Khắc phục hậu quả bão bị buộc tội 'phá rừng'

Sau nhiều lần bị tạm hoãn, phiên tòa sơ thẩm vụ án 'Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng' xảy ra tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Phan Thiết đã được TAND TP Phan Thiết xét xử vào ngày 12 và 13/10/2016.

Ông Nguyễn Quang Dũng - nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết trình bày nỗi oan

Sau một ngày xét xử, các bị cáo tiếp tục kêu oan nhưng vẫn bị VKS đề nghị tuyên mức án từ 9-18 tháng tù treo. Chiều 13/10 vừa qua, thay vì tuyên án như dự kiến thì Hội đồng xét xử đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Khắc phục hậu quả bão theo chỉ đạo của Sở

Xung quanh vụ án này, dư luận và các cơ quan chuyên môn cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Các bị cáo tiếp tục kêu oan, cho rằng khi thu gom cây gãy đổ tại khoảnh rừng 245A và 245B tại địa phận xã Tiến Thành (TP Phan Thiết, Bình Thuận), họ chỉ thực hiện việc thu gom cây ngã đổ, khắc phục hậu quả bão số 1 theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT Bình Thuận, hoàn toàn không có động cơ trục lợi.

Bản thân Bộ NN&PTNT tại Công văn số 787 ngày 28/1/2016 trả lời khiếu nại kêu oan của bị cáo Nguyễn Quang Dũng cũng nêu rõ: “Hành vi thu gom cây gãy đổ khắc phục hậu quả bão lũ có thể có sai sót về thủ tục có trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa cấu thành hành vi “khai thác rừng trái phép”.

Công văn số 200 ngày 26/1/2016 Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận trả lời yêu cầu cung cấp thông tin vụ án của TAND TP Phan Thiết khẳng định: “Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 245A và 245B tại xã Tiến Thành đã được đưa ra ngoài 3 loại rừng để chuyển mục đích sang xây dựng khu dân cư tại xã Tiến Thành và phát triển du lịch.”

Như vậy, hành vi của các bị cáo khai thác cây gãy đổ tại tiểu khu 245A và 245B nếu có sai phạm thì cũng không cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” vì luật quy định khách thể của tội này phải là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quang Dũng khai, ngày 3/4/2012 ông Dũng làm Công văn số 63 báo cáo nhanh về tình hình cây gãy đổ ghi rõ: phát hiện tại khoảnh từng 245A và 245B có 19 cây keo lá tràm trồng từ năm 1992 bị gãy đổ và trên 10 cây keo lá tràm trồng từ năm 1987-1988 bị gãy đổ, xin Sở NN&PTNT đồng ý cho phép thu gom những cây bị gãy đổ trên để làm thủ tục bán thanh lý, thu tiền nộp ngân sách.

Theo ông Dũng, nội dung Công văn 63 thể hiện rõ xin gom toàn bộ số cây ngã đổ do bão số 1, việc nêu sơ bộ cây chỉ là xin chủ trương kịp thời khắc phục hậu quả cây đổ do bão gây ra. Do tính cấp bách của việc khắc phục hậu quả bão nên chỉ báo cáo sơ bộ để xin chủ trương chứ không thể kiểm đếm hết khu rừng rộng trên 500ha mới báo cáo.

Cáo trạng vụ án cũng thể hiện, ngày 9/4/2012, Sở NN&PTNT Bình Thuận có Công văn 599 thống nhất kiến nghị của BQLRPH Phan Thiết, giao BQL kiểm tra thực tế và lập biên bản hiện trường, lên lý lịch cây gãy đổ, thu gom vận chuyển về nơi tập trung và lập thủ tục xuất bán nộp ngân sách theo quy định.

Thực hiện Công văn 599, khi tiến hành kiểm tra thực tế phát hiện số cây gãy đổ khá nhiều nhưng vì tính cấp thiết của tình hình khắc phục hậu quả bão nên ông Dũng vẫn cho tiến hành thu gom cây đổ, rồi sau đó mới làm thủ tục báo cáo Sở NN&PTNT để xin chủ trương xử lý theo quy định.

Đến ngày 28/12/2012 Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 1743 phê duyệt và cấp phép thu gom số gây gãy đổ theo số liệu thu gom thực tế. Toàn bộ số tiền bán thanh lý cây gãy đổ đã được thu nộp ngân sách, các bị cáo hoàn toàn không tư lợi. Các văn bản tố tụng cũng thể hiện, việc các bị cáo thu gom cây ngã đổ là khắc phục hậu quả cơn bão số 1, không gây ra thiệt hại.

Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung của TAND TP Phan Thiết

Điều tra bổ sung 4 vấn đề

Phiên tòa sơ thẩm ngày 12/10 của TAND TP Phan Thiết diễn ra khá căng thẳng và gay cấn, diễn biến phiên tòa công khai phát lộ nhiều tình tiết cho thấy nhiều khả năng các bị cáo đã bị truy tố, xét xử oan. Chiều 13/10, thay vì tuyên án như dự kiến thì TAND TP Phan Thiết đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Quyết định số 09/STHS-QĐ ngày 13/10/2016 của TAND TP Phan Thiết nêu 4 vấn đề cần điều tra làm rõ. Thứ nhất, làm rõ nội dung Công văn số 63 do bị cáo Nguyễn Văn Dũng ký, xin chủ trương thu gom cây gãy đổ do bão số 1 (thu gom 19 cây keo gãy đổ và hơn 10 cây ngã đổ) được hiểu là xin thu gom toàn bộ số cây ngã đổ do bão số 1 hay chỉ thu gom 29 cây ngã đổ.

Thứ hai, làm rõ Công văn 599 của Sở NN&PTNT Bình Thuận đồng ý cho BQLRPH Phan Thiết thu gom toàn bộ số cây gãy đổ khắc phục hậu quả cơn bão số 1 hay chỉ cho phép thu gom 29 cây gãy đổ? Nếu Sở cho phép thu gom toàn bộ cây gãy đổ thì căn cứ vào quy định nào?

Thứ ba, làm rõ trách nhiệm của Sở NN&PTNT Bình Thuận trong việc chỉ đạo thu gom cây ngã đổ do bão chưa phù hợp với tinh thần Thông tư 35 ngày 20/5/2011 dẫn đến việc cấp dưới thực hiện không đúng theo quy định.

Thứ tư, cần làm rõ hành vi của các bị cáo khi thực hiện thu gom cây ngã đổ do bão có lợi dụng việc thi hành nhiệm vụ để tư lợi hay chỉ vì mục đích khắc phục hậu quả thiên tai, thu tiền về cho nhà nước để từ đó xem xét mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo”.

Luật sư Nguyễn Bích Lan (Trưởng Văn phòng Luật sư số 5, Hà Nội) - người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Dũng phân tích: “Nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như theo dõi diễn biến phiên tòa công khai thấy rằng, việc các bị cáo kêu oan là hoàn toàn có cơ sở. Bị cáo Dũng chỉ đạo thu gom cây gãy đổ là hành vi khắc phục hậu quả bão lụt, hoàn toàn không phải khai thác trái phép hay phá rừng.

Các bị cáo tiến hành công việc theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT Bình Thuận, quá trình thực hiện công khai. Chưa kể, diện tích rừng nơi các bị cáo tiến hành thu gom cây ngã đổ đã đưa ra ngoài danh mục rừng sản xuất, không còn là khách thể của tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”.

Theo luật sư Bích Lan, trong Công văn số 63 nêu rõ: phát hiện 19 cây ngã đổ do bão và hơn 10 cây bị gãy đổ và xin chủ trương thu gom toàn bộ số cây trên. Con số “trên 10 cây ngã đổ” ở đây là số liệu mở, vì như các bị cáo đã trình bày, thực tế trên diện tích rừng 500ha số gây gãy đổ rất nhiều, chưa thể kiểm đếm chính xác. Vậy mà không hiểu sao tại Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, TAND TP Phan Thiết lại cố tình “lái” sang nghĩa Công văn trên được hiểu là chỉ xin khai thác “29 cây gãy, đổ” hay khai thác toàn bộ số cây gãy, đổ?

Cũng theo luật sư Bích Lan, các cơ quan tố tụng tại Bình Thuận thiếu khách quan, không công bằng khi cố tình buộc tội bị cáo Dũng. Đơn cử, quá trình thu gom cây gãy, đổ, Cty Thái Dương đã tự ý cắt thêm cây đứng mà không báo cáo, Cty Thái Dương còn tự ý bán gỗ thu gom khi chưa được sự cho phép của BQLRPH Phan Thiết.

Thế nhưng, cơ quan điều tra vẫn buộc ông Dũng phải chịu trách nhiệm về tất cả những việc làm trên của Cty Thái Dương. Ngược lại, ông Dũng với tư cách Trưởng BQLRPH Phan Thiết thừa hành quyết định của Sở NN&PTNT Bình Thuận, thi hành các Văn bản 599, 1743 do Sở chỉ đạo, nhưng khi xảy ra “sự cố”, ông Dũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi những người ra các quyết định chỉ đạo họ thì hoàn toàn vô can.

So sánh hai mối quan hệ pháp luật trên trong toàn bộ diễn biến khách quan của vụ án thấy rằng, cơ quan điều tra đã có sự xem xét, đánh giá thiếu kháh quan, không công bằng, cố tình buộc tội các bị cáo một cách khiên cưỡng. Hy vọng rằng việc điều tra bổ sung sẽ làm sáng tỏ những góc khuất của vụ án, giải oan cho các bị cáo.

Nhóm PVĐT

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/khac-phuc-hau-qua-bao-bi-buoc-toi-pha-rung-304423.html