Itaewon những ngày đại tang: 'Hy vọng ở nơi đó... bạn có thể thở thoải mái'

Mùa thu vẫn còn dang dở, đường phố Seoul rực rỡ màu vàng tươi non của những tán ngân hạnh và lá phong đỏ rực. Ở góc phố Tây khu Itaewon những ngày này, chỉ còn lại những giọt nước mắt...

Thảm họa đêm Halloween đi qua để lại Itaewon những ngày này là khung cảnh u ám, tang tóc bao trùm. 156 mảnh đời đã kết thúc trong con hẻm hẹp trải dài từ quán bar theo chủ đề Hawaii rợp bóng cây cọ, băng qua một câu lạc bộ izakaya và hip hop của Nhật Bản đến tuyến phố chính ở Itaewon. Độ tuổi trẻ trung, gương mặt tràn đầy sức sống của hàng trăm nạn nhân như xát muối vào trái tim của người ở lại.

Những ngày đại tang ở Itaewon chỉ còn là những ám ảnh cùng nỗi xót xa khôn cùng. Dọc khắp lối ra của ga Itaewon là quãng dài với hàng nghìn bông hoa cùng lời nhắn mà người dân khắp cả nước đến để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Dù chẳng phải người thân, người quen hay một mối liên hệ nào, nhưng sự ra đi đầy đau đớn của ngần ấy con người khiến bất kể ai cũng không kìm nổi nước mắt.

Hy vọng ở nơi xa, bạn có thể thở thoải mái...

"Anh xin lỗi vì không thể che chở cho em. Mong em yên nghỉ nơi thiên đàng",

"Buồn quá, ai cũng buồn. Mong em ngủ yên nhé, bé ngoan",

"Hãy đến một thế giới tốt đẹp hơn nhé chàng trai tốt bụng",

"Mình hy vọng rằng ở nơi đó bạn có thể thở thoái mái hơn",

"Mong anh yên giấc ngàn thu. Hãy sống hết mình ở một thế giới tốt đẹp hơn nhé",

“Hãy đến 1 nơi thật tốt đẹp, tận hưởng tuổi trẻ của mình 1 cách trọn vẹn và hạnh phúc nhất. Tôi xin lỗi vì không thể làm bất cứ điều gì”,...

... Là những lời nhắn trong hàng trăm tờ note đã được người dân để lại dọc khắp hành lang lối đi đoạn ga Itaewon.

Hàng nghìn lời tưởng niệm người dân gửi đến, tiếc thương trước sự ra đi quá đỗi đột ngột của những sinh mạng xấu số. Nhưng có lẽ, đó cũng là cách họ xoa dịu đi phần nào nỗi đau đớn trong lòng của chính mình. Khi mà nỗi ám ảnh đã thực sự bủa vây người dân Hàn Quốc sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon.

Đất nước Hàn Quốc đã phải mất rất nhiều thời gian, 5 năm, 8 năm để vơi đi ám ảnh về thảm họa chìm tàu Sewol (16/4/2014). Nhưng nay thì chẳng ai có thể ngờ, giữa thủ đô Seoul văn minh, hiện đại, có 156 người trẻ thiệt mạng, trong một ngày đáng lẽ ra sẽ là một kỷ niệm vui tươi, sống động nhất của tuổi trẻ.

"Làm ơn đừng động vào mâm cơm này. Phải để cho lũ nhỏ ăn một bữa cơm chứ!"

Đó là lời năn nỉ của bác chủ quán ở Itaewon khi bị Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường đã tiến lại nhắc nhở bác chủ quán: "Bác không được để đồ ăn ở đây đâu. Chỗ này người không phận sự không được ra vào."

Hóa ra người đàn ông dáng vẻ lụ khụ, lưng khòm xuống, trên tay bê một mâm cơm muốn đặt ở chỗ con hẻm nơi xảy ra vụ việc là để tưởng niệm. Bữa cơm đơn giản của bác muốn an ủi những nạn nhân xấu số đã mất. Sau cùng nỗi lo của người ở lại vẫn là ở nơi xa nào đó, họ sẽ không bị đau, sẽ không bị đói.

- "Làm ơn đừng động vào mâm cơm này. Phải để cho lũ nhỏ ăn một bữa cơm chứ!", nói rồi bác chủ quán quỳ sụp xuống đất, bật khóc nức nở.

Sinh sống tại con phố này, có lẽ bác chủ quán chính là một trong những người ám ảnh nhất những ngày vừa qua. Không biết trong số những nạn nhân kia có ai là người thân của bác chủ quán không nhưng hình ảnh người đàn ông khom lưng, lặng lẽ quỳ gối, rồi dập đầu cúi lạy khiến tất cả chứng kiến phải nghẹn lòng, đau xót.

Càng xót xa hơn nữa khi nghĩ về người thiệt mạng tại con hẻm "ác mộng" ở Itaewon đều đang ở độ tuổi đôi mươi, trong đó nạn nhân trẻ nhất chỉ mới 15 tuổi. Ở độ tuổi thanh xuân rực rỡ, căng tràn sức sống nhất của đời người, họ đã đau đớn, nằm lại mãi mãi tại con hẻm nhỏ ở Itaewon.

Họ chỉ là những người trẻ vô tội muốn vui chơi mà thôi

Thảm kịch qua đi, nhưng chắc chắn người dân xứ củ sâm vẫn sẽ khó mà chữa lành nỗi ám ảnh về sự việc. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằn đây không phải là bi kịch của riêng ai. Với tư cách là người làm cha, làm mẹ, dĩ nhiên họ không muốn cho con đi chơi. Nhưng có ai đủ nhẫn tâm ngăn cấm khi con nói rằng nó chưa được đi chơi đúng nghĩa sau khi tốt nghiệp trung học.

Bi kịch xảy ra, Hàn Quốc đang ráo riết tìm ra một nhân vật, một thứ gì đó để đổ lỗi. Rất nhiều bình luận dưới các bài viết về Itaewon những ngày này là: "Ai bảo đi chơi làm gì? Ở nhà thì đâu xảy ra chuyện? Tự nhiên bỏ mạng vì cái lễ hội Halloween vớ vẩn này". Vô hình chung, những lời nói đó như xát muối vào gia đình những nạn nhân.

Giáo sư Park Seung-hee của Đại học Sungkyunkwan cho rằng: "Những bạn trẻ ở xã hội hiện đại có rất nhiều áp lực đè nén từ việc học cho đến những kỳ thi tàn khốc. Họ chỉ có thể giải tỏa căng thẳng vào việc gặp gỡ nhau, uống rượu, tâm sự với bạn bè. Như vậy có gì là xấu?"

Tai nạn có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Sân vận động Jamsil? Sông Hàn? Concert? Sẽ không phải là Halloween mà là một sự kiện nào đó thì sao? Sao lại lôi vấn đề "đạo đức" ra để trách người trẻ?

Có lẽ cho đến thật lâu sau này, người dân Hàn Quốc vẫn chưa hết ám ảnh, đau xót bởi cảnh tượng từng lớp người chồng đè lên nhau từng phát nhan nhản trong các clip trên mạng xã hội. Họ đều là những thanh thiếu niên còn quá trẻ tuổi và suy cho cùng họ chỉ là những đứa trẻ vô tội muốn vui chơi mà thôi.

Thiên An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/itaewon-nhung-ngay-dai-tang-hy-vong-o-do-ban-co-the-tho-thoai-mai-202211051620400223.html