Huyền thoại núi Sáng

Đó là một vùng phong cảnh tươi đẹp, hùng vĩ, gắn với nhiều câu chuyện được ghi nhận cả trong sử sách lẫn truyền thuyết về anh hùng Đề Thám hay Ngụy Đồ Chiêm Nguyễn Diên, những vết tích của ngôi danh lam cổ tự Kim Tôn từ thời Lý - Trần…

Núi Sáng, hay Sáng Sơn thuộc hai huyện Sông Lô và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cách Vĩnh Yên chừng 30 km về phía tây bắc. Sáng Sơn nằm sát Tam Đảo, nối tiếp núi Lịch (Sơn Dương, Tuyên Quang). Núi Sáng cao 640m so với mặt nước biển, hợp với hàng chục ngọn núi to nhỏ khác thành dãy Sáng Sơn.

Núi Sáng là một vùng sơn thủy hữu tình, một tiềm năng du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, bởi khu vực này có hồ thủy lợi Bò Lạc, có Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, có thác Bay, có núi Sáng và những câu chuyện về Anh hùng Đề Thám hay Ngụy Đồ Chiêm Nguyễn Diên, những vết tích của ngôi danh lam cổ tự Kim Tôn từ thời Lý - Trần.

Đường vào núi Sáng, dọc theo thác Bay

Dân trong vùng cho đến nay vẫn truyền tai nhau những địa danh hang Đề Thám, cây đa Đề Thám, Gò Đôn, bếp nuôi quân, bãi Bách Bung, đèo Mai Phục, thác “Trống giục quân reo”.

Những câu chuyện này được ghi nhận trong sách vở, tài liệu. Có những thông tin đã được kiểm chứng, cũng có nhiều câu chuyện đến nay vẫn chỉ ở dạng truyền thuyết, huyền sử. Chúng có thể là sự thật, hoặc một phần sự thật, bảy thực ba hư...

Nhưng có một thực tế mà cả phía Pháp lẫn Việt Nam đều công nhận: tại núi Sáng, nghĩa quân Đề Thám đã giáng cho quân Pháp những đòn đau và ngay cả sỹ quan Pháp cũng phải thừa nhận tài năng quân sự của Đề Thám.

Theo một số tài liệu lịch sử, sau thất bại ở Yên Thế, năm 1909, Đề Thám lui về đóng quân ở Phúc Yên, Vĩnh Yên, lấy khu vực núi Sáng làm căn cứ.

Ngày 5/10/1909, dựa vào địa thế hiểm trở và công sự kiên cố, Đề Thám đã cùng 40 nghĩa quân làm nên trận núi Sáng lịch sử khiến đạo quân của viên sỹ quan Bonifacy và tên khâm sai Việt gian Lê Hoan phải bạt vía kinh hồn. Trận đánh của Đề Thám trên núi Sáng năm ấy đã khiến thực dân Pháp phải thừa nhận “cuộc giao chiến này là trận đẫm máu nhất trong suốt quá trình chinh phục người cầm đầu nghĩa quân nổi tiếng này”.

Theo cuốn sách “Hoàng Hoa Thám 1836-1913” của nhà sử học Khổng Đức Thiêm, trong trận Núi Sáng, 32 lính của quân Pháp đã bị tiêu diệt. Phía nghĩa quân chết và bị thương 7 người.

Trận núi Sáng đã được ghi vào sử sách, được các bên công nhận. Tuy nhiên, cái chết của người anh hùng Đề Thám diễn ra như thế nào vẫn là những tranh cãi chưa có hồi kết.

Bốn giả thuyết

Cho đến nay, tồn tại bốn câu chuyện về cái chết của “hùm thiêng Yên Thế”. Trong câu chuyện thứ nhất, Đề Thám bị hai tay sai của tướng thổ phỉ người Tàu là Lương Tam Kỳ đến trá hàng rồi giết ở địa điểm có tên là Hố Lẩy, trong rừng Tổ Cú, cách chợ Gồ 2 km. Sau đó, chúng cắt đầu ông đem nộp cho quân Pháp.

