Huyện Sóc Sơn: Đầu tư nguồn lực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục

Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được huyện Sóc Sơn đặc biệt chú trọng. Hàng trăm tỷ đồng đã được địa phương bố trí hàng năm để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trnag thiết bị phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT huyện nhà.

Mạng lưới trường lớp ngày một khang trang

Xác định cơ sở hạ tầng là tiền đề quan trọng để phát triển GD&ĐT, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã bố trí nguồn lực lớn, đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn Trần Thị Thanh Huế cho biết, năm 2023, huyện đã bố trí 573 tỷ đồng để triển khai 21 dự án nâng cấp hạ tầng giáo dục.

Ngoài ngân sách huyện, nguồn ngân sách của TP Hà Nội đã bố trí từ đầu năm 2023 đến nay cho 7 dự án trên địa bàn huyện là 390 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2022, huyện Sóc Sơn cũng đã đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa 12 trường, với tổng kinh phí 326 tỷ đồng.

Trường THCS Tiên Dược được huyện Sóc Sơn đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại.

Gần 18 tỷ đồng cũng đã được huyện bố trí để mua sắm thêm thiết bị, đồ dùng dạy học chuẩn đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6. Trong hai năm 2022 - 2023, huyện cũng thực hiện hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho 43 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn có khu công nghiệp với số tiền 1,56 tỷ đồng…

Nhờ nguồn lực đầu tư lớn, bước vào năm học 2023 - 2024, toàn huyện đã có 67/99 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 7 trường đạt chuẩn mức độ 2 (5 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS), đạt tỷ lệ 67,6% (tăng 6% so với năm học 2022 - 2023).

Đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục

Với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn, mạng lưới trường, lớp được đầu tư ngày một khang trang, hiện đại. Cơ sở vật chất thiết bị dạy học được tăng cường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được được duy trì và có sự đột phá; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc.

Trang thiết bị được đầu tư phục vụ dạy - học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc huyện Sóc Sơn.

Dù vậy, trước sự gia tăng về số lượng học sinh, sĩ số học sinh trên một lớp tại một số cơ sở giáo dục hiện nay tại huyện Sóc Sơn đang bị vượt quá quy định, khá phổ biến ở 1 số trường Tiểu học và số ít trường THCS. Một số trường đã đạt chuẩn quốc gia chưa đủ điều kiện để công nhận lại bị xóa tên…

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng nhấn mạnh, địa phương luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Vì vậy, trong giai đoạn tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học đáp ứng yêu cầu phát triển số lượng học sinh và đổi mới giáo dục.

Trong bố trí nguồn lực, sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2023, 2024.

“Vừa qua, UBND huyện đã thực hiện xong việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn huyện giai đoạn 2025 - 2030. Đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ xây mới thêm 21 trường học; qua đó tạo tiền đề để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục huyện nhà…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết thêm.

Sáng 5/9, gần 84.000 con em, học sinh thuộc 111 cơ sở giáo dục và đào tạo do huyện Sóc Sơn quản lý đã nô nức tham dự lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Chủ đề của năm học mới được ngành GD&ĐT huyện Sóc Sơn đề ra là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-dau-tu-nguon-luc-cham-lo-phat-trien-su-nghiep-giao-duc.html