Kafka bên bờ biển - mê cung không lối thoát

“Kafka ngồi ghế bên bờ biển, nghĩ về quả lắc làm thế giới đung đưa. Khi trái tim ta khép kín, cái bóng của Nhân Sư sẽ thành lưỡi dao xuyên thủng giấc mơ ta.” Đó là những câu từ của “Kafka bên bờ biển.” Với bạn và tôi, đó là đơn thuần là một bài hát có nhạc và lời, ẩn chứa một ý nào đó, hay đơn giản chứa đựng một nỗi buồn thầm kín của người nghệ sĩ. Thế nhưng trong tác phẩm cùng tên “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami, ca khúc ấy đã xuất hiện như một lời tiên tri, giống như bàn tay số phận đã sắp đặt sẵn toàn bộ sự việc.

Lối kể sóng đôi, “ngỡ” quen thành lạ

Kafka bên bờ biển bao gồm hai câu chuyện được kể song song với nhau. Các chương lẻ tập trung vào cuộc hành trình của Kafka Tamura, một cậu bé 15 tuổi, bỏ nhà ra đi để thoát khỏi lời nguyền quái ác của cha cậu: giết cha rồi ngủ với mẹ và chị mình. Các chương có số chẵn xoay quanh câu chuyện của một lão già thiểu năng tên Nakata, có khả năng nói chuyện với mèo, phải lên đường thực hiện một nhiệm vụ kỳ lạ.

Câu chuyện của Kafka được kể theo ngôi thứ nhất, giọng văn hướng nội, tiết tấu chậm rãi nhưng không buồn chán. Ngược lại, ngôn từ trải dài trên trang giấy như một bản nhạc nhẹ nhàng mà ám ảnh. Khúc dạo đầu của nó là những nốt trầm bình lặng, rồi biến tấu thành một mê cung thần bí - nơi bị bao phủ bởi bóng đêm ma mị hoặc cùng một màn sương mỏng mảnh, mù mờ.

Câu chuyện của Nakata được kể theo ngôi thứ ba, tiết tấu dồn dập, không gian được nới rộng, thời gian không còn đi theo dòng chảy luyến tính thông thường, hai chất liệu hiện thực và siêu thực hòa quyện và thống nhất với nhau một cách tài tình. Hành trình của Nakata giống như một giấc mơ kỳ lạ. Ta vừa mở một cánh cửa, hóa ra còn một cánh cửa khác ở đằng sau. Một câu hỏi vừa được khơi mở, lại thêm một câu hỏi khác xuất hiện.

Đây là lối kể sóng đôi rất phổ biến trong văn chương Nhật Bản. Thế nhưng sóng đôi của Murakami lại mang một nét lạ. Hai câu chuyện hoàn toàn biệt lập, hai con người hoàn toàn xa lạ, chứ không phải hai nhân vật quen biết nhau thay phiên kể một cốt truyện như ta thường thấy. Thế nhưng, dù xa lạ nhưng không rời rạc, tất cả đều đã được liên kết một cách tinh tế dưới bàn tay của Murakami. Càng đọc, ta càng nhìn rõ mối ràng buộc của hai cuộc hành trình, hóa ra cả Nakata và Kafka đều hướng chung về một cái đích.

Tinh hoa của nghệ thuật ẩn dụ

Murakami - bậc thầy của nghệ thuật ẩn dụ

“Kafka bên bờ biển” là một thế giới ẩn dụ. Mỗi sự việc, địa danh, hiện tượng, con người, thậm chí chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi cũng mang trong mình một ý nghĩa để tồn tại.

Với Kafka, cậu là biểu tượng cho khao khát tự do của con người. Dù ta chỉ đơn độc một mình, bất an trước một tương lai trần trụi đã được đóng cột sẵn, không thể nào thay đổi được. Dông bão là điều không thể tránh khỏi, nhưng với sức sống bất diệt, con người chắc chắn sẽ băng qua nó giống một cánh chim hải âu kiên cường.

Với Saeki, bà là biểu tượng cho vẻ đẹp truyền thống đã thuộc về quá khứ, chỉ có thể hoài niệm, không thể tìm lại ở thời hiện đại được nữa.

