Indonesia thu hồi hàng ngàn giấy phép khai thác giữa bối cảnh cấm xuất khẩu than nghiêm ngặt

Indonesia vẫn giữ nguyên quyết định về lệnh cấm xuất khẩu than vào tháng 1 do lo ngại về việc thiếu nhiên liệu gây ra tình trạng mất điện tại địa phương kéo dài, chính phủ nhà nước hôm thứ 5 vừa qua đã thu hồi hơn 2.000 giấy phép khai thác than từ nhiều nhà khai thác trên toàn quốc.

Bộ Năng lượng Indonesia vào ngày 1 tháng 1 đã khiến các nhà xuất khẩu than bất ngờ khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu kéo dài một tháng, có hiệu lực đến tận cuối tháng 1 này.

Than trong một kho chứa tại một nhà máy điện Indonesia ở Suralaya, tỉnh Banten. Ảnh: Reuters.

Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại lời cầu cứu của cơ quan tiện ích bang Perusahaan Listrik Negara về việc dự trữ than ở mức cực thấp sẽ ảnh hưởng đến lưới điện phục vụ các đảo Java và Bali và ước tính có khoảng 10 triệu khách hàng.

Theo báo chí địa phương, lệnh cấm dự kiến sẽ được xem xét lại sau ngày thứ 4 tuần qua vì một số nhà sản xuất than đã bắt đầu chuyển hướng các lô hàng của họ - ban đầu bị ràng buộc ở nước ngoài - để cung cấp cho Công ty điện nhà nước. Tuy nhiên, vào thứ 5, vẫn chưa rõ liệu lệnh cấm có sớm được nới lỏng hay không.

Hendra Sinadia, giám đốc điều hành của Hiệp hội khai thác than Indonesia, nói với Nikkei Asia hôm thứ 5 rằng “Chúng tôi vẫn đang chờ một cuộc họp với chính phủ để có được sự chắc chắn về chính sách xuất khẩu. Cuộc họp ban đầu được lên kế hoạch vào sáng ngày thứ 4, nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn về thời gian nó được tổ chức.”

Thay vào đó, sau lời đe dọa của Tổng thống Joko Widodo hôm thứ 2 rằng sẽ thu hồi giấy phép của những công ty không đáp ứng được nghĩa vụ cung cấp than cho Công ty điện nhà nước tại thị trường nội địa, vào hôm thứ 5, Tổng thống đã thông báo rằng chính phủ đã thu hồi tới 2.078 giấy phép khai thác. Ông không đề cập cụ thể đến việc giấy phép khai thác này có liên quan đến than, nhưng người ta tin rằng hầu hết các giấy phép đều thuộc về các công ty khai thác than.

Widodo nói: “Chính phủ sẽ tiếp tục thu dọn và nới lỏng các giấy phép kinh doanh với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ thu hồi các giấy phép đã được sử dụng sai mục đích”.

Theo chính sách Nghĩa vụ Thị trường Nội địa của Indonesia, các công ty khai thác than phải cung cấp 25% sản lượng hàng năm cho thị trường địa phương. Giá than trong nước được giới hạn ở mức 70 USD/tấn theo chính sách, thấp hơn một nửa so với giá thị trường hiện hành.

Công ty điện nhà nước Indonesia cho biết họ cần ít nhất 20 triệu tấn than - đủ cho 20 ngày hoạt động - để đảm bảo cung cấp điện ổn định. Vào thứ 4, công ty cho biết họ đã đảm bảo các cam kết mới đối với 3,2 triệu tấn than bên cạnh 10,7 triệu tấn theo các hợp đồng hiện có, có nghĩa là họ vẫn thiếu 6,1 triệu tấn trong cam kết.

Bộ trưởng Năng lượng Arifin Tasrif nói với các phóng viên địa phương vào hôm thứ 3 rằng hai nhà máy điện lớn với tổng công suất 5,4 gigawatt phục vụ các đảo Java, Madura và Bali đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng” do thiếu than.

Một quan chức khác của Bộ Năng lượng, Ridwan Jamaludin, nói với đài truyền hình địa phương Antara trước đó rằng 20 nhà máy điện với tổng công suất gần 11 gigawatt - tương đương 15% tổng công suất phát điện của Indonesia - có thể bị mất điện và có khả năng ảnh hưởng đến hơn 10 triệu khách hàng.

Tasrif cho biết Bộ đã được thông báo về nguồn cung than thắt chặt từ tháng 8 nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm, dẫn đến quyết định áp đặt lệnh cấm. Ông cho rằng tình trạng thiếu than do giá thị trường quốc tế cao, khiến nhiều công ty khai thác trong nước từ bỏ nghĩa vụ xuất khẩu trên thị trường nội địa.

Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir cho biết chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ nghĩa vụ đóng góp cho thị trường trong nước của các thợ mỏ hàng tháng, thay vì hàng năm như thông lệ. Ông cho biết thêm, công ty khai thác than thuộc sở hữu nhà nước Bukit Asam sẽ được yêu cầu tăng sản lượng và đóng góp vào kho dự trữ than của Công ty điện quốc gia, và các hợp đồng dài hạn với công ty sẽ được thảo luận để ngăn chặn các vấn đề tương tự trong tương lai.

Lệnh cấm xuất khẩu than hiện đang ảnh hưởng nặng nề đến các nhà xuất khẩu than của Indonesia. Sinadia của Hiệp hội Khai thác Than Indonesia cho biết các nhà xuất khẩu có thể bị thiếu hụt ít nhất 40.000 USD mỗi ngày do chi phí tiêu thụ do sự chậm trễ của lô hàng. Hôm thứ 5, công ty khai thác than Indo Tambangraya Megah đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng do lệnh cấm này gây ra.

Citi cho biết: “Chúng tôi ước tính khoảng 490 trong số 631 công ty khai thác than chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho thị trường trong nước của họ. Các công ty khai thác than này sản xuất 35-40% tổng sản lượng của Indonesia, nhưng lệnh cấm xuất khẩu của họ có thể ảnh hưởng rộng hơn đến thị trường toàn cầu”.

City nói thêm: “Giả sử chỉ những công ty khai thác than không tuân thủ đóng góp cho thị trường trong nước sẽ tiếp tục tuân theo lệnh cấm xuất khẩu cho đến cuối tháng 1, chúng tôi ước tính điều này có thể ảnh hưởng đến khoảng 10% nguồn cung cấp than nhiệt trên toàn cầu trong tháng 1 này”.

Huy Hoàng (Theo Asia Nikkei)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/indonesia-thu-hoi-hang-ngan-giay-phep-khai-thac-giua-boi-canh-cam-xuat-khau-than-nghiem-ngat-post176697.html