Khắc phục những 'lỗ hổng' về an toàn lao động

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh Xã hội), năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động. Trong đó có 662 vụ tai nạn lao động chết người với 699 người. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người.

Ngay trong quý I năm 2024 đã có những vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Ngày đầu tiên của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (tháng 5 hàng năm), vụ nổ lò hơi tại một công ty gỗ ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 công nhân tử vong, 7 người bị thương. Trước đó, hôm 22/4, một vụ tai nạn lao động xảy ra tại một nhà máy xi măng ở tỉnh Yên Bái, đã gây ra hậu quả nặng nề, làm 7 người chết và 3 người bị thương.

Theo kết luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, hệ thống công nghệ, thiết bị đã được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục năm nay, chủ yếu nhập công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị an toàn, vệ sinh lao động. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ, khoa học để có những giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.

Trước thực trạng trên, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ đánh giá: "Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn".

Khắc phục những “lỗ hổng” về an toàn lao động. Ảnh minh họa

Những vụ việc nghiêm trọng và đau lòng trên không chỉ là "hồi chuông báo động" đối với doanh nghiệp và người lao động mà còn chỉ ra nhiều "lỗ hổng" về kỷ luật, quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn từ cả 2 phía.

Qua khảo sát thực tế, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã chỉ ra ba nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, gồm: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc.

Nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được. Nguyên nhân này thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 3%. Thường là do các yếu tố thiết bị đã sử dụng lâu ngày không được bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. Để khắc phục điều này, ban quản lý, chủ sử dụng lao động cần yêu cầu bộ phận cơ sở vật chất kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

Nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%.

Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài. Các đơn vị hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan này để không xảy ra những sự việc đáng tiếc, như: người lao động không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động; sử dụng bật lửa, thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc không được hoàn chỉnh, thiết bị có sự hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được sửa chữa kịp thời, mất đi sự an toàn lao động do làm việc quá tính năng. Không có các thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn bao chung quanh nơi làm việc.

Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường làm việc cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động như môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm…

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, để giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra cũng như hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở.

Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, thực sự quan tâm đến an toàn lao động, cụ thể hóa mối quan tâm đó bằng việc đầu tư nguồn lực để phòng tránh mọi rủi ro. Các đơn vị cần tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra hằng năm, người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động…

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/khac-phuc-nhung-lo-hong-ve-an-toan-lao-dong-429695.html