Kết quả GS, PGS: Vì sao khoa học xã hội ít công bố quốc tế?

Kết quả công nhận GS, PGS năm 2016 cho thấy câu chuyện hội nhập quốc tế và khoảng cách giữa lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn còn xa nhau.

Theo thông lệ vài năm nay, mỗi dịp công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng báo cáo tổng kết thành tựu, kết quả hoạt động khoa học của các tân GS, PGS nói riêng, cũng như thông qua đó, thảo luận các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục đại học nước nhà nói chung.

Quốc tế hóa là xu hướng không thể đảo ngược

Bản tổng kết năm nay phản ánh xu thế không thể đảo ngược trong khoa học – giáo dục đại học, đó là vấn đề quốc tế hóa. Bên cạnh đó, bản tổng kết cũng hé lộ sự chênh lệch và khoảng cách giữa hai lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn.

Bản tổng kết gồm 4.665 chữ, 23 lần cụm từ “quốc tế” xuất hiện. Con số tương ứng với ISI, Scopus (2 danh mục tạp chí quốc tế uy tín nhất) lần lượt là 10 và 11.

Những con số này một lần nữa khẳng định quốc tế hóa và việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng trở thành xu hướng chính thống, được thừa nhận trong các chính sách của Nhà nước, cũng như chuẩn mực mà đội ngũ khoa học nước nhà hướng tới.

Cụ thể, 703 tân GS, PGS năm 2016 công bố 2.413 bài trên các tạp chí thuộc ISI, Scopus; trung bình mỗi người công bố 3,4 bài. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành, lĩnh vực.

Các tân GS, PGS ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật có thành tựu khá ấn tượng: 7 tân PGS ngành Toán học công bố được 74 bài ISI, Scopus (trung bình mỗi người 10,6 bài), 23 tân GS, PGS ngành Vật lý công bố được 537 bài ISI, Scopus (trung bình mỗi người 23,3 bài), 19 tân GS, PGS ngành sinh học công bố được 255 bài ISI, Scopus (trung bình mỗi người 13,42 bài).

Ngược lại, kết quả công bố quốc tế của các tân GS, PGS ngành khoa học xã hội và nhân văn còn khá khiêm tốn. Ngành Kinh tế có kết quả tốt nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, con số tương ứng cũng rất khiêm tốn: 31 bài ISI, Scopus trên tổng số 73 tân GS, PGS (trung bình mỗi người 0,42 bài).

Một số ngành như Ngôn ngữ, Luật học... thậm chí các tân GS, PGS còn chưa có công bố quốc tế ISI, Scopus.

Đại diện Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước trao chứng nhận cho các tân giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: TTXVN.

Đại diện Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước trao chứng nhận cho các tân giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: TTXVN.

Khác biệt đến từ truyền thống

Những kết quả trên không làm bất ngờ cá nhân người viết. Thành tích vượt trội của các tân GS, PGS thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật không phải đột nhiên xuất hiện.

Có nhiều lý do dẫn đến thành tích này, trong đó lý do lịch sử và truyền thống có lẽ quan trọng nhất. Chúng ta đều biết ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật có truyền thống hội nhập quốc tế lâu hơn so với ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Các nhà khoa học thuộc ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật trở về nước sau thời gian học tập, tu nghiệp ở nước ngoài, nhiều người vẫn cố gắng giữ được “nhịp độ” công bố quốc tế đều đặn như trước.

Các chính sách về cấp kinh phí cho đề tài khoa học tự nhiên và kỹ thuật (ví dụ như Quỹ NAFOSTED) cũng có những yêu cầu bắt buộc nhà khoa học phải có công trình công bố quốc tế mới được nghiệm thu.

Trong nhiều trường hợp, khi quy chế Nhà nước hoặc của Nhà trường chưa quy định tường minh, bản thân các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, cũng đã tự đặt ra tiêu chí công bố quốc tế trong hoạt động chuyên môn của mình (ví dụ một số chương trình đào tạo tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật ở nước ta hiện có “luật bất thành văn” nghiên cứu sinh phải có công bố ISI, Scopus mới được tốt nghiệp).

Hướng tới văn hóa công bố quốc tế trong mọi lĩnh vực

Lý do phổ biến được các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn đưa ra về việc thiếu vắng công bố quốc tế là ISI, Scopus không bao hàm hết các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này (như sách chuyên khảo).

Bản thân GS Nhung, trong báo cáo của mình, cũng nhắc đến điều này và là nhận định hoàn toàn chính xác. Với ngành giáo dục, sách chuyên khảo do các nhà xuất bản uy tín như Palgrave, Wiley... ấn hành cũng được tính là kết quả nghiên cứu có chất lượng, bên cạnh các bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus.

Tuy vậy, số lượng ít ỏi ấn phẩm nghiên cứu công bố quốc tế thực sự đang là vấn đề lớn đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thời gian gần đây, một số nhà khoa học thuộc lĩnh vực trên như PGS Phạm Quang Minh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), PGS Vương Xuân Tình (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) cũng thừa nhận điều này.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy Hội đồng ngành đối với từng ngành, lĩnh vực chuyên môn hẹp có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu như với một ngành khoa học nhất định, ISI hay Scopus không phải danh mục phù hợp để đánh giá chất lượng công bố khoa học, thì bản thân Hội đồng của ngành đó, phải đưa ra được một danh mục tạp chí, ấn phẩm khoa học được cho là phù hợp và lý giải được điều đó để những người ngoài ngành hiểu.

Phạm Hiệp
ĐH Văn hóa Trung Hoa

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ket-qua-gs-pgs-vi-sao-khoa-hoc-xa-hoi-it-cong-bo-quoc-te-post696416.html