'Kẻ bắt chước mộng mơ' và 3 kiểu người chuộng hàng fake

Không còn mang tâm lý ái ngại, xấu hổ khi sử dụng hàng giả, nhiều người tiêu dùng trẻ dần bình thường hóa việc mua sắm sản phẩm thời trang xa xỉ nhái.

Các phiên bản sao chép của hàng hiệu xuất hiện tràn lan trên nền tảng mua sắm trực tuyến. Ảnh minh họa: @thaonhile.

Sau khi mua một đôi giày Gucci nhái với mức giá 45 USD, bằng khoảng 10% giá trị sản phẩm thật, Monica (30 tuổi, bang Florida, Mỹ) cảm thấy hài lòng về chất lượng sản phẩm. Từ đó, cô trở thành khách hàng trung thành của thị trường hàng giả, theo Business of Fashion.

Monica là một trong số những người tiêu dùng chuộng mua sắm hàng nhái trực tuyến. Theo khảo sát do Văn phòng Sở hữu Trí tuệ châu Âu thực hiện vào năm 2022, hơn 50% người ở độ tuổi từ 15-24 cho biết họ mua ít nhất một món hàng giả trong vòng một năm.

Tổng giá trị thị trường sản phẩm nhái đạt 3 nghìn tỷ USD trong năm 2022, gấp 3 lần so với số liệu được ghi nhận vào năm 2013, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Việc chạy theo mốt của các nhãn hàng xa xỉ góp phần thúc đẩy trào lưu sử dụng hàng nhái. Ảnh minh họa: @chaubui_.

Thương hiệu xa xỉ vô tình thúc đẩy hàng nhái

Theo Business of Fashion, phần lớn nhà sản xuất hàng thời trang giả có trụ sở tại Trung Quốc.

Các đơn vị này công khai tung sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa quá trình mua sắm của người tiêu dùng quốc tế. Chỉ sau khi nhấn nút đặt 1-2 tuần, khách hàng lập tức nhận được hàng giao đến tận cửa nhà.

Các thương hiệu xa xỉ cũng vô tình góp phần thúc đẩy thị trường hàng nhái. Theo Monica, các nhà mốt miệt mài chạy đua trong vòng xoáy tạo ra trào lưu và thay thế chúng. Những người tiêu dùng như Monica không còn mong muốn đầu tư vào các sản phẩm thời trang vì biết chỉ mặc trong một mùa rồi bỏ xó.

Theo báo cáo về xu hướng tiêu dùng của khách hàng Gen Z được Business of Fashion thực hiện vào năm 2022, 54% người khảo sát cho rằng việc mua sắm hàng giả của những người xung quanh không vi phạm đạo đức, 37% cho biết họ có xu hướng diện váy áo xa xỉ nhái.

Stephanie (30 tuổi, Chicago, bang Illinois, Mỹ) khẳng định việc sử dụng hàng dupe (phiên bản sao chép của sản phẩm thật) dần được bình thường hóa. Cô từng tham dự một bữa tiệc mà tất cả khách mời đều diện váy áo, đeo túi xách nhái.

Hơn nữa, ngày càng nhiều thương hiệu xa xỉ có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất từ châu Âu sang châu Á.

Xu hướng này khiến người tiêu dùng cho rằng những món hàng nhái họ mua từ các đơn vị kinh doanh tại Trung Quốc có thể được thực hiện trong cùng xưởng may với các nhà mốt danh tiếng. Suy nghĩ này củng cố niềm tin của họ vào chất lượng các sản phẩm dupe trên thị trường.

Nhiều người sử dụng hàng nhái với hy vọng xây dựng lối sống sang trọng. Ảnh minh họa: Gucci.

4 kiểu người chuộng hàng giả

Theo SCMP, có 4 kiểu người tiêu dùng ưa chuộng hàng giả điển hình. Họ là những người thường xuyên mua sắm các sản phẩm thời trang sao chép để phục vụ mục đích sử dụng cá nhân.

“Dreamitators” là sự kết hợp giữa “dreamers” (những kẻ mộng mơ) và “imitators” (những người bắt chước).

Họ là những người trẻ thiếu điều kiện tài chính nhưng vẫn muốn sở hữu những món đồ gắn logo, monogram của các thương hiệu như Gucci, Louis Vuitton hay Dolce & Gabbana.

Hướng đến lối sống “sang chảnh”, họ tìm mua những sản phẩm sao chép chất lượng kém, cho rằng đây là lối đi tắt dẫn đến cuộc sống của tầng lớp thượng lưu.

Người giữ thể diện là nhóm đối tượng bao gồm những người trẻ thường xuyên tham dự các bữa tiệc xa xỉ, phải bước chân vào thế giới thượng lưu vì yêu cầu công việc.

Họ chịu áp lực hòa nhập với cộng đồng sở hữu mức thu nhập cao, khả năng tài chính lớn, không ngại chi tiêu cho các sản phẩm xa hoa. Để không mất mặt, những người này lựa chọn váy áo, túi xách nhái đến từ các thương hiệu danh tiếng, nỗ lực nâng cao giá trị bản thân.

Kẻ giả mạo thông thái có kiến thức về xu hướng thời trang, giá cả của các sản phẩm may mặc.

Việc mua sắm hàng giả giúp họ mở rộng tủ quần áo, dễ dàng theo đuổi các trào lưu mới, tránh cảm giác tiếc nuối khi loại bỏ một thiết kế đắt tiền lỗi mốt. Các bản dupe mà họ lựa chọn thường được làm giả một cách tinh vi, giúp người dùng bảo vệ hình ảnh trước bạn bè, đồng nghiệp.

Người tiêu dùng có thu nhập cao là những người có khả năng sở hữu hàng hiệu cao cấp chính hãng, nhưng vẫn dành tiền cho các phiên bản sao chép.

Họ yêu thích việc săn lùng những món hời trong quá trình mua sắm, hài lòng khi tậu được một item nhái có giá cả phải chăng, sẵn sàng trộn hàng giả với hàng thật khi ra đường.

Không chỉ nhà mốt đưa ra biện pháp phòng chống hàng giả, khách hàng cũng cần thay đổi quan điểm, tư duy tiêu dùng. Ảnh minh họa: @quynhanhshyn_.

Nhà mốt cố gắng là không đủ

Các thương hiệu thời trang xa xỉ là nạn nhân trực tiếp của thị trường hàng nhái. Vì vậy, các nhà mốt cần đưa ra biện pháp chống hàng giả để bảo vệ quyền lợi nhãn hiệu.

Vào năm 2021, Prada và Cartier đã bắt tay với công ty cung cấp giải pháp phân biệt hàng thật - hàng nhái Aura Blockchain Consortium.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến như Rebag, The RealReal và Vestiaire Collective cũng áp dụng hàng loạt công nghệ kiểm tra sản phẩm, tránh tình trạng những phiên bản sao chép của hàng thời trang xa xỉ xuất hiện tràn lan, gây mất uy tín.

The RealReal cho biết họ đã đầu tư vào chương trình nhận dạng, xác thực sản phẩm có tên Vision, kiên quyết áp dụng các phương pháp chống hàng nhái để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, SCMP cho rằng sự nỗ lực từ phía nhãn hàng và sàn thương mại điện tử là chưa đủ. Việc thay đổi quan điểm, tư duy của khách hàng mới là yếu tố tiên quyết góp phần chấm dứt tình trạng tiêu thụ hàng giả.

Song, đây là một hành trình dài, cần sự chung tay, góp sức của cơ quan chức năng, nhà sản xuất, các ngôi sao và người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ke-bat-chuoc-mong-mo-va-3-kieu-nguoi-chuong-hang-fake-post1455224.html