Khắc phục điểm 'đen' tai nạn giao thông: 'Không để mất bò mới lo...'

Hiện nay, hoạt động đi lại đã trở lại bình thường, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông lớn. Nhằm sớm ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), kiềm chế tai nạn, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm khắc phục các điểm 'đen', điểm tiềm ẩn tai nạn.

Nút giao ngã tư Đình Trám (Việt Yên) giữa quốc lộ (QL) 37 với đường tỉnh (ĐT) 295B và đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Mỗi lần qua đây, nhiều người rất bất an vì tình trạng giao thông lộn xộn, mạnh ai nấy đi, nhất là thời điểm công nhân đi làm, tan ca. Nơi đây thường xuyên xảy ra xung đột giao thông, thậm chí tai nạn chết người. Mật độ giao thông lớn nhưng địa điểm này lại chưa có cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông (đèn xanh đỏ).

Nút giao ngã tư Đình Trám (Việt Yên) giữa QL37 với ĐT 295B và đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được đề xuất lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông.

Tương tự, đường vành đai IV mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng cũng có nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất tai nạn giao thông (ATGT).

Đơn cử như ngã tư thôn Lương Viên, xã Tiên Sơn (Việt Yên) nút giao với đường dân sinh thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) trong khung thời gian từ 17 giờ đến 23 giờ. Hay ngã tư giao cắt với ĐT295 thuộc địa bàn xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nên việc để các đảo cứng phân làn là không cần thiết, gây ùn tắc. Qua khảo sát cho thấy khu vực này chưa được lắp hệ thống đèn chiếu sáng.

Điểm “đen”, điểm tiềm ẩn TNGT không chỉ xuất hiện trên các tuyến QL mà còn ở cả tỉnh lộ, huyện lộ. Nút giao ĐT293 và đường Hương Gián - Kế thuộc địa phận huyện Yên Dũng là một điển hình.

Từ 6 giờ 30 đến khoảng 7 giờ, hàng trăm học sinh ở 4 thôn: Tân Tiến, Dũng Tiến, Việt Tiến và Đông Tiến của xã Hương Gián đi học qua. Ô tô, xe máy công nhân đi làm nườm nượp. Hai con đường trong làng đi ra lại hơi dốc ở đoạn tiếp nối với ĐT293; đã vậy đường không có vỉa hè, tầm nhìn bị hạn chế do hàng quán, cây cối che khuất.

Chị Linh, nhà ở gần đó cho biết: “Buổi sáng nhìn ra đường mà phát hoảng. Từng tốp học sinh dàn hàng ngang chờ ô tô, xe máy đi qua mới dám sang đường đến trường. Ngã tư này xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, trong đó có cả học sinh, người già đi bộ; còn va chạm thì xảy ra thường xuyên. Chúng tôi mong nhà nước sớm lắp đèn xanh đỏ ở đây.”

Phần lớn các điểm “đen”, điểm tiềm ẩn TNGT hình thành tại vị trí điểm đấu nối, ngã ba, ngã tư giữa các tuyến QL với TL - nơi có mật độ người tham gia giao thông đông; nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có người gác chắn hay đoạn đường có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, góc cua hẹp, không có hệ thống đèn chiếu sáng về ban đêm, không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoặc không có biển cảnh báo nguy hiểm.

6 vị trí đề xuất lắp cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông gồm: Ngã tư giao với đường vào Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng); nút giao ngã tư Đình Trám (Việt Yên) giữa QL37 với ĐT 295B và đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; nút ngã tư Bảo Sơn giao giữa ĐT295 với QL37, huyện Lục Nam; ngã ba giao QL37 với ĐT288 (Khu vực Ngã ba Hàng); ngã tư giao với đường huyện ĐH3 và đường trục xã Cảnh Thụy (Yên Dũng); Ngã tư giao với đường liên xã khu vực thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên).

Tại một số điểm, chất lượng mặt đường không bảo đảm, hệ thống biển báo, vạch sơn dải phân cách mờ, có nơi không có, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi. Mặc dù các đơn vị quản lý đường bộ đã tích cực khắc phục, xử lý nhưng nhiều vị trí nguy hiểm vẫn tiếp tục phát sinh và tồn tại trong quá trình khai thác.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hoàng Văn Hải cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh, trong tháng 3/2022, Ban ATGT tỉnh tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan, đơn vị chức năng và Ban ATGT 10 huyện, TP rà soát các điểm “đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Qua đó xác định còn 172 vị trí cần phải được xử lý”.

Cụ thể, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, QL 1A, đường gom cao tốc còn 19 điểm; các tuyến QL còn 98 điểm; đường tỉnh còn 43 điểm; đường huyện, xã nội thị 12 điểm. "Không để mất bò mới lo làm chuồng", các điểm đều được Ban ATGT tỉnh đề xuất phương án xử lý và kinh phí trong năm nay.

Các phần việc gồm: Sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung, dịch chuyển biển cảnh báo; xây gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường, lắp đặt gương cầu tại các đoạn đường cong cua, khuất tầm nhìn và điểm giao cắt; lắp đèn cảnh báo, tháo dỡ vòng xuyến không hợp lý; cắm biển tốc độ, biển đường một chiều vào giờ cao điểm.

Riêng huyện vùng cao Sơn Động, do địa vực sâu, địa hình dốc, đường cong nguy hiểm, gần 40 đoạn đường thuộc QL31, QL279, vị trí đèo Kiếm được đề xuất lắp dựng hộ lan tôn sóng, đặt gương cầu, nắn tuyến, mở rộng cầu.

Được biết, tháng 3, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNGT làm chết 6 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 9 vụ, 4 người chết và 13 người bị thương. So với tháng 2 năm 2022 giảm 14 vụ, 8 người chết và 13 người bị thương .

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/380752/khac-phuc-diem-den-tai-nan-giao-thong-khong-de-mat-bo-moi-lo-.html