Kết nối câu chuyện văn hóa trên hành trình di chuyển

Các địa điểm như Ga Long Biên, Ga Hà Nội, Ga Gia Lâm vốn tưởng khô cứng nhưng được thí điểm kiến trúc và sắp đặt lại không gian, thổi hổn văn hóa trên từng khoang tàu.

KTS Đoàn Kỳ Thanh - Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Avant, người sáng lập các không gian sáng tạo như: Zone 9, Hanoi Creative City cho rằng tư duy sáng tạo đã diễn ra ở mọi ngóc ngách của Hà Nội để tạo dựng nên niềm hy vọng và điểm đến hấp dẫn với người dân và du khách.

Sức hút của chuyến tàu di sản

Trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội vừa qua, công trình di sản công nghiệp bị bỏ hoang bao năm - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm như được lột xác, đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Theo ông sự kiện này sẽ là khởi đầu cho tín hiệu gì?

- Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (thuộc Công ty CP Xe lửa Gia Lâm quản lý) thuộc khu đất “vàng” của quận Long Biên, được đặt tại giao điểm của 4 tuyến đường sắt phía Bắc, sừng sững như một chứng nhân lịch sử xuyên suốt từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Khu công nghiệp này được hình thành năm 1905. Nhưng khi hoàn thành sứ mệnh về công nghiệp đã bị bỏ hoang. Chúng tôi thấy không gian này đang bị bỏ phí.

Ngay sau khi Zone 9 bị xóa bỏ, chúng tôi đi tìm kiếm các không gian để khởi dựng nơi sáng tạo cho nghệ sĩ và có đến khảo sát Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Chúng tôi cảm thấy đây là một địa điểm trong mơ. Nhưng lúc đó điều kiện không cho phép nên chưa thể tổ chức các hoạt động sáng tạo trong không gian này. Phải đến khi Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được khởi dựng không gian vốn tưởng chỉ của giao thông đã có thêm hành trình văn hóa di sản.

Lễ hội thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian ga diễn ra ở 3 địa điểm: Ga Long Biên, Ga Gia Lâm và Ga Hà Nội. Thí điểm này mang đến cách nhìn mới mẻ về 3 nhà ga. Đó còn là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và nghệ thuật đương đại, với tinh thần nghệ thuật là một phần quan trọng trong công cuộc bảo tồn di sản công nghiệp.

Những ai đến với các hoạt động tại 3 nhà ga này sẽ thấy sức sống mới, biến những công trình đang bị bỏ hoang hoặc hoặc động rất ọp ẹp trở nên sôi động, mang lại lợi ích cả về kinh tế và văn hóa tinh thần cho người dân.

Thông tin từ Ban Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, tính đến ngày 23/11 (trong 1 tuần diễn ra lễ hội) tuyến tàu Hành trình di sản đi từ Ga Hà Nội, Ga Long Biên đến Ga Gia Lâm đón 12 nghìn lượt khách. Đây là số lượng du khách lớn cho ngành đường sắt và tuyến tàu sẽ đi vào khai thác thường xuyên?

- Trong khi ngành đường sắt đang khó khăn về khai thác, phát triển số lượng hành khách thì việc tạo ra các sản phẩm mới, gắn với du lịch là cách làm hay. Chúng ta cần tạo nên nơi chốn cho hành trình di chuyển. Với hành trình 3km, 10 phút di chuyển từ Ga Long Biên sang Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tuyến tàu “Hành trình di sản” sẽ mang đến cho công chúng những góc nhìn mới lạ, độc đáo về Hà Nội.

Trên tuyến tàu ấy, chúng ta không chỉ ngồi ghế và di chuyển mà còn được trải nghiệm cùng âm nhạc, triển lãm… Người dân trải nghiệm trên hành trình đều cảm thấy thích thú. Rất nhiều du khách là cả gia đình 3 thế hệ, ông bà, bố mẹ, con cái cùng trải nghiệm. Đứng vai trò là người quan sát chúng tôi cảm thấy hạnh phúc với sự tiến triển, thu hút.

Theo ông, điều gì khu đất rộng ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm bỗng dưng lại có sức hút đến như vậy?

- Việc đầu tiên là nhà tổ chức đã tạo ra được điểm đến cho các thế hệ, ở mọi lứa tuổi và mọi giới. Không gian rộng lớn khoảng 20ha được cải tạo, thiết kế, sắp đặt thành một không gian nghệ thuật độc đáo, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mang tới những câu chuyện lý thú với nhiều cung bậc cảm xúc về Thủ đô ngàn năm văn hiến, một Hà Nội sáng tạo, mới lạ, mang đậm tinh thần nghệ thuật.

