IMF cảnh báo về tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, trong một báo cáo gần đây, hiện cả thế giới đang ngập chìm trong khoản nợ 152.000 tỷ USD.

IMF cảnh báo một cơn bão “nợ” đang được xây dựng trên nền kinh tế thế giới như một vòng luẩn quẩn của sự tăng trưởng chậm và nợ xấu. Ảnh: TOM ARCHER / Barcroft MEDIA

Theo báo cáo được IMF thực hiện mỗi năm hai lần mang tên Fiscal Monitor, tổng nợ trong các lĩnh vực phi tài chính của thế giới đã tăng hơn gấp đôi về giá trị danh nghĩa trong thời gian từ đầu thập niên 2000, đạt mức 152.000 USD vào năm ngoái và hiện tại con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, khối nợ toàn cầu cả công và tư, năm ngoái đã tương đương 225% GDP (tỷ lệ này tăng mạnh so với 200% năm 2000).

IMF cũng cho biết, 2/3 số nợ này là nợ của khu vực tư nhân. Phần còn lại chính là nợ công và tỷ lệ nợ công so với GDP của thế giới đã lên mức 85% vào năm ngoái, từ mức dưới 75% hồi đầu thập niên 2000.

Dù cơ cấu nợ của các nước khác nhau, báo cáo trên cũng cho biết mức độ khổng lồ của nó có thể gây nguy hiểm cho đà phục hồi kinh tế vốn đã rất mong manh của thế giới. Ông Vitor Gaspar, Giám đốc các vấn đề tài khóa của IMF cho biết: “Mức nợ cao của khu vực tư nhân là một rào cản lớn đối với sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu và là một rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Lịch sử cho thấy thế giới thường đánh giá thấp những rủi ro đi kèm với tình trạng gia tăng mức nợ của khu vực tư nhân”.

Theo IMF, phần lớn số nợ của khu vực tư nhân trên thế giới hiện nay là nợ vay từ thời kỳ bùng nổ cho vay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Sau khủng hoảng, các hộ gia đình và công ty tại các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu giảm nợ, nhưng việc giảm nợ diễn ra không đồng đều và trong một số trường hợp, mức nợ vẫn tăng. Chính phủ vì thế đã phải gánh nhiều khoản nợ xấu của các khu vực tư nhân.

Ngoài ra, lãi suất thấp cũng mang đến một làn sóng nợ của các công ty trong thị trường mới nổi. Mức nợ tư nhân hiện nay là cao ở cả hai quốc gia tiên tiến và một số thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil, nó được coi là rất quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

IMF cũng kêu gọi các nước không chỉ tăng hỗ trợ tài khóa, mà còn phải nới lỏng tiền tệ và đẩy nhanh tái cấu trúc để tăng hiệu suất hoạt động kinh tế. IMF cũng đánh dấu khu vực đồng Euro và Trung Quốc là những nền kinh tế mà đặc biệt quan trọng đối với quá trình giảm nợ.

Chính vì thế, một trong những biện pháp mà IMF đưa ra là Chính phủ có thể tăng tốc độ “tự nguyện” tái cơ cấu các khoản nợ tư nhân thông qua các biện pháp như trợ cấp cho các chủ nợ để kéo dài thời gian đáo hạn hoặc điều chỉnh bảng cân đối kế toán của các ngân hàng theo hướng tối thiểu hóa rủi ro cho nền kinh tế. Việc này cũng tương tự chương trình tái cấu trúc các khoản vay thế chấp mua nhà mà Mỹ đã thực hiện trong khủng hoảng tài chính.

Hồng Nhung (Theo Reuters, Bloomberg)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/imf-canh-bao-ve-tinh-trang-tri-tre-kinh-te-toan-cau.html