Internet: Kênh đào tạo nghề cần được chú trọng

GD&TĐ - Theo số liệu mới đây của Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế, tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng internet, đạt mức thâm nhập/dân số là 48%.

Độ tuổi người sử dụng internet thấp hơn độ tuổi bình quân của dân số, đa số người sử dụng internet có trình độ đại học, cao đẳng với tỉ lệ 46%… Mức độ sử dụng Internet hiện nay của giới trẻ, được xem là một kênh lớn để các cơ sở đào tạo nghề thu hút học sinh, sinh viên và phát triển đào tạo nghề online.

Marketing online - Mối quan tâm hàng đầu

Nhận thức về vai trò của internet, có đến 98,8% sinh viên cho rằng internet là rất cần thiết hoặc cần thiết đối với cá nhân của họ. Chi tiết hơn về nhận thức của sinh viên đối với vai trò của internet theo từng đối tượng sinh viên, mức độ cần thiết của internet giữa sinh viên các ngành học khác nhau.

Theo đó, tỷ lệ sinh viên khối ngành kỹ thuật gồm cơ khí, công nghệ thông tin… nhận thức mức độ “rất cần thiết” cao hơn các ngành khác. Điều này có thể được lý giải là do internet cũng là một sản phẩm công nghệ, đặc biệt liên quan đến công nghệ thông tin, nên sinh viên khối ngành này đánh giá cao vai trò của internet là điều tất yếu.

Trong lĩnh vực dạy nghề, báo cáo Netcitizens Việt Nam năm 2012 cho biết, lượng người tự tìm các thông tin trên internet để tìm hiểu về dạy nghề chiếm đến 20% lượng người sử dụng internet.

Xu thế hội nhập quốc tế, đang góp phần đáng kể thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam, với sự tham gia của rất nhiều cơ sở đào tạo nghề đến từ những tập đoàn lớn ở nước ngoài và những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước đang đứng trước yêu cầu cấp bách về đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề, đồng thời thu hút học sinh, sinh viên tham gia học nghề.

Vì vậy, ngoài việc quan tâm đến việc phát triển nội dung, chương trình, phương pháp, cơ sở vật chất… thì việc chuyển tải thông tin đến người học nghề, trong đó thông qua kênh marketing online là một mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều cơ sở đào tạo nghề.

Vận dụng vào dạy nghề

Theo ông Nguyễn Quang Hùng (Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề), triển khai internet marketing có 6 kênh đã được kiểm định bởi nhiều đơn vị, ngành nghề kinh doanh, có thể vận dụng trong ngành dạy nghề.

Trong đó, việc xây dựng website được coi là quan trọng nhất và đảm bảo thành công của các hoạt động sau này. website các cơ sở dạy nghề cần phải được đầu tư nội dung kĩ lưỡng và phải đạt các yếu tố như: Tập trung giới thiệu hoặc tư vấn một số nghề mà khách hàng quan tâm, không nên tập trung vào nhiều nghề sẽ bị loãng nội dung và khó cạnh tranh; Khi thiết kế website chú trọng vào việc khách hàng sẽ tìm thấy thông tin tư vấn về nghề nghiệp và nhu cầu, cơ hội lập nghiệp dễ dàng nhất.

Không rườm rà về thiết kế vì thực tế khách hàng chỉ quan tâm đến nội dung của website; tối ưu để website trở nên thân thiện với các công cụ tìm kiếm (SEO), từ đó có thứ hạng cao hơn, gia tăng lượng truy cập...

Kênh tiếp thị thông qua công cụ tìm kiếm SEO, do người học nghề thường tìm câu trả lời về nghề của mình thông qua Google nên việc thực hiện SEO các câu hỏi, các từ khóa liên quan đến nghề mà đơn vị doanh nghiệp cung cấp rất quan trọng. Đây là kênh online marketing chính mang lại hiệu quả cao nhất.

Với kênh online marketing này các cơ sở đào tạo nghề có thể xây dựng hệ thống các câu hỏi liên quan đến nghề để khi người học nghề search về nghề trên Google sẽ tìm ra câu trả lời tại website cơ sở; Đưa ra các bài trải nghiệm của người thật việc thật sau khi học để tăng tính thuyết phục...

Hiện nay, kênh SEO chiếm đến 80% lượng người tìm kiếm thông tin nghề trên internet, nên để đạt hiệu quả cao trong việc marketing trên internet thì các cơ sở dạy nghề không nên bỏ qua kênh này. Ngoài ra, tiếp thị thông qua YouTube; Xây dựng Fanpage và Group; Xây dựng bản tin điện tử và gửi định kỳ và PR online cũng là các kênh tiếp thị hiệu quả cần được cơ sở chú ý vận dụng vào quá trình đào tạo nghề hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, việc triển khai marketing online với ngành dạy nghề cần phải đi theo hướng đáp ứng nhu cầu của người học khi tìm hiểu thông tin về nghề của mình. Không những quảng cáo trực tiếp về cơ sở đào tạo mà còn cung cấp cho người đọc kiến thức về nghề nghiệp, phù hợp với nhu cầu học nghề cho khách hàng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/internet-kenh-dao-tao-nghe-can-duoc-chu-trong-2454190-b.html