IELTS 5.5 có còn phù hợp để xét tuyển đại học?

Nhiều trường đại học xét tuyển những thí sinh có IELTS 5.5 trở lên. Chuyên gia nhận định mức điểm này hợp lý, nhưng vẫn còn bất cập trong một số trường hợp.

Trong số các trường đã công bố, hầu hết trường chấp nhận IELTS bắt đầu từ mức 5.5. Ảnh: BC.

Tính đến ngày 9/1, khoảng 18 trường đại học trên cả nước đã thông báo chỉ tiêu cùng các phương thức tuyển sinh cho nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo. Trong đó, nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS.

Khi đặt ra điều kiện tuyển sinh bằng IELTS, các trường đại học thường ưu tiên xét tuyển; quy đổi chứng chỉ theo thang điểm riêng kết hợp với điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT để tính điểm xét tuyển. Trong số các trường đã công bố, hầu hết trường chấp nhận IELTS bắt đầu từ mức 5.5.

Nhiều trường đặt mức IELTS 5.5 để xét tuyển

Năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân dành 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Một trong các đối tượng có thể xét tuyển kết hợp là thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, hoặc kết hợp với điểm các kỳ đánh giá năng lực và đánh giá tư duy (HSA, APT, TSA).

Nếu xét theo phương thức này, điểm xét tuyển được tính như sau:

Điểm xét tuyển = Điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh + điểm quy đổi HSA/APT/TSA x 2/3;
Điểm xét tuyển = Điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh + điểm 2 môn (gồm Toán và một môn bất kỳ trừ tiếng Anh, thuộc tổ hợp xét tuyển của trường) + cộng điểm ưu tiên.

Nếu đạt IELTS 5.5, thí sinh có thể quy đổi thành 8 điểm.

Tương tự, Đại học Luật TP.HCM cũng xét tuyển sớm với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Một trong những yêu cầu là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5. Đồng thời, tổng điểm trung bình cộng 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 22,5 trở lên.

IELTS 5.5 cũng là tấm vé để thí sinh có thể trúng tuyển vào Đại học Công nghiệp TP.HCM. Theo đó, trường ưu tiên tuyển sinh học sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tương đương.

Những học sinh này đồng thời phải có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (lớp 12) từ 21 trở lên. Riêng thí sinh đăng ký ngành Dược học, điều kiện là học lực lớp 12 xếp loại giỏi và tổng điểm ba môn trong tổ hợp đạt 24.

Tương tự, Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, tiếng Nhật) và sẽ quy đổi theo thang điểm 10.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên sẽ được quy đổi, lần lượt là: 5.0 tương đương 9 điểm, 5.5 tương đương 9,5 điểm và từ 6.0 trở lên được quy thành điểm 10.

Đại học Hoa Sen sẽ xét tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 5.5 trở lên. Điều kiện để đăng ký xét tuyển theo phương thức này là thí sinh phải tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT và chứng chỉ phải còn hạn đến ngày xét tuyển.

Người học đạt IELTS 5.5 có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và ứng dụng vào học tập và làm việc. Ảnh: Adobe Stock.

IELTS 5.5 phù hợp để xét tuyển

Bàn về ngưỡng xét tuyển IELTS 5.5 của các trường đại học như hiện tại, nghiên cứu sinh, tiến sĩ Lê Đình Hiếu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ Tổ chức Giáo dục MAX Education, nhận định các trường đại học sử dụng IELTS 5.5 để xét tuyển là tương đối hợp lý.

Anh Hiếu lấy ví dụ ở Mỹ, hầu hết trường lấy điểm IELTS 6.0-6.5 để xét tuyển đại học, chỉ nhỉnh hơn mức IELTS 5.5 một chút.

Trong khi đó, nếu xét theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR), chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mức IELTS 5.5 tương đương với mức trên B1, cận B2. Có nghĩa là người học đạt IELTS 5.5 có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và ứng dụng vào học tập và làm việc.

“Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng các trường đại học Việt Nam sử dụng IELTS 5.5 để xét tuyển đại học là không quá thấp, tương đối phù hợp", anh Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, dưới góc độ người nghiên cứu về giáo dục, anh Hiếu kỳ vọng các trường đại học lớn của Việt Nam nên tiếp tục nâng chuẩn, có thể sử dụng từ mức IELTS 6.0-6.5 để xét tuyển đại học. Điều này nhằm định vị đẳng cấp các trường, đồng thời tiệm cận với các trường đại học trên thế giới.

Đồng quan điểm, thầy Trình Đạt, giáo viên môn Tiếng Anh ở Hà Nội, đánh giá mức điểm 5.5 IELTS để xét tuyển đại học là ổn, không quá cao, không quá thấp. Tuy nhiên, thầy Đạt cũng cho rằng mức điểm này đôi khi sẽ không phù hợp nếu tuyển sinh chung tất cả ngành.

Theo thầy, một trường có hàng chục ngành, chuyên ngành khác nhau, chương trình học và phương thức đào tạo cũng khác nhau. Nếu trường áp chung một tiêu chuẩn IELTS cho tất cả ngành, sẽ xảy ra trường hợp mức này quá cao cho ngành này nhưng lại quá thấp cho ngành khác.

Thầy Đạt lấy ví dụ trường lấy mức chuẩn 5.5 IELTS cho thí sinh đăng ký vào các ngành liên quan tiếng Anh sẽ hợp lý vì nếu chọn ngành này, các em cần có nền tảng tiếng Anh tốt. Trường đặt chuẩn đầu vào như vậy sẽ đảm bảo “lọc” được những thí sinh có trình độ tiếng Anh phù hợp để theo đuổi chương trình học.

Bên cạnh đó, thầy Đạt cũng cho rằng việc sử dụng một mức điểm IELTS chung cũng gây ra bất cập là có thể làm giảm cơ hội cạnh tranh của những thí sinh tiềm năng, thậm chí là thí sinh giỏi.

Đôi khi, các bạn giỏi ở lĩnh vực đó nhưng thiếu chứng chỉ tiếng Anh nên lại mất suất vào trường. Điều này vô hình trung lại làm giảm sự linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đồng thời giảm chất lượng của sinh viên đầu vào.

Thầy giáo nhấn mạnh rằng cá nhân một đầu điểm chứng chỉ ngoại ngữ không thể đánh giá trình độ của một học sinh và còn phải dựa vào những đầu điểm ở các môn khác. Do đó, thầy đề xuất thay vì dùng một chuẩn chung cho tất cả ngành học, các trường có thể đặt ra chuẩn riêng cho từng ngành/nhóm ngành.

Ví dụ những ngành đặc thù, yêu cầu thí sinh phải thực sự giỏi tiếng Anh, trường có thể lấy chuẩn đầu vào IELTS hoặc các chứng chỉ khác cao hơn một chút.

Còn với những ngành không liên quan tiếng Anh, hoặc không yêu cầu thí sinh phải giỏi tiếng Anh mới có thể học tốt, trường chỉ nên dùng chứng chỉ ngoại ngữ như một điểm cộng, thay vì lấy đó là điều kiện cần khi xét tuyển.

Thầy giáo nêu rằng việc dùng IELTS như một điểm cộng sẽ tạo cơ hội cho những thí sinh tiềm năng. Có thể đầu vào các bạn chưa có khả năng tiếng Anh quá tốt, nhưng thầy Đạt tin những sinh viên tiềm năng có thể nâng cao trình độ của mình trong tương lai để hội nhập thị trường việc làm tốt hơn.

Còn về việc quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh thành điểm môn Tiếng Anh, thầy Đạt đề xuất các trường chỉ nên dùng thang điểm 10, tránh dùng thang điểm 15 hoặc 20 vì sẽ gây khó khăn cho thí sinh khi tính điểm.

Ngoài ra, thầy cũng mong các trường dùng một khung quy đổi chung để thí sinh yên tâm hơn, mỗi trường một kiểu quy đổi sẽ khiến thí sinh hoang mang vì cùng một mức điểm trên chứng chỉ nhưng quy đổi vào trường này thì đầu, quy đổi ở trường kia lại thành trượt.

Ngọc Bích - Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/ielts-55-co-con-phu-hop-de-xet-tuyen-dai-hoc-post1453860.html