Kết nối để củng cố nội lực

Sự kết nối giúp nội lực quốc gia được củng cố mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với những biến cố đang và sẽ xảy ra

Trước xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta đã chọn hội nhập và đã chuyển nền kinh tế từ chiến lược thay thế nhập khẩu sang làm hàng xuất khẩu. Đây là lựa chọn mang tính quyết định giúp nước ta vươn lên sau đổi mới.

Tuy nhiên, càng hội nhập sâu rộng, nền kinh tế của chúng ta càng có nguy cơ bị tổn thương bởi cú sốc toàn cầu như dịch bệnh, chiến tranh, đặt ra yêu cầu phải tăng cường nội lực, sức chống chịu cả về cung lẫn cầu.

Chưa tận dụng triệt để internet

Tiềm năng linh hoạt, năng động, sáng tạo của người Việt Nam rất lớn nhưng người dùng internet của chúng ta vẫn chưa có nhiều ứng dụng hỗ trợ hiệu quả. Hiện chỉ mới xoay quanh tìm kiếm thông tin, tương tác mạng xã hội, xem nội dung video, nghe nội dung audio, mua hàng trên các sàn thương mại điện tử và kết nối với tài xế công nghệ để di chuyển.

Hoạt động sàn thương mại điện tử vẫn chưa có lãi. Các nội dung trên internet vẫn chưa giúp người dùng giải quyết được những khó khăn của cuộc sống hằng ngày, họ chưa thể lên mạng để giúp nhau tăng thu nhập, giảm chi tiêu.

Mạng xã hội đáng lẽ phải góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, lại nhiều thị phi làm giảm chất lượng sống. Áp lực cạnh tranh, tự khẳng định trong cuộc sống làm cho các truyền thống gắn bó, tương trợ có nguy cơ bị mai một.

Hiện người dùng internet chỉ mới xoay quanh tìm kiếm thông tin, tương tác mạng xã hội, mua hàng trên các sàn thương mại... Ảnh: VY THƯ

Bản chất giá trị gia tăng của thương mại đến từ việc lưu chuyển hàng hóa dịch vụ từ nơi có giá trị thấp đến nơi có giá cao; không chỉ diễn ra giữa các quốc gia mà còn cần phải diễn ra giữa các vùng của một quốc gia hoặc giữa các khu vực khác nhau của một vùng.

Chúng ta nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tăng tính liên kết giữa các vùng trong nước nhưng việc cộng đồng cư dân có khai thác được hạ tầng đó để giúp phát triển vùng sâu, vùng xa; tăng cường tính năng động, sáng tạo của khu vực thành thị hay chưa vẫn cần phải có hệ thống tạo động lực.

Đường Rừng Sác (Cần Giờ) hoàn thành đã lâu nhưng vẫn chưa giúp được những sản phẩm đặc thù của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn này đến những khu vực khác nhau của thành phố.

Trong khi đó, tiềm năng của những sản phẩm này cần được phát huy, đưa đi thật xa để tìm ra những người chế biến tài hoa, những tổ hợp món tâm đắc, những cộng đồng ưa thích sẵn sàng trả giá cao.

Xây dựng hệ thống ứng dụng kết nối

Một hệ thống hỗ trợ sẽ trả công xứng đáng cho những người thích khám phá từ TP HCM lẫn TP Vũng Tàu khi nỗ lực kết nối Cần Giờ với 2 trung tâm này.

Không chỉ Cần Giờ, hệ thống đó cũng sẽ giúp xây dựng và củng cố các điểm tụ cả về phía cung lẫn cầu cho các cộng đồng dân cư trên địa bàn TP HCM cũng như cả nước.

Trước khi có mạng thông tin toàn cầu, các điểm tụ được hình thành theo vị trí địa lý do điều kiện thuận tiện về nguồn lợi, sinh hoạt, phòng thủ, thông thương...

Đến khi có mạng thông tin toàn cầu, nguồn lực con người được đề cao hơn, ai tìm ra hoặc học hỏi được cách thức khai thác, chế biến, đóng gói, nắm bắt nhu cầu của từng khu vực, từng phân khúc thị trường sẽ tập hợp được khách hàng và nhà cung ứng xung quanh mình.

Để củng cố nội lực, cần có một ứng dụng cho phép người đi đường có thể rà quét được các sản phẩm dịch vụ mà cộng đồng địa phương rao theo tọa độ định vị của mình. Họ có thể không ghé vô mua ngay khi đi ngang nhưng dữ liệu quét được sẽ có ích cho những lần sau hoặc để giới thiệu khi có người hỏi đến.

Với hệ thống này, các sản phẩm địa phương không cần phải "chường" bảng quảng cáo ra mặt tiền đường giao thông để gây chú ý mà người ngồi trên xe có thể khám phá các sản phẩm dịch vụ của nơi mình sắp đi qua, theo các khoảng cách gần - xa để có thể lên kế hoạch cho điểm dừng hoặc điểm kế tiếp.

Các nhà cung cấp ở địa phương cũng không cần thiết thuê mặt bằng kinh doanh ở mặt tiền đường lớn mà có thể hiện diện ở các đường nhánh, đường nội bộ, miễn là có kết nối với trục chính. Những người dùng thử sản phẩm dịch vụ trên hệ thống có thể cho đánh giá bằng nhiều hình thức để động viên những người làm tốt và tẩy chay kiểu làm ăn chụp giật.

Nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng có thể từ đó xây dựng và chăm sóc cộng đồng khách hàng của mình.

Cung - cầu dựa vào nhau mà tồn tại. Những người tiêu dùng có nhu cầu giống nhau hoặc tương tự nhau có thể tập hợp thành các nhóm tiêu dùng, gom thành đơn hàng quy mô lớn để được hưởng mức giá sỉ, các chiết khấu giảm trừ. Xe đi ngang điểm tụ về phía cung và cầu có thể nhận vận chuyển đơn hàng đã được "khớp lệnh" này.

Đối với các sản phẩm dịch vụ mới hay các nhu cầu mới hình thành, hoặc vì lý do nào đó mà người mua và người bán không thể tìm thấy nhau, nếu có tiềm năng, người vận chuyển có thể "xuống" tiền để trở thành người buôn chuyến.

Với vai trò là người kết nối, họ đưa đơn hàng từ phía cung đến phía cầu. Người kết nối cũng có thể hỗ trợ phía cung gom sản lượng đủ lớn đáp ứng đơn hàng lớn của phía cầu. Với mô hình này, người kết nối sẽ có vai trò giống như những người đào kênh phân phối, có lợi ích khi tìm đường cho hàng hóa dịch vụ chảy từ phía cung sang phía cầu một cách hiệu quả nhất.

Giải bài toán việc làm, phân phối

Nhờ vào sự kết nối thông suốt, tích cực và linh hoạt, các đặc trưng về nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng của từng vùng đất sẽ được làm rõ, tạo được sức sống cho các vùng nông thôn, giảm áp lực cho vùng đô thị. Bài toán việc làm và phân phối thu nhập công bằng cũng nhờ hệ thống này mà trở nên dễ giải hơn. Mỗi người, mỗi hộ, mỗi khu vực, mỗi vùng, mỗi quốc gia sẽ dần nhận ra mình có năng lực gì và có thể đóng góp gì cho cộng đồng; đồng thời xác định mình ưa thích tiêu dùng những sản phẩm dịch vụ nào.

MAI QUANG HUY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ket-noi-de-cung-co-noi-luc-196231217215023347.htm