Khắc phục ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị: Nỗi đau còn lẩn khuất

Đội xử lý bom mìn do Dự án RENEW và NPA quản lý đang cố định quả đạn pháo nặng hơn 900kg phá hủy tại chỗ tại xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ. (Ảnh do RENEW cung cấp)

(Cadn.com.vn) - Quảng Trị có 83% diện tích đất bị nhiễm bom mìn sau chiến tranh với gần 400 ngàn ha phủ rộng tất cả các huyện, thị, thành phố. So với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TT-Huế và Quảng Ngãi, Quảng Trị còn vượt cả số nạn nhân thương vong do bom mìn sót lại. Những hậu quả của ô nhiễm bom mìn không chỉ xác định qua số liệu người thương vong, chi phí cứu chữa mà còn tác động đến nhiều mặt khác về kinh tế, xã hội, môi trường, đến hàng chục năm sau còn cảm nhận rõ sự nhức nhối của nó... Hôm nay, ngày 23–9, Quảng Trị tổ chức hội nghị 20 năm về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Chúng tôi một lần nữa trở lại vấn đề này.

NỖI ĐAU NHỨC NHỐI

Với Bắc, một thanh niên 25 tuổi, khỏe mạnh, sống tại xã Cam An (H. Cam Lộ), hai từ “bom mìn” vẫn từng ngày ám ảnh, dày vò tâm khảm anh. Năm 1992, cha mẹ Bắc lúc ấy mưu sinh bằng nghề rà phế liệu chiến tranh dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, qua Dốc Miếu rồi ra tận Bến Quan. Khi ấy Bắc mới vừa 2 tuổi. Mỗi ngày, cha mẹ Bắc đi từ sáng sớm, rong ruổi trên 2 chiếc xe đạp, cùng máy rà len đến những “vùng đất chết”, đến tối mịt mới về nhà, mệt nhoài, rũ rượi. Rồi một chiều, cha mẹ Bắc mãi mãi không về sau vụ nổ bom kinh hoàng trong lúc rà phế liệu ở một đồi xa. Phút chốc Bắc thành đứa trẻ mồ côi. Từ đó Bắc sống nương tựa vào ông bà già yếu, rồi họ cũng lần lượt qua đời, chưa thành niên, cậu đã bỏ dở việc học. Những ngày lêu lổng, cậu đã mắc lầm lỗi và phạm tội. Án trước vừa xong, án sau đã nối. Gần cuối năm 2015, Bắc tiếp tục lĩnh án 9 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Mặc dù Bắc chưa từng đổ tội cho hoàn cảnh nhưng người quen biết, xóm làng lẫn cả tòa đều xem xét, cân nhắc thân phận bị cáo trong quá trình lượng hình. Nhiều người thương cảm vẫn cho rằng, Bắc cũng là nạn nhân của bom mìn…

Rời quê Bắc với nỗi đau chưa phai, chúng tôi lại ngược lên khu phố nghèo nhất của P.4 (TP Đông Hà). Nằm lặng lẽ bên QL9, người dân của khu phố vốn gắn với nghề chài lưới trên sông Hiếu, thất học, nghèo khó bủa vây. Nhưng điều khiến người dân nơi đây được biết nhiều hơn cả chính là mất mát, thiệt hại do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Ông Nguyễn Tiến Lành, khu phố trưởng cho biết, sau khi lên bờ tái định cư, đa phần ngư dân chuyển sang rà phế liệu. Bản thân ông cũng lăn lộn, đối mặt nhiều hiểm nguy với nghề này. Đưa bàn tay phải đã bị cụt ngón trỏ, ông Lành bảo đó là hậu quả của vụ nổ hộp bom bi vào năm 2005 trong lúc đang rà phá phế liệu tại phía tây Vĩnh Linh: “Ngón tay của tôi bị chẻ đôi nên phẫu thuật tháo gọn ri luôn. Kể từ đó, tôi cũng giã từ nghề này”. Tính từ khi hòa bình lập lại, khu phố này đã có hơn 30 người bị nạn, trong đó 8 người chết trong khi rà phế liệu và làm nương cuốc trúng bom mìn. Vào năm 2013, ông Đào M. (52 tuổi), sau khi thu gom phế liệu về, chưa kịp bán thì bom phát nổ sau hè nhà, khiến ông mất mạng. Sau cái chết đau thương ấy, nhiều anh em của ông M. đã bỏ nghề rà phế liệu, nhưng ám ảnh vẫn đeo bám họ cho đến hôm nay. Từ sau năm 1975 đến nay, Quảng Trị có hơn 5.100 người bị thương và 3.425 người chết do bom mìn. Những năm gần đây, số vụ mỗi năm tuy có đáng kể nhưng tai nạn bom mìn vẫn tiềm ẩn ám ảnh nhiều người.