Câu chuyện thứ hai cho rằng Hoàng Hoa Thám không bị giặc giết. Cái đầu bị đem bêu ở Nhã Nam, Cao Thượng không phải là của Đề Thám, mà là của một sư ông có ngoại hình khá giống với “hùm xám Yên Thế”. Đề Thám bỏ trốn dưới một vỏ bọc khác, đến sống ở nhà một người quen và chết vì già yếu ở đây.

Một giả thuyết khác nói người bị cắt đầu đem bêu là sư ông chùa Lèo, còn Đề Thám thì bị đánh thuốc mê, vài ngày sau thì chết và được đem chôn. Cái đầu của sư ông được đem bêu là nhằm cố tình để nhân dân thấy đó không phải là Đề Thám, không tin rằng Đề Thám đã chết, để khỏi “làm loạn”.

Trong ba câu chuyện trên, các địa danh được đề cập như Hố Lẩy, rừng Tổ Cú, chợ Gồ, Nhã Nam, Cao Thượng, chùa Lèo đều ở khu vực Bắc Giang, chủ yếu là huyện Yên Thế và Tân Yên. Như vậy, theo các câu chuyện này, dù chi tiết khác nhau, đều khẳng định Hoàng Hoa Thám hoặc bị giết, hoặc trốn thoát từ Bắc Giang.

Hồ Bò Lạc, xa xa là dãy Sáng Sơn

Câu chuyện thứ tư đến từ người dân khu vực chân núi Sáng ở huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. “Ông nội tôi và nhiều cụ cao tuổi trong xã nói Hoàng Hoa Thám bị thủ hạ thân tín phản bội giết hại”, ông Vũ Xuân Hoạch, 67 tuổi ở thôn Quế Nham, xã Đồng Quế nói.

Theo người dân Đồng Quế, kẻ phản bội này có vợ con ở quê nhà, bị quân Pháp bắt giữ làm con tin, gây sức ép để buộc phải ra tay với Đề Thám. “Hắn cố tình tiêm thuốc phiện cho Đề Thám ngủ say rồi ra tay sát hại ông”, ông Hoạch thuật lại lời kể của các cụ.

Câu chuyện này cùng ba câu chuyện trước đó về cái chết của Đề Thám đều được nhà sử học Khổng Đức Thiêm ghi nhận trong cuốn sách “Hoàng Hoa Thám 1836 -1913” và giới sử gia chưa thể xác định câu chuyện nào chính xác, chưa thể bác bỏ hẳn giả thuyết nào, cho dù nhiều nhà nghiên cứu lịch sử “nghiêng về” giả thuyết Đề Thám bị giết ở Hố Lẩy, theo lời ông Khổng Đức Thiêm viết trong cuốn sách.

Ngày nay, trải qua hàng trăm năm phong hóa, các dấu vết về nghĩa quân Đề Thám trên núi Sáng hầu như không còn.

Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế

Một cựu cán bộ xã Đồng Quế cho biết từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều cuộc tìm kiếm hang Đề Thám tại núi Sáng đã được tổ chức với quy mô cấp tỉnh song vẫn không thấy. Nguyên nhân được cho là do sự biến động của thiên nhiên, di tích hang Đề Thám không được sử dụng nên đã sạt lở và mất dấu tích.

Ngày 18/3/2015, UBND xã Đồng Quế nhận được thông tin của một người dân đi rừng nói tìm thấy một hang tại núi Sáng. Chính quyền tổ chức tìm kiếm, phát hiện một cửa hang cũ tại vị trí cách hồ Bò Lạc khoảng 3 km (gần đỉnh núi Sáng).

Cửa hang có chiều rộng khoảng 5m, chiều sâu 7m. Chỗ cao nhất trong hang khoảng 1,75m, thấp nhất là 1,45m. Sau kiểm tra và đánh giá sơ bộ ban đầu, chính quyền địa phương cho rằng đây là hang cổ, do bàn tay con người tác động. Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Công, khi ấy là Chủ tịch UBND xã Đồng Quế, nhiều khả năng đây là hang của nghĩa quân Đề Thám năm xưa.

Nhưng cho đến nay, gần 10 năm sau, hầu như không còn ai biết hang Đề Thám ở vị trí nào. Ông Mạc Thế Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Quế cho hay ngoài cái hang rộng chừng 10m2, “chưa phát hiện thêm vết tích nào để có căn cứ xác định đó là hang Đề Thám”.

“Ngày trước, dân trong vùng còn tìm thấy loại tiền xu cổ có lỗ gần khu vực hang Đề Thám. Nhưng cũng lâu lắm rồi, giờ không còn nghe ai nói về việc ấy nữa”, ông Vũ Xuân Hoạch nói.

“Rồng cuộn hổ chầu”

Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc, dãy Sáng Sơn nằm giữa núi tổ Nghĩa Lĩnh (khu Đền Hùng, Phú Thọ), núi mẹ Tam Đảo và núi cha Ba Vì. Trước là dòng Lô, sau lưng là núi Sáng, giống như một bức thành vững chãi, một thế đất tay ngai “rồng cuốn hổ chầu”.

Một hiện vật ở khu vực chùa cổ Kim Tôn được phát hiện năm 2009

Sáng Sơn từ xa xưa đã được nhà bác học Lê Quý Đôn mô tả trong sách “Vân Đài loại ngữ”: “Núi Lịch ở địa phận xã Yên Lịch, huyện Sơn Dương, trấn Tuyên Quang. Mạch núi từ núi Sư Khổng, huyện Đương Đạo kéo xuống, đến đây năm, sáu ngọn núi đất bày hàng đột khởi ngay ở đồng bằng, chia một chi đổ xuống huyện Lập Thạch làm núi Sáng; còn ở mặt dưới huyện Tam Dương là núi Hoàng Chỉ”.

Những địa danh khu vực núi Sáng thường gắn liền với những huyền thoại ly kỳ từ thuở hồng hoang dựng nước của cha ông ta như thác Bay, núi Hình Nhân, bãi Bách Bung…

Trước hết là núi Hình Nhân (núi Kim) mang hình một người đàn bà mang thai không có đầu đang nằm nghỉ. Bên cạnh có một chiếc nón úp là trái núi có tên gọi Nón Treo, cạnh đó là núi Voi mang hình một chú voi đang nằm phủ phục. Trong núi Hình Nhân có đồi Chúa, nơi di tích chùa Kim Tôn đã bị bỏ hoang nhiều năm chỉ còn lại nền móng.

Năm 2009, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật khu vực chùa cổ Kim Tôn, tìm thấy nhiều hiện vật gồm các loại gạch, ngói và đồ gốm sứ... Chất liệu, hoa văn và họa tiết trang trí của các hiện vật có nhiều nét tương đồng với các loại vật liệu xây dựng tại tháp Bình Sơn (Tam Sơn, Sông Lô, Vĩnh Phúc) và Hoàng thành Thăng Long.

Từ cổng Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức trông ra hồ Bò Lạc

Dựa trên các mẫu hình cổ vật và chất liệu, họa tiết hoa văn, người ta xác định chùa cổ Kim Tôn được xây dựng vào khoảng cuối thời Lý (1010-1225), đầu thời Trần (1225-1400), giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam. Ngôi cổ tự này là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Vĩnh Yên xưa.

Hiện nay, cụm di tích đã được phục dựng tại khu vực nay là Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức.

Theo một số người cao tuổi trong vùng, thác Bay trên núi Sáng là tên mới đặt. Thời xưa gọi là thác “Trống giục quân reo”. Tương truyền rằng thuở trước có ông Nguyễn Diên (Ngụy Đồ Chiêm), là con một bà bán nước ở chân tháp Bình Sơn, chiêu tập quân sĩ chống lại bọn cướp để bảo vệ dân làng. Tiếng chiêng trống tập trận lẫn vào tiếng thác nước vang động một vùng. Thanh thế của Nguyễn Diên, còn có tên là Chiêm, ngày càng lớn nên triều đình đem quân đánh dẹp, bởi thế Nguyễn Diên bị gọi là Ngụy Đồ Chiêm.

Dân gian kể rằng sau nhiều trận chiến, quân của Nguyễn Diên bị đánh tan, ông ôm kiếm chạy vào tháp Bình Sơn rồi biến mất.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/huyen-thoai-nui-sang-i724943/