Im lìm Trịnh Thịnh

Căn hộ ở X3 phố Nguyễn An Ninh có cặp vợ chồng già cứ mỗi sáng, người chồng xách cặp lồng thong thả di chuyển từ trên lầu xuống phố ăn sáng rồi mua cho bà vợ ở nhà một món quà sáng khi thì phở, khi thì bún riêu, khi thì tấm bánh quà quê và cẩn thận xách lên nhà cho vợ. Năm nay nữa là tròn 58 năm ông bà sống với nhau trong cuộc hôn nhân đã đến đích của đám cưới kim cương. Đó chính là cặp vợ chồng NSND Trịnh Thịnh và bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh.

Ngóc ngách nhỏ nơi khu tập thể X3, ngõ 71, Nguyễn An Ninh từ trẻ con cho đến cụ già ai ai cũng quen thuộc với hình ảnh "ông già Robot Trịnh Thịnh" khi xuất hiện xuống phố, ông di chuyển hệt như người máy. Mọi người gặp Trịnh Thịnh đều buột cười. Không cố tình, không định sẽ bật lên cười khi thấy Trịnh Thịnh đang khó nhọc dịch chuyển như ông lão robot nhựa, nhưng cả người gặp lẫn Trịnh Thịnh đều nhìn nhau cười. Người gặp thì hễ quen đến mấy, cứ thấy cái mặt của NSND Trịnh Thịnh lúc nào cũng nghệt ra như "Đông Ky ra phố" là không nén nhịn được cảm giác buồn cười. Còn Trịnh Thịnh thì lúc nào cũng ngơ ngác, nghệt ngạc như "Đông ky ra phố" thật, thấy người đối diện cười thì cũng nhệch miệng ra cười, vừa duyên vừa ngố đáo để, trong khi đó, ông là người con trai Hà Nội gốc chính hiệu sinh ra ở phố Nhà Rượu, nay là phố Nguyễn Công Trứ. Trịnh Thịnh có một gương mặt đặc biệt gây cười. Dù ông không cố tình gây cười, không định diễn trò với ai trong thời buổi mệt nhọc vì tuổi tác và bệnh tật này nhưng khổ nỗi trời sinh ra ông như vậy, cái mặt đặc thù gây cười của ông đi đến đâu là mang lại tiếng cười đến đó. Trịnh Thịnh vẫn đều đặn ra phố mỗi sáng, gặp ai vẫn lại gây cười, thế nhưng thực tế thì trưởng lão diễn viên điện ảnh gạo cội của điện ảnh Việt Nam giờ đã rệu rã lắm. Trông diện mạo vẫn cao lớn, phương phi nhưng "nội thất" thì ọp ẹp lắm rồi. Sức khỏe gần như bạc nhược. Đã tròn 10 năm nay, Trịnh Thịnh im lìm trong căn nhà nhỏ của mình. Ông gần như chỉ xuống phố ăn sáng rồi trở về nhà ngồi lỳ trên chiếc ghế bành mà không buồn động đậy tay chân vì cảm giác mỏi mệt của tuổi già ập đến. 10 năm nay rồi, kể từ sau khi xuất hiện trong bộ phim cuối cùng của đời diễn viên là "Tết này ai đến xông nhà" của đạo diễn Trần Lực, Trịnh Thịnh đã đặt chân tới điểm cuối cùng bên kia đỉnh dốc vinh quang trong sự nghiệp điện ảnh mà ông đạt được. Cũng là bên kia đỉnh dốc của sức khỏe, tuổi tác và bệnh tật. 10 năm ấy, Trịnh Thịnh trải qua hai trận ốm thập tử nhất sinh. Trận thứ nhất là, vào năm 2001, Trịnh Thịnh phải trải qua cuộc phẫu thuật của căn bệnh u xơ tiền liệt tuyến. Sức khỏe chưa kịp hồi phục, thì năm 2003 tai họa bệnh tật lại ập đến khi ông phải vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu vì mê