Tạo điểm nhấn cho triển lãm, Ban Tổ chức mời du khách trải nghiệm hành trình xe lửa di sản với điểm tham quan từ Bốt Hàng Đậu - Ga Long Biên - Ga Gia Lâm - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Từ đây, du khách tham quan nhà máy, nơi tổ chức các hoạt động chính tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, tham quan nhiều công trình kiến trúc và đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực, biểu tượng của ngành đường sắt Việt Nam.

Không gian sáng tạo hay trung tâm thương mại?

Tại sao cứ phải là không gian sáng tạo mà không phải là các công năng khác, thưa ông?

- Chắc bạn còn nhớ, cách đây chừng gần 10 năm câu chuyện di dời Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã được xới lên, lúc đó chúng ta rất lo lắng cho một toan tính khác của các DN, đó là biến khu đất vàng này thành khu nhà ở cao tầng, các trung tâm thương mại. Nếu như vậy thì chỉ có DN và cùng lắm là một số người dân mua nhà được hưởng lợi, không mang lại lợi ích chung cho TP.

Còn khi chúng ta biến nó thành không gian sáng tạo thì nhiều người được hưởng lợi cả về mặt kinh tế và tinh thần. Dân cư của quận Long Biên được hưởng lợi từ các dịch vụ. Cả TP được hưởng lợi vì tạo được điểm đến cho người dân.

Qua Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 chứng minh là cơ hội cho các không gian sáng tạo này có thật, nhu cầu của người dân cũng là có thật. Người dân không còn mong muốn hưởng thụ nghệ thuật chỉ trong nhà hát mà muốn có một nơi để không gian đó thuộc về họ nhất.

Bài học nào để chúng ta thêm tự tin về các không gian sáng tạo sẽ là những sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn du khách và người dân?

- Trên thế giới có Station F, được biết đến như vườn ươm khởi nghiệp cho giới kinh doanh, được xây dựng trên nền nhà ga xe lửa cũ Halle Freyssinet (Pháp); hay Công viên Landschafts Park, được chuyển đổi từ một tổ hợp sản xuất quặng than và thép (Đức); khu nghệ thuật Art Zone 798, ban đầu là một nhà máy sản xuất đồ điện tử (Trung Quốc)...

Ở Việt Nam cũng đã có những mô hình tương tự như: khu tổ hợp Complex 01 (quận Đống Đa) dựa trên nền nhà máy in bỏ hoang; trung tâm văn hóa Pháp L’Espace trước đây (nay đã bị dịch chuyển khỏi 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) cũng được khởi dựng từ Nhà máy in Báo Nhân Dân… Đó là một bằng chứng cải tạo di sản công nghiệp thành công.

Ngoài lợi thế về có nhiều không gian di sản công nghiệp đang bị bỏ hoang, theo kiến trúc sư, Hà Nội còn có lợi thế gì để đưa tiềm năng này hái ra tiền cho TP?

- Hà Nội lợi thế hơn các TP khác trong cả nước, là nơi tụ hội nhiều người tài và hiểu về sáng tạo. Nếu chúng ta chỉ suy tư dựng xây một không gian đẹp thì không bao giờ thu hút được du khách. Mà phải tạo ra điểm khác biệt của TP

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một di sản công nghiệp đáng quý ở Hà Nội. Việc cải tạo nhà máy thành các không gian sáng tạo nhằm viết tiếp câu chuyện làm sống lại các di sản công nghiệp, phục vụ sự phát triển của Thủ đô nói riêng và nền công nghiệp văn hóa đất nước nói chung. Đây cũng là phương pháp mà thế giới đang theo đuổi. Hiện nay còn rất nhiều di sản công nghiệp đang bị bỏ hoang, phải di dời. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thực sự là cơ hội để các kiến trúc sư, nghệ sĩ tài năng tạo nên những không gian trải nghiệm, triển lãm ấn tượng; thổi hồn cho không khí hân hoan của lễ hội, đóng góp cho mục tiêu gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Thủ đô
KTS Đoàn Kỳ Thanh

Hà Nội với sự sáng tạo ở các TP khác trên cả nước và trên thế giới. Tôi tin tưởng rằng những không gian như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm xứng tầm điểm đến cho du khách nội và khách nước ngoài. Hy vọng rằng sau sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội sẽ đánh thức cách làm công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

Linh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ket-noi-cau-chuyen-van-hoa-tren-hanh-trinh-di-chuyen.html