Ông Nguyễn Tiến Lành vẫn còn ám ảnh bởi những tai nạn bom mìn mà chính bản thân và bà con trong khu phố gặp phải.

TÌM LẠI MÀU XANH CHO VÙNG “ĐẤT CHẾT”

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho hay, sau năm 1975, Quảng Trị đã bắt tay ngay vào việc rà phá bom mìn. Công việc lúc đó do quân đội và thanh niên đảm nhiệm, vô cùng gian nan. Từ năm 1995, Chính phủ cho phép Quảng Trị tiếp nhận nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia rà phá bom mìn, “giải phóng” đất đai, trả lại cho người dân những vùng đất trù phú, màu mỡ. Tổ chức MAG (Anh), SODI (Đức), Cây Hòa bình (Mỹ), Dự án RENEW... đã đóng góp nhiều kết quả nổi bật trong cuộc trường kỳ “giải phóng” đất đai khỏi ô nhiễm bom mìn tại Quảng Trị. Theo ông Ngô Xuân Hiền, cán bộ Dự án RENEW (Dự án do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua đối tác Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy, NPA), 15 năm qua, dự án này đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như khảo sát phi kỹ thuật thu thập thông tin; xử lý bom mìn lưu động; khảo sát dấu vết bom chùm; giáo dục nâng cao nhận thức về phòng tránh bom mìn và hỗ trợ nạn nhân. Từ cuối năm 2014, Dự án RENEW chủ động phối hợp với các tổ chức khác nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động, chia sẻ thông tin, tránh sự lãng phí, chồng chéo. Qua khảo sát kỹ thuật, RENEW/NPA đã bàn giao hàng triệu mét vuông đất cho Tổ chức MAG rà phá. Cũng từ tháng 1–2015, Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh được thành lập, là cơ sở quan trọng trong đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các tổ chức trong hoạt động rà phá bom mìn, đáp ứng nhu cầu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Một điều có thể nhận thấy, với sự vào cuộc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, người dân đã chủ động báo tin cho các đơn vị, tổ chức rà phá xử lý khi phát hiện vật liệu nổ, qua đó góp phần ngăn chặn hiệu quả các tai nạn do bom mìn. Chỉ tính riêng năm 2015, RENEW/NPA đã tiếp nhận 649 báo cáo phát hiện, qua đó xử lý hơn 2.000 vật liệu nổ. Sau 20 năm, với sự nỗ lực của Quảng Trị, bộ ngành và các tổ chức quốc tế, nhiều “vùng đất chết” đã hồi sinh trở lại. Lúa đã xanh trên đất Tân Hiệp (Cam Tuyền), những đồi cao su bạt ngàn chạy dọc đường Hồ Chí Minh, trường học, nếp nhà ken nhau khang trang... Nhưng để có được kết quả đó, nhiều người đã hy sinh. Tháng 5–2016 vừa qua, anh Ngô Thiện Khiết, Đội trưởng Đội khảo sát dấu vết bom chùm của RENEW và đồng đội đã gặp nạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại xã Hải Ba (H. Hải Lăng). Người đội trưởng giàu kinh nghiệm, bao năm nỗ lực không ngừng vì bình yên quê hương đã mãi mãi ra đi. Nén lại những đau thương, mất mát ấy, đồng đội của anh tiếp tục công việc dù biết phải đối mặt hiểm nguy để bà con yên tâm bước vào mùa vụ mới. 16 quả bom bi và nhiều vật liệu nổ đã được xử lý, phá hủy thành công ngay sau đó. Tiếp nối quyết tâm của người cha dũng cảm, thanh niên Ngô Thiện Hoàng đã tham gia RENEW và vừa xong khóa đào tạo của dự án. Hoàng tự tin và rất quyết tâm bước trên hành trình dũng cảm mà người cha chưa hoàn thành...

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_155056_kha-c-phu-c-o-nhie-m-bom-mi-n-sau-chie-n-tranh-ta-.aspx