I-rắc nhuốm màu chia rẽ và bạo lực

Từ đầu năm nay, tại I-rắc liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình của người Hồi giáo dòng Xun-nít phản đối tình trạng phân biệt đối xử của chính quyền Thủ tướng người Si-ít N.Ma-li-ki.

Hiện trường một vụ đánh bom ở TP Ki-cúc của I-rắc.

Các vụ đánh bom, khủng bố vẫn xảy ra hằng ngày. Hơn mười năm sau ngày quân đội Mỹ lật đổ chế độ tại I-rắc, đất nước này vẫn trong khủng hoảng chính trị sâu sắc và bạo lực kéo dài.

Những người Hồi giáo dòng Xun-nít, vốn "thất sủng" kể từ sau khi chế độ X.Hu-xê-in sụp đổ, đang bày tỏ sự bất mãn với chế độ hiện nay của đa số người Si-ít. Họ cho rằng mình bị "gạt ra rìa" và cáo buộc Thủ tướng N.Ma-li-ki sử dụng bộ máy tư pháp để trấn áp các đối thủ chính trị. Đã có bốn bộ trưởng người Xun-nít trong chính phủ của Thủ tướng N.Ma-li-ki từ chức kể từ ngày 1-3. Chính phủ của ông Ma-li-ki ngày càng chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái người Xun-nít, Si-ít và người Cuốc chung quanh vấn đề chia sẻ quyền lực. Kể từ đầu năm 2012, các cuộc phản kháng hàng loạt theo kiểu "Mùa xuân A-rập" đã nổ ra ở các tỉnh phía bắc và tây Bát-đa, nơi đa số là người Xun-nít sinh sống. Ngòi nổ của các cuộc biểu tình bắt nguồn từ sau vụ bắt giữ hơn 100 người trong phe thân cận của Bộ trưởng Tài chính người Xun-nít R.Ít-xa-uy. Tiếp đó, lực lượng cảnh sát do thủ tướng kiểm soát đã buộc một phó thủ tướng người Xun-nít phải sống lưu vong năm 2011. Trong khi đó, làn sóng nổi dậy của người Hồi giáo dòng Xun-nít ở các nước Trung Đông khác như Xy-ri, Ba-ren... làm các đảng người Si-ít cầm quyền ở I-rắc lo ngại sự khôi phục ảnh hưởng của người Xun-nít ở khu vực, có thể dẫn đến sự tái cân bằng quyền lực ở I-rắc có lợi hơn cho người Xun-nít.

Tại khu vực bán tự trị của người Cuốc ở miền bắc I-rắc, một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, tiền tệ hình thành kể từ cuối năm 2012. Với khoảng 66 tỷ thùng dầu ước tính dưới lòng đất, nguồn tài nguyên này luôn là vấn đề nóng bỏng, gây tranh chấp do cả chính quyền trung ương và người Cuốc đều muốn kiểm soát. Người Cuốc, nhóm sắc tộc Ấn-Âu du mục sống trải dài khắp các vùng của Thổ Nhĩ Kỳ, Xy-ri, I-ran, I-rắc, đã mưu cầu một nhà nước của mình từ năm 1920. Nhưng, người Cuốc ở miền bắc I-rắc phần lớn có khả năng tự trị từ năm 1991 đến 2003. Tuy nhiên, sau khi chế độ X.Hu-xê-in sụp đổ, người Cuốc ở I-rắc mới tỏ rõ sức mạnh của mình đối với chính sách năng lượng, tuyên bố quyền được ký các giao dịch với những công ty dầu mỏ nước ngoài và khoan dầu trên vùng đất của họ. Bát-đa từng dọa hủy bỏ tất cả các hợp đồng với các công ty khai thác dầu ở nơi khác của I-rắc nếu họ ký hợp đồng với người Cuốc, song không cản được hơn 50 công ty đa quốc gia giao dịch với miền bắc. Tranh chấp giữa người Cuốc và chính quyền trung ương dẫn tới bùng phát các vụ bạo lực và nghiêm trọng là làn sóng các vụ đánh bom trong tháng 1-2013.

Tình trạng bạo lực triền miên là một trong những yếu tố cản trở công cuộc tái thiết của I-rắc. Các vụ khủng bố ước tính tới vài trăm vụ kể từ tháng 1-2012 và tập trung tại Thủ đô Bát-đa và các khu vực lân cận, chủ yếu do nhóm "Nhà nước Hồi giáo I-rắc", một tổ chức tự nhận là An Kê-đa, đứng đằng sau.

Tổ chức này nhằm vào mục tiêu là người Mỹ cũng như "di sản" của Mỹ ở I-rắc. Kể từ năm 2007, An Kê-đa đã tái cơ cấu tổ chức thông qua các mạng lưới địa phương và liên tiếp tiến hành các vụ đánh bom nhằm vào các đối tượng thân chính phủ hiện hành. Theo thống kê LHQ, tháng 4 vừa qua là tháng đẫm máu nhất kể từ năm 2008 ở quốc gia Trung Đông này với 712 người chết và hơn 1.600 người bị thương. Những binh sĩ Mỹ cuối cùng đã rút khỏi I-rắc từ cuối năm 2011, bỏ lại đằng sau một đất nước chia rẽ và an ninh bất ổn.

TÙNG TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/20417402-.html