den-cho-truyen-thong-mua-sam-giam-manh-co-nganh-giam-den-60-post782394.html