Khắc phục tình trạng 'lạm phát quy hoạch'

Ngày 26/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trưởng về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch. Dự Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách và quản lý Nhà nước về quy hoạch. Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý như tại Điều 1 Dự Luật. Theo đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số nguyên tắc như: đảm bảo tính khả thi, tính đồng bộ; tính dự báo; tính ổn định, bảo vệ môi trường, tính nhân dân, tiết kiệm, tính thứ bậc,... Có ý kiến đề nghị bổ sung căn cứ lập quy hoạch. Theo ông Vũ Hồng Thanh, về vấn đề này, UBTV Quốc hội cho rằng, việc quy định cụ thể hơn các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, cũng như nguyên tắc lập quy hoạch sẽ khắc phục được những hạn chế của công tác quy hoạch hiện nay đó là thiếu tính liên kết, đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với nguồn lực.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra Dự Luật. Song vẫn còn băn khoăn về một khối lượng công việc vô cùng lớn và phức tạp khi phải điều chỉnh hàng loạt luật hiện hành và rà soát, tích hợp hàng chục ngàn quy hoạch đang có.
Thẳng thắn chỉ ra từ năm 2011 trở lại đây đã xuất hiện tình trạng “lạm phát quy hoạch”, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: Dự thảo đã quy định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch cũng như nguyên tắc lập quy hoạch. Qua đó sẽ khắc phục được những hạn chế của công tác quy hoạch hiện nay đó là thiếu tính liên kết, đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với nguồn lực. Tuy nhiên, để ngăn ngừa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể xảy ra, theo ĐB, cần bổ sung mục tiêu hoạt động quy hoạch, đó là “hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc tính khoa học, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng nguồn lực trong hoạt động quy hoạch.
Theo ĐB Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) quy hoạch phải đảm bảo khách quan minh bạch. Phân định rõ hành vi bị cấm, chống lợi ích nhóm, cấm mua, nhận hối lộ, tham nhũng trong quy hoạch. Thời gian qua thực trạng các chương trình, dự án trong quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu chức năng; cụm công nghiệp, khu dân cư, thương mại, chậm hoặc không triển khai, “quy hoạch treo” là khá phổ biến ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch. Do vướng quy hoạch nên người dân không xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển nguồn lực xã hội, quốc gia.

ĐB Lê Công Đỉnh đề nghị: “Luật Quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch. Về nguyên tắc và theo quy định trong dự thảo luật, sau khi quy hoạch được công bố phải có kế hoạch triển khai quy hoạch. Nhưng về thực tế vì nhiêu lý do khác nhau mà quy hoạch chậm hoặc không triển khai. Lâu nay quy hoạch chậm, không triển khai hay “quy hoạch treo”, chế tài không rõ. Cứ như thế người dân càng khổ”.
Các ĐB cũng cho rằng, không chỉ có 32 luật cần chỉnh lý (như cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống kê) mà còn nhiều hơn rất nhiều. Về chi phí cho hoạt động quy hoạch, cũng cần quy định thực hiện theo Luật Ngân sách chứ không phải là Luật Đầu tư công. Đồng thời cũng đề nghị bổ sung nội dung cấm hành vi cố ý “chặn” công bố quy hoạch để trục lợi. Lưu ý đến việc cân nhắc đầy đủ các ý kiến phản biện trong quá trình lập quy hoạch, ĐB Tô Văn Tám góp ý: Có hai hình thức phản biện trong quá trình xây dựng quy hoạch, là phản biện khoa học và phản biện xã hội. Đã có quy định phản biện xã hội trong dự thảo, nên chú trọng quy định thêm về phản biện khoa học.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khac-phuc-tinh-trang-lam-phat-quy-hoach-289002.html