Huyện Gia Lâm tích cực triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm

Triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực vào cuộc. Đến nay, số lượng gia súc, gia cầm được tiêm các loại vaccine phòng bệnh đã đạt từ 77 – 97%.

Huyện Gia Lâm đang đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 (từ ngày 01/3 đến ngày 20/4/2024), huyện Gia Lâm đã giao chỉ tiêu tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại từng xã, thị trấn. Trên cơ sở chỉ tiêu giao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện đã thực hiện cấp vaccine, hóa chất để các địa phương triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Theo số liệu từ Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm, tính đến hết ngày 14/4/2024, toàn huyện đã tiêm vaccine lở mồm long móng O, A cho đàn trâu bò được 6.375 con (đạt tỷ lệ 95%); vaccine lở mồm long móng O cho đàn lợn nái 2.000 con (đạt tỷ lệ 77%); vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu bò 6.475 con (đạt tỷ lệ 97%); vaccine dịch tả Nhật cho đàn lợn nái 2.250 con (đạt tỷ lệ 87%); vaccine tai xanh cho đàn lợn nái tiