Thúc đẩy thiết lập bộ quy tắc để quản lý vũ khí AI

Các vũ khí do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên các chiến trường tương lai là điều mà các chuyên gia hiện nay không còn phải bàn cãi. Điều họ lo lắng hơn cả đó là nguy cơ AI có thể cách mạng hóa chiến tranh tương tự thuốc súng và bom nguyên tử.

Cảnh báo này đã được các nhà phân tích đưa ra tại một hội nghị toàn cầu mới đây thảo luận về vũ khí AI tại Vienna (Áo) nhằm kêu gọi thế giới thiết lập một bộ quy tắc về quản lý vũ khí AI khi công nghệ này vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai. Tại hội nghị, các nhà phân tích cho rằng cuộc cách mạng sẽ khiến tranh chấp giữa con người với con người trở nên khác biệt đến mức không thể tưởng tượng được và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Các nhà phân tích nói rõ trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị: “Đây là "thời điểm Oppenheimer" (cha đẻ của bom nguyên tử) của thế hệ chúng ta, khi căng thẳng địa chính trị đe dọa dẫn đến một bước đột phá khoa học lớn trên con đường đầy nguy hiểm cho tương lai của nhân loại”. Hội nghị “khẳng định cam kết mạnh mẽ là hợp tác khẩn cấp, với tất cả các bên liên quan nhằm đưa ra một công cụ pháp lý quốc tế để quản lý các hệ thống vũ khí tự động”.

Các thiết bị quân sự sử dụng công nghệ AI ngày càng phổ biến trong quân đội Mỹ. Ảnh: CNN

Bản tuyên bố nhấn mạnh: “Quyền kiểm soát của con người phải chiếm ưu thế trong việc sử dụng vũ lực”. Bản tuyên bố tóm tắt sẽ được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng nhấn mạnh thế giới “cần có trách nhiệm hành động và đưa ra các quy tắc cần có để bảo vệ nhân loại”.

Trước đó, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg dự báo: “Những hệ thống vũ khí tự động sẽ sớm lấp đầy các chiến trường trên thế giới”, cho rằng hiện giờ là “thời điểm để thống nhất các quy tắc và chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm quyền kiểm soát của con người”. Năm 2023, Áo-quốc gia trung lập vốn bày tỏ mong muốn thúc đẩy giải trừ quân bị trên các diễn đàn quốc tế, đã đệ trình dự thảo nghị quyết đầu tiên của LHQ nhằm quản lý các hệ thống vũ khí tự động và nhận được sự ủng hộ của 164 quốc gia.

Cho dù mới chỉ dừng lại ở tuyên bố, Hội nghị toàn cầu thảo luận về vũ khí AI do Áo đăng cai, với khoảng 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều chính khách, chuyên gia, đến từ hơn 140 quốc gia trên thế giới, sẽ là lời cảnh tỉnh đối với nhân loại về việc cần sớm hành động để ngăn chặn nguy cơ vũ khí AI trở thành một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tương lai.

Một báo cáo do chính phủ Mỹ ủy quyền đối tác thực hiện thời gian gần đây đã cảnh báo AI có thể gây “mối đe dọa với loài người ở cấp độ tuyệt chủng”, cần có ngưỡng kiểm soát. Báo cáo do tờ Time thu thập được có tên “Kế hoạch hành động nhằm tăng cường sự an toàn và bảo mật đối với AI tiên tiến”, trong đó đề xuất một loạt hành động và chính sách sâu rộng, chưa từng có về AI. Báo cáo này nêu rõ: “Sự trỗi dậy của AI tiên tiến và siêu trí tuệ nhân tạo AGI có khả năng gây mất ổn định an ninh toàn cầu, theo những cách khiến mọi người gợi nhớ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Vào tháng 3 năm ngoái, hơn 1.000 người, được xem là giới tinh hoa trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, cùng ký một bức thư kêu gọi các công ty, tổ chức toàn cầu ngừng cuộc đua siêu AI trong 6 tháng để cùng xây dựng một bộ quy tắc chung về công nghệ này. Còn nhớ Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai từng nói AI khiến ông mất ngủ nhiều đêm vì nó có thể gây nguy hiểm hơn bất kỳ thứ gì con người từng thấy, trong khi xã hội chưa sẵn sàng cho sự phát triển nhanh chóng của AI. Thực tế là AI hiện phát triển bùng nổ với nhiều mô hình có thể thực hiện các công việc mà trước đây chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Google từng phải đối mặt với sự phản đối của nhân viên lẫn công chúng vào năm 2018, sau khi cung cấp công nghệ AI cho không quân Mỹ thông qua một dự án mang tên Maven.

Vũ khí AI có thể xem là cuộc cách mạng vũ khí thứ ba của loài người, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. Những gì diễn ra trong các cuộc chiến gần đây cho thấy, nhiều loại khí tài đã thông minh tới mức có thể có cả khả năng tự tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt kẻ địch mà hoàn toàn không cần sự tham gia của con người. Những gì từng được xem trong bộ phim hành động giả tưởng “Slaughterbots” đã trở thành hiện thực. Trong bộ phim, các thiết bị không người lái (UAV) nhỏ như một con chim có khả năng chủ động tìm kiếm một người và bắn một viên đạn xuyên qua đầu người đó. Rất khó để có thể chặn các thiết bị này vì kích thước nhỏ và tốc độ quá nhanh. Máy bay không người lái Harpy của Israel trong thực tế chính là thiết bị loại này. Chiếc UAV này được lập trình để bay đến một khu vực cụ thể, săn lùng các mục tiêu cụ thể, sau đó tiêu diệt chúng bằng cách sử dụng loại tên lửa hoàn toàn tự động kiểu “bắn và quên”.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/thuc-day-thiet-lap-bo-quy-tac-de-quan-ly-vu-khi-ai-775389