Kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh dưới góc nhìn kiểm toán

Thông qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình thực hiện vào năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã có những phát hiện, đánh giá và khuyến nghị hữu ích để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Giải ngân vốn nguồn ngân sách TW đạt 81,8%

Tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31.10.2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng số vốn ngân sách trung ương được duyệt là 15.866 tỷ đồng (gồm 15.470 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 396 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Trong số đó, vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng, giải ngân là 12.365 tỷ đồng và vốn sự nghiệp bố trí là 357 tỷ đồng, số đã giao là 231 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương giải ngân là 1.658 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo số liệu tại 29 dự án kiểm toán chi tiết, giá trị nghiệm thu theo số báo cáo là 2.182 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 2.182 tỷ đồng, số kiểm toán là 2.176 tỷ đồng, chênh lệch 6 tỷ đồng.

Giá trị hợp đồng còn lại theo số báo cáo là 3.338 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 3.311 tỷ đồng, số kiểm toán là 3.245 tỷ đồng, chênh lệch 66 tỷ đồng. Về giá trị dự toán được duyệt, theo số báo cáo là 635 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 635 tỷ đồng, số kiểm toán là 623 tỷ đồng, chênh lệch 12 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chưa giao hết số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương theo Chương trình được duyệt là do một số dự án không còn nhu cầu vốn, hoặc chưa đầy đủ thủ tục đầu tư…

Về tình hình giải ngân vốn nguồn ngân sách trung ương, tính đến hết năm 2020 đạt 12.364,76 tỷ đồng, bằng 81,8% số vốn đã bố trí, trong đó, vốn ODA đạt 12.137,57 tỷ đồng và vốn trong nước đạt 227,19 tỷ đồng. Kiểm toán chỉ ra nguyên nhân chưa giải ngân hết vốn kế hoạch là do một số dự án đã quá thời gian giải ngân, không còn nhiệm vụ và do số vốn được giao năm 2020 vẫn được phép giải ngân trong năm 2021.

Giải ngân vốn nguồn ngân sách TW đạt 81,8%. Ảnh: Minh họa.

Qua kiểm toán cho thấy, đến 31/12/2020, hầu hết các mục tiêu của Chương trình cơ bản chưa hoàn thành. Còn 7 dự án chuyển tiếp và 22 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, phòng hộ đầu nguồn và một số dự án ưu tiên cấp bách chưa hoàn thành. Có 20 dự án có hạng mục trồng và phục hồi rừng mới đã hoàn thành với diện tích hơn 24.661 ha, tuy vượt 10.000 ha so với mục tiêu của Chương trình nhưng theo tiêu chuẩn về trồng rừng còn phải thực hiện chăm sóc trong vòng 4-5 năm tiếp theo mới hoàn thành.

Mục tiêu hấp thụ 2 triệu tấn CO2 mỗi năm cũng chưa có số liệu báo cáo thống kê nên chưa có cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu này. Bên cạnh đó, hàng loạt những mục tiêu cụ thể của Hợp phần Biến đổi khí hậu và Hợp phần Tăng trưởng xanh cũng chưa hoàn thành.

Kiến nghị sau kiểm toán

Qua xem xét quá trình quản lý, sử dụng vốn của Chương trình, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách, trong đó có bất cập về thời gian hoàn thành các dự án phát triển rừng.

Theo quy định tại Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng tại Quyết định số 1205/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các dự án trồng rừng cần từ 4 - 5 năm để triển khai các bước: trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số dự án phát triển rừng mới được triển khai vào năm 2019, 2020 nên không đủ thời gian hoàn thành trong thời hạn thực hiện Chương trình (từ năm 2016 - 2020).

Cụ thể là một số quy định về thời hạn báo cáo, nội dung báo cáo. Như, thời hạn gửi kế hoạch đầu tư công năm sau theo Luật Đầu tư công 2014 là 31/7, theo Luật Đầu tư công 2019 là 25/8. Hay, nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn bổ sung thêm nội dung quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT đã không còn phù hợp. Do đó, yêu cầu đặt ra cần thiết phải ban hành văn bản thay thế hoặc bãi bỏ.

Để tiếp tục đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc, năm 2024, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2023 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kim Ngân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ket-qua-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-va-tang-truong-xanh-duoi-goc-nhin-kiem-toan-86861.html