Huyền thoại gà Hồ

(HQ Online)- Gà Hồ là linh vật trong tranh dân gian Đông Hồ. Trải bao thời gian, gà Hồ vẫn gắn bó mật thiết với người dân địa phương và trở thành biểu tượng văn hóa của người dân Kinh Bắc.

Ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ nhiệm CLB Gà Hồ bên linh vật của mình. Ảnh: ĐỨC HIỆP

Linh vật có thật

Gà Hồ ở làng Lạc Thổ, Thị trấn Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh) được coi là giống gà quý hiếm bậc nhất trong thiên hạ. Dân gian vẫn đánh giá gà Hồ như một kiệt tác nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng cho người dân nơi đây. Gà Hồ (gà trống) trưởng thành hội tụ đủ năm phẩm chất của bậc quân tử: Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín. Trọng lượng của gà Hồ có thể đạt tới 6 - 6,5 kg. Thịt gà Hồ hồng mà thơm ngon, săn chắc nhưng lại giòn, ngọt và không dai như một số giống gà khác. Ngày xưa, người làng Lạc Thổ đã chọn gà Hồ làm vật phẩm để tiến vua, được coi là giống gà có “gia phả” hiển hách.

Ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ nhiệm CLB Gà Hồ chia sẻ: Từ xưa tới nay, người dân làng Lạc Thổ hay còn gọi là làng Hồ coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình. Do vậy, dân làng Hồ chọn linh vật này làm lễ vật dâng Thành hoàng làng vào ngày hội làng mùng 10-2 Âm lịch hàng năm. Bao giờ cũng vậy, bên cạnh mâm ngũ quả, người làng Hồ không thể thiếu một con gà tuyệt đẹp để tỏ lòng hiếu lễ đối với tổ tiên vào ngày tết Nguyên đán. Hình tượng gà Hồ ở tranh Đông Hồ còn được thể hiện sự đại cát, sung túc, thịnh vượng, an lành. Người dân làng Hồ vô cùng tự hào về gia phả của giống gà quý hiếm này.

Chuyện làng Hồ truyền miệng rằng, gà Hồ đẹp đến mức vào thời kỳ Pháp thuộc có tên lính Pháp mua 1 con gà Hồ của người họ Nguyễn Hữu biếu gã quan Pháp. Thích quá, gã quan Pháp đã thăng ngay cho tên lính này hẳn 1 cấp. Chính vì gà Hồ đẹp và quý thế nên trong khi chạy loạn có người chỉ cần ôm đôi gà Hồ trống mái, có người cố mang theo ổ trứng gà mái đang ấp cốt để giữ lấy giống. Và càng tự hào hơn được biết sau trâu vàng, gà Hồ đã trở thành linh vật của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 được diễn ra tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - thành viên CLB Gà Hồ bộc bạch: Nuôi gà Hồ trước hết là cái đam mê của tôi, thú nhất là được nghe gà Hồ gáy vang trong đêm. Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh trai”- đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con (từ lúc mọc lông cánh đến gà choai). Gà trống Hồ khi trưởng thành có cái đầu rất to (đầu gộc) vẫn là mình cốc cánh trai với thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh. Gà Hồ toàn bộ mặt, mào, nhách có mầu đỏ hoặc đỏ hồng như hoa mẫu đơn, lại được gắn cặp mỏ màu ngà, mào xít hoặc mào nụ, “2 nhách” cân đều, đôi chân và đùi thường to tròn cân đối, vẩy chân mịn màu vỏ đậu nành hoặc màu vàng tươi. Gà trống Hồ chỉ có 2 màu lông chính đó là mã mận (màu mận chín) và mã lĩnh (màu đen) thường không có lông trắng. Trước lúc gáy, nó ưỡn ngực ra dang hai cánh vỗ phành phạch trông đầy “khí phách của người quân tử”.

Tiếng gáy của gà Hồ mang âm vực riêng không giống gà nào có được, giọng ấm, dày với dải trường âm dài và vang. Khi gà trống vươn cái cổ dài cất tiếng gáy âm vang cả làng nghe thấy, thường là lúc đó cái “đuôi nơm” được khoe ra với những chiếc lông đều nhau trông đã đẹp lại càng tuyệt vời hơn. Gà trống Hồ thường có trọng lượng từ 4kg trở lên còn gà mái Hồ cũng hội tụ đủ các đặc điểm của con gà trống nhưng chỉ khác là có 3 màu lông, đẹp nhất là mã thó (trắng màu đất thó), rồi đến mã sẻ (màu lông chim sẻ) và mã nhãn (màu quả nhãn chín). Gà mái thường có trọng lượng từ 3kg trở lên và trông có dáng vẻ đầy đặn hiền lành.

