Kết tụ, bồi đắp, làm giàu bản sắc Việt

Tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn là nguồn lực góp phần lưu giữ, bồi đắp, phát triển nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc.

Hợp phần quan trọng

Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết năm 2020, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 58 nghìn chức sắc, trên 148 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Trong đó, có những tôn giáo nội sinh như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Ngoài khía cạnh tâm linh, các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo còn tạo ra không gian cố kết cộng đồng. Nguồn: Chinhphu.vn

Thêm vào đó, hệ thống tín ngưỡng ở nước ta cũng vô cùng phong phú, trải dài từ Bắc vào Nam, với hơn 50.700 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.

Trong quá trình hình thành, phát triển, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo dần ảnh hưởng, thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý và lối sống không chỉ của tín đồ, mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội, nổi bật nhất là văn hóa. Theo các nhà nghiên cứu, sự hình thành, du nhập tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta diễn ra từ rất sớm, được người dân đón nhận bởi những giá trị nhân bản phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Phật giáo, trong hơn 2.000 năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế “Đạo pháp bất ly thế gian pháp”, đã phát huy giá trị văn hóa trong xã hội Việt Nam. Cơ sở của sự hòa nhập đó xuất phát từ đặc điểm của dân tộc Việt Nam là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, với tín ngưỡng bản địa là đa thần giáo. Con người Việt Nam hiền hòa, yêu nước, yêu hòa bình, vì nghĩa, giàu lòng nhân ái. Văn hóa Phật giáo với những giá trị từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, lục hòa cộng trụ hay luật nhân quả... hòa quyện một cách tự nhiên vào nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hay trong giáo lý của Công giáo, Tin lành, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó ngoài những điều nói về Thiên Chúa, đa phần khuyên răn về đạo đức làm người, tổng hòa vốn đạo đức, văn hóa cá nhân cũng như xã hội, cũng rất tương đồng với quan điểm của người Việt.

Phật giáo Hòa Hảo với tôn chỉ hành đạo là “học Phật, tu nhân”, tại gia cư sĩ thực hiện Tứ ân, gồm: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Đường hướng hành đạo “vì đạo pháp, vì dân tộc” đặt trọng tâm hoạt động là phổ truyền giáo lý và thực hành công tác xã hội, từ thiện, bố thí. Hướng đi này cũng bắt nhịp hài hòa với truyền thống yêu nước thương nòi của một dân tộc vốn trải qua nhiều bước thăng trầm, khổ đau trong lịch sử.

Đạo Cao Đài cũng lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sinh làm hành động… cùng nhập vào dòng chảy văn hóa Việt bao đời đề cao giá trị nhân nghĩa, nhân văn.

Tôn lên bản sắc dân tộc

Theo chiều dài lịch sử đất nước, tôn giáo trở thành sợi dây gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc và càng thể hiện rõ nét khi các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa. Không những vậy, tôn giáo, tín ngưỡng còn tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa nhân dân, thông qua các nền tảng thuộc về niềm tin, thực hành, các nghi lễ, nguyên tắc đạo đức, những di sản vật thể và phi vật thể…

Trong số cơ sở thờ tự trên khắp cả nước, rất nhiều nơi được xếp hạng di tích văn hóa bởi đó chính là nơi bảo lưu, truyền nối những giá trị của văn hóa Việt Nam, bao gồm giá trị kiến trúc cùng nghi lễ gắn liền với không gian. Có thể kể ra những di sản tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu, có tuổi đời nhiều thế kỷ như chùa Dâu, chùa Phật Tích (Bắc Ninh); nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ gỗ của người Công giáo Ba Na (Kon Tum); một số nhà thờ của đạo Tin Lành ở Lâm Đồng hay một số Thánh đường Hồi giáo ở An Giang…

Trong các không gian tâm linh đều đặn diễn ra thực hành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng với quy mô lớn, nhỏ, trải dài suốt cả năm. Điển hình là các lễ hội dân gian, tôn giáo như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan... của Phật giáo; lễ Giáng Sinh của Công giáo và Tin lành…; lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo…; lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội Đền Hùng... Ngoài khía cạnh tâm linh, hướng con người đến đấng siêu nhiên, các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng còn tạo ra không gian cố kết cộng đồng, góp phần tạo sự liên kết giữa người với người.

Có thể thấy, văn hóa Việt Nam giao thoa với văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để lại dấu ấn sâu đậm cho đời sống sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó, một nếp sống của cộng đồng cư dân được hình thành, duy trì, lan tỏa, được bổ sung, phát triển với những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam để trở thành nét đặc sắc trong văn hóa của một vùng, hợp chung thành nền văn hóa dân tộc.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/ket-tu-boi-dap-lam-giau-ban-sac-viet-i346588/