Kết nối ngân hàng- doanh nghiệp: "Nút thắt" tài sản thế chấp

(HQ Online)- Chương trình kết nối ngân hàng – DN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều DN được bổ trợ thêm nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để tất cả DN được đáp ứng nhu cầu về vốn, chương trình này vẫn cần sự cải thiện thông thoáng hơn về cơ chế.

DN có được nguồn vốn giá rẻ sẽ tạo động lực để tăng tính cạnh tranh trong sản xuất và XK. (Ảnh: Hữu Linh)

Hiệu quả

Giữa tháng 6-2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung kết nối ngân hàng - DN để hỗ trợ kịp thời vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định và phát triển sản xuất. Đồng thời, các đơn vị này phải tạo mọi điều kiện, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản, hiệu quả, thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Ngay sau chỉ đạo trên, nhiều tổ chức tín dụng đã cam kết đồng hành cùng DN trong việc kết nối, hỗ trợ các chương trình cho vay ưu đãi, tài trợ thương mại. NHNN tại nhiều địa phương đã tổ chức lễ ký cam kết cho vay, hội nghị kết nối giữa các ngân hàng và DN.

Mới đây nhất, chương trình kết nối ngân hàng – DN tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của hàng trăm DN và tổ chức tín dụng. Báo cáo tại hội nghị cho biết, từ đầu năm 2016 đến 31-8-2016, có 120 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cam kết cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - DN là 125.641 tỷ đồng. Chương trình này đã giúp dư nợ tại Hà Nội đến cuối tháng 8-2016 đạt 170.068 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với cuối năm 2015.

Quan trọng hơn, Chương trình kết nối ngân hàng – DN đã tạo được mặt bằng lãi suất cho vay luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay chung từ 1,5 đến 2%/năm. Năm 2015 lãi suất giảm phổ biến từ 6-7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Không những thế, nhiều ngân hàng còn đưa ra nhiều gói tín dụng với cam kết cho vay không cần tài sản đảm bảo.

Đánh giá về Chương trình này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, Chương trình đã giúp ngân hàng nâng cao tính chủ động, tiếp nối được đúng đối tượng, tập trung đúng vào khối DN đang cần vốn để phục vụ. Đồng thời, qua Chương trình, các DN cũng nắm bắt được ngân hàng nào đang tạo điều kiện tốt nhất cho DN, lựa chọn được gói tín dụng phù hợp với nhu cầu của DN.

Cần tích cực hơn

Mặc dù Chương trình kết nối ngân hàng - DN đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng theo ông Mạc Quốc Anh, nếu Chương trình hoạt động tích cực hơn nữa thì sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, tác động tốt đến DN trong nước và nền kinh tế nói chung. Bởi DN vay được vốn sẽ giúp dư nợ tín dụng tăng, dư nợ tăng và nhiều DN cần vốn sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. DN vay được nguồn vốn rẻ sẽ có nhiều động lực để phát triển sản xuất, đáp ứng được cung cầu thị trường, tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, từ đó tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường nội địa và XK.

Tuy nhiên, vướng mắc được nhiều DN phản ánh nhất là điều kiện của DN để đảm bảo được cho vay với lãi suất ưu đãi và không cần tài sản thế chấp trong các gói tín dụng. Bà Nguyễn Thị Lưu, Giám đốc DN tư nhân Lưu Xuân (DN kinh doanh nông sản) cho hay, DN đã hoạt động được gần 10 năm, đã có hoạt động XK sang Trung Quốc và đang cần vốn để thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường XK. Dù vậy, DN vẫn chưa được ngân hàng xếp hạng tín nhiệm để được vay ưu đãi, trong khi tài sản để thế chấp không có.

Trên thực tế, dù nhiều ngân hàng thông báo là thực hiện, đẩy mạnh cam kết cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – DN nhưng các gói tín dụng ưu đãi lại luôn yêu cầu DN phải đảm bảo mức xếp hạng tín nhiệm theo quy định của ngân hàng đó. Đây là điều kiện không phải DN nhỏ và vừa nào cũng có thể đáp ứng, do vậy, nhiều DN đã phải nhờ cậy đến “tín dụng đen” với lãi suất cao.

Mặt khác, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Trí Cường (DN sản xuất máy móc, thiết bị) cho rằng, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc cải thiện phương thức tiếp cận nguồn vốn. Các ngân hàng cần phải có cơ chế để tăng niềm tin với DN, vì nhiều DN không có tài sản thế chấp, trong khi, đây mới chính là đối tượng DN có nhu cầu vay vốn nhiều nhất. Hơn nữa, các ngân hàng hiện cho vay vốn lưu động, vay ngắn hạn nhiều hơn, trong khi DN cũng cần nguồn vốn cố định, cần vốn vay trung và dài hạn để tạo độ bền vững trong kinh doanh nên cần sự thay đổi tích cực hơn nữa từ phía ngân hàng.

Bên cạnh những khó khăn trên, không ít DN còn bày tỏ “phàn nàn” về cơ chế định giá tài sản đảm bảo, chi phí giao dịch còn cao, thủ tục phức tạp… Do đó, các ngân hàng cần nhanh chóng triển khai phương án tháo gỡ khó khăn và tìm ra cơ chế giải quyết “nút thắt” về cho vay tín chấp. Bên cạnh đó, các DN mong muốn, Chương trình kết nối ngân hàng – DN không chỉ là sự hỗ trợ về vốn cho DN mà các ngân hàng còn phải tạo ra các dịch vụ hỗ trợ DN trong kinh doanh như: Tư vấn tài chính, bảo lãnh XNK, thanh toán, thuế phí… Điều này sẽ giúp tạo thuận lợi và hiệu quả cho cả hai bên cùng phát triển.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ket-noi-ngan-hang-doanh-nghiep-nut-that-tai-san-the-chap.aspx