Với Oshima, anh là biểu tượng cho sự dị thường. Nhưng mọi tạo vật trên thế giới này xuất hiện đều có nguyên do của nó. Những gì ta cho là bất hợp lý, chẳng qua nằm ở sự áp đặt đến mức rập khuôn của chính ta mà thôi.

Với Nakata, lão là biểu tượng cho sự trống rỗng, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Đó là một điểm chết luôn tồn tại trong mỗi con người, bất cứ lúc nào cũng có thể trồi lên và nuốt chửng ta từ lúc nào không hay. Không thể hoài niệm, không khao khát gì ở tương lai, hiện tại nhàm chán như một dây chuyền đã sắp sẵn. Đó không phải là sống, chỉ là tìm cách để tồn tại mà thôi.

Với Hoshino, gã là biểu tượng cho sự tái sinh. Từ một kẻ lầm lỡ trong quá khứ, sống lang bang mất phương hướng, cuối cùng cũng tìm được con đường thực sự của chính mình. Phạm sai lầm dù lớn hay nhỏ, không đồng nghĩa đã đặt một dấu chấm hết cho cuộc đời. Ta hoàn toàn có thể cầm bút viết lại một câu chuyện mới, với những câu chữ đầy ắp niềm tin và hy vọng.

Với Johnnie Walker, ông là biểu tượng cho vẻ đẹp đã nhuộm màu tà ác. Nghệ thuật của Johnnie Walker giống như một bông hoa độc mang một vỏ bọc thanh tao, nhưng bên trong lại điên loạn, ích kỷ đến mức độc đoán. Nghệ thuật dù xuất sắc đến mức nào, nhưng nếu phục vụ cho cái ác, phải chăng chỉ đem đến những cơn ác mộng kinh hoàng cho nhân loại?

Kết thúc là một khởi đầu mới

“Kafka bên bờ biển” không phải là một cuốn sách dễ đọc. Đó là một mê cung được bàn tay ma lực của Haruki Murakami tạo ra. Mỗi viên gạch được đắp lên chính là vốn sống, vốn kiến thức được hun đúc trong nhiều năm qua của chính tác giả. Là bút pháp siêu thực kỳ ảo, bi kịch Hy Lạp, hiện tượng linh hồn sống, những tổn thương tâm lý, và những hiểu biết phong phú về âm nhạc, điện ảnh, văn học...

Với Murakami, kết thúc một câu chuyện, không phải đặt dấu chấm hết cho tác phẩm đó. Đọc đến dòng cuối cùng của “Kafka bên bờ biển” chưa chắc độc giả đã hoàn toàn hiểu được ý nghĩa thực sự của nó, khúc mắc chưa thể tháo gỡ, câu hỏi vẫn bị bỏ ngỏ không lời giải. Và cách duy nhất để tìm ra đáp án chính là đọc lại cuốn sách từ đầu, giống như tác giả từng tâm sự: “Bí quyết để hiểu hết tác phẩm này nằm ở chỗ đọc nó nhiều lần. Tôi nghĩ Kafka bên bờ biển cũng bõ đọc nhiều lần”.

Suy nghĩ của mỗi người khi đọc xong “Kafka bên bờ biển” luôn không giống nhau. Không ngòi bút nào có thể diễn tả hết sự đa chiều, vốn kiến thức sâu rộng, ý nghĩa được hàm chứa đằng sau mỗi con chữ của tác phẩm này. Vốn dĩ, sức sống của nó từ lâu đã vượt qua những khuôn khổ thông thường, trở thành một rễ cây cổ thụ cắm sâu vào vùng đất tưởng tượng của mỗi độc giả.

Với những người hâm mộ của Haruki Murakami, “Kafka bên bờ biển” giống như một món ăn thân thuộc, nhưng thêm chút vị lạ và hấp dẫn. Còn những người mới tiếp cận tác phẩm của ông, giống như Steven Moore nhận định: “Kafka bên bờ biển” sẽ là lời giải thích xuất sắc cho tiếng tăm xứng đáng của ông cả ở phương Tây lẫn quê nhà.

Xuân Quỳnh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/kafka-ben-bo-bien-me-cung-khong-loi-thoat