IMF kêu gọi Thái Lan xóa bỏ chương trình trợ giá lúa gạo

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa kêu gọi Chính phủ Thái Lan xóa bỏ chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân và thu hẹp quy mô một số biện pháp kích thích tài chính khác để cân bằng ngân sách và kiềm chế sự gia tăng của nợ công.

Ảnh minh họa. (Nguồn: chiangraitimes.com)

Trong báo cáo đánh giá thường niên về nền kinh tế Thái Lan công bố hôm 11/11, IMF nhấn mạnh cam kết trả cho nông dân cao hơn 40% so với giá gạo trên thị trường sẽ khiến Chính phủ Thái Lan “không thể tránh khỏi” các khoản thua lỗ và số tiền 410 tỷ baht dành cho chương trình này không thể chi trả cho tất cả các khoản lỗ này.

Theo hãng tin Reuters, chương trình trợ giá lúa gạo mà Chính phủ Thái Lan đã triển khai từ tháng 10/2011 đã gây thiệt hại 136 tỷ baht (4,3 tỷ USD) cho ngân sách trong niên vụ 2011/12. Sau đó, Chính phủ Thái Lan đã ngừng công bố thông tin về các khoản lỗ từ chương trình này. Tuy nhiên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Bộ trưởng Tài chính Pridiyathorn Devakula gần đây đã ước tính tổng số lỗ từ chương trình này lên tới 425 tỷ baht.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của IMF đề xuất thay thế chương trình trợ giá lúa gạo bằng các khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các hộ nông nghiệp có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, IMF khẳng định việc thu hẹp quy mô các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng có thể có ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn về mặt kinh tế so với dự đoán và làm giảm thu nhập của người nông dân.

Phản ứng trước báo cáo trên của IMF, các quan chức Thái Lan khẳng định các chương trình của Chính phủ giúp tăng năng suất và khuyến khích nông dân đầu tư mua sắm các thiết bị mới. Tuy nhiên, theo Reuters, các quan chức Thái Lan cũng thừa nhận các mối quan ngại của các chuyên gia IMF về tính hiệu quả và sự minh bạch của chương trình trợ giá lúa gạo. Họ cho rằng việc giảm giá thu mua đã cam kết hoặc hạn chế số lượng mua vào có thể là những việc làm cần thiết để đảm bảo tính bền vững của chính sách này.

Cũng trong báo cáo trên, IMF nhấn mạnh các rủi ro từ các tổ chức tài chính được chuyên môn hóa (SFI) hay các ngân hàng quốc doanh chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ. Mặc dù hoạt động cho vay của các ngân hàng này chiếm tới 27% trong tổng doanh số cho vay trong hệ thống ngân hàng của Thái Lan năm ngoái nhưng công tác giám sát hoạt động của các tổ chức này vẫn còn yếu kém hơn so với các ngân hàng thương mại.

Vì vậy, IMF cho rằng Chính phủ Thái Lan cần cải thiện công tác giám sát các ngân hàng quốc doanh và các tổ chức tài chính phi ngân hàng đang phải đối mặt với các rủi ro tài chính ngày càng tăng.

Ngoài ra, IMF cũng khẳng định do Thái Lan đang tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro từ các dòng vốn biến đổi nhanh và môi trường toàn cầu bất ổn, Chính phủ nước này cần đảm bảo rằng họ có đủ tiền để đối phó với các cú sốc.

Theo IMF, thâm hụt ngân sách của chính quyền trung ương ở Thái Lan đã tăng lên 3,4% GDP trong tài khóa kết thúc vào tháng 9/2013 do nước này giảm thuế suất thuế công ty và nới lỏng một số loại thuế khác. IMF dự báo tỷ lệ nợ công/GDP của Thái Lan có thể sẽ tăng lên 53% vào cuối năm 2018.

Do vậy, các chuyên gia IMF khuyến nghị Chính phủ Thái Lan cần cân nhắc giảm các khoản trợ cấp năng lượng và tăng thuế thu nhập công ty hoặc xóa bỏ một số khoản giảm trừ thuế để thực hiện được các mục tiêu ngân sách của nước này./.

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/imf-keu-goi-thai-lan-xoa-bo-chuong-trinh-tro-gia-lua-gao/229774.vnp