“Con gà Hồ chạy vỡ viên gạch bát, con gà Hồ không nhảy qua 3 bậc thềm” đó chính là câu truyền miệng muốn nói đến trọng lượng của nó. Nếu ai đã từng đến làng Hồ, lúc cầm canh sẽ thấy khi có 1 con gà cất tiếng gáy thì tất cả các con gà trống Hồ khác trong làng cùng gáy theo, nó được vang lên như một bản đồng ca hùng tráng. Ai đã được thưởng thức một miếng thịt gà Hồ thì nhớ mãi không quên. Trải qua chiến tranh, loạn lạc, bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhất là những đợt cúm gia cầm vừa qua, thì số phận của những chú gà Hồ cũng thật mong manh, nhưng đến nay giống gà quý hiếm này vẫn được duy tồn.

Ông Lê Đình Thanh - Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết: Theo đánh giá của các nhà khoa học, gà Hồ vừa mang tính tao nhã của loại gà cảnh, vừa mang tính kinh tế, ẩm thực đặc sắc. Giống gà này có những nét giống gà Đông Cảo, nhưng có chân dài, to tròn và lớp da chân vàng, mịn hơn. Xét riêng về mặt văn hóa thì gà Hồ mang một giá trị văn hóa riêng đi vào thơ ca và tranh dân gian Đông Hồ. Gần đây Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 do Việt Nam đăng cai đã chọn gà Hồ làm linh vật. Trường Đại học Nông nghiệp I và Viện Chăn nuôi quốc gia đã tài trợ kinh phí, đầu tư giúp đỡ đưa cán bộ về nằm vùng, theo dõi, gìn giữ, nuôi sinh sản để bảo tồn giống gà Hồ có nguồn gen quý hiếm này và tổ chức hội thi gà Hồ.

Vẻ oai phong của gà Hồ. Ảnh: ĐỨC HIỆP

Trước đây, “cơn bão” cúm H5N1 càn quét và cướp đi sinh mạng hàng trăm người và giết hàng triệu gia cầm, đã để lại nỗi lo phấp phỏng cho những người chăn nuôi gia cầm. Khi đó, người nuôi gà Hồ nháo nhác, bất an vì chẳng biết lúc nào dịch cúm ập đến. Lo cho đàn gà quý, lo cho tài sản của gia đình những gia đình nuôi gà Hồ tìm đến nhau để chia sẻ kinh nghiệm và học tập nhau kỹ thuật chăn nuôi, phòng tránh dịch cho đàn gà Hồ một cách hiệu quả nhất.

Khi hỏi về cách phòng tránh cúm H5N1 cho đàn gà Hồ, ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ nhiệm CLB Gà Hồ bộc bạch: Các hộ gia đình đã chủ động dùng thuốc uống và tiêm phòng cúm cho đàn gà. Chúng tôi ngăn chặn lây cúm cho đàn gà Hồ bằng cách hạn chế mua, nuôi những giống gà khác và không mua gà từ các địa phương khác. Mặc khác, tôi cùng các thành viên trong CLB đã vận động bà con và kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm vào làng, ngừng cả việc mua bán trao đổi và không cho nguời ngoài vào các khu vực chăn nuôi. Câu lạc bộ của ông vẫn thường xuyên theo dõi đàn gà nhà mình, xem ti vi để bàn về tình hình diễn biễn cụ thể của dịch cúm qua từng ngày, từng giờ.

Ông Nguyễn Văn Trường - thành viên CLB Gà Hồ cho biết: Thời điểm đó, những con gà thuần chủng được tập trung về đây để cách ly với những gia cầm thông thường khác. Nuôi gà Hồ cũng đơn giản như nuôi gà thông thường, chỉ có điều gà Hồ có nhược điểm đẻ thưa, ít trứng. Mỗi năm chỉ đẻ 2-3 lần, mỗi lần chỉ khoảng 12-13 quả trứng. Gà mẹ nặng nên khi ấp thường làm vỡ trứng vì thế việc gìn giữ giống cũng rất khó khăn. Giá bán ra cũng khá cao: gà mới nở có giá 15.000 đồng/con, gà một tháng rưỡi bán giá 25.000-30.000 đồng. Có khi một con gà trống to làm giống có thể bán với giá từ 500.000 đến 700.000 đồng.

Nuôi gà Hồ hiệu quả kinh tế không quá cao, nhưng nó mang lại cho họ một thú chơi tao nhã, một giá trị tinh thần vô giá, nên dù phải rất khó nhọc, người Lạc Thổ vẫn quyết tâm gìn giữ, bảo vệ chúng.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/huyen-thoai-ga-ho.aspx