man trong suốt 8 ngày liền. Tất cả bạn bè, gia đình, tập thể y bác sỹ cứ ngỡ ông sẽ đi từ trận ấy, vì 8 ngày liên tục nhập viện trong tình trạng mê sảng, mê man bụng chướng to, đau đớn quằn quại và lịm đi. Không ngờ, sang đến ngày thứ 9, Trịnh Thịnh đột nhiên tỉnh lại. Lúc này bệnh viện mới quyết định mổ cho ông vì xác định được căn bệnh viêm tụy cấp và viêm túi mật. Mổ xong, Trịnh Thịnh sút đi 10kg, về nhà vẫn mang theo túi nilon, dây nhợ lằng nhằng bên hông. Hồi đó, tôi có đến thăm ông, nhìn ông nằm miết trên giường bệnh không trở dậy được, con gái ông mang những giò hoa treo lên khung cửa sổ để mỗi lần bố thức dậy mở mắt ra, nhìn thấy sự sống xanh tươi của thiên nhiên mà tiếp thêm sinh lực chiến đấu với bệnh tật. Lê lết độ một năm, Trịnh Thịnh phục hồi sức khỏe, đi lại được, ăn ngủ được và đến lúc ấy mới chắc mình thoát chết. Nhưng cũng từ độ ấy đến nay, Trịnh Thịnh hầu như không ra khỏi nhà, có chăng thì chỉ xuống phố, và tệ lắm nữa thì phải đi xe ôm vào bệnh viện để khám bệnh định kỳ. Trịnh Thịnh lặn xuống đời sống ồn ã náo nhiệt này, lặn xuống sau những vầng hào quang lung linh của màn bạc, của bao vai diễn để đời như: "Chung một dòng sông", "Chuyến xe bão táp", "Vợ chồng anh Lực", "Thị trấn yên tĩnh", "Đông Ky ra phố", "Đông Dương", "Xích lô", v.v... Ông lặn xuống một hơi, im lìm sau đỉnh vinh quang mà ông đã gặt hái danh vọng. Giờ đây, Trịnh Thịnh có một người bạn vật bất ly thân đấy là chiếc rađiô nhỏ chỉ bằng cuốn sổ tay con con lúc nào cũng để kè kè bên mình. Ngồi trên ghế bành thì đài để trên bàn, nằm ngủ thì đài để bên tai, người bạn nhỏ này cung cấp thông tin Đông, Tây, Nam, Bắc, trong nước và thế giới cho ông, giúp ông già lười nhác đọc báo và lười vận động vẫn có thể cập nhật được mọi tin tức thời sự. Thứ nữa, hỏi ông có quan tâm đến đời sống điện ảnh hôm nay không, ông buồn bã lắc đầu. Ông bảo, con gái lắp truyền hình cáp nên ông thường xem phim truyện ở các kênh nước ngoài. Xem phim Việt Nam thấy chán cho bản thân mình, vì cái đoạn trường ấy mình từng đã trải qua hết, giờ xem bọn trẻ diễn, thấy buồn bực vì nhiều diễn viên diễn xuất ngớ ngẩn quá, càng xem càng thấy tức anh ách. Phim Việt mình hiếm có phim hay hấp dẫn lắm. Hỏi ông có nhớ nghề, nhớ nghiệp không, Trịnh Thịnh thở dài: Nhớ lắm chứ, 40 năm lăn lộn sóng gió cùng nghiệp diễn, bao nhiêu bài bản, ngón nghề mình học được từ đời diễn của mình, giờ đành bỏ không, lãng phí, thấy tiếc lắm, tiếc đến xa xót nhưng lực bất tòng tâm. Mình bây giờ đã gần như nằm ngoài dòng chảy của cuộc sống, cuộc đời rồi, mình không theo kịp nữa, đành phải đi chậm, sống chậm và tìm lấy sự thanh thản, bằng an trong tâm hồn mình ở những tháng ngày còn lại

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyende/2009/8/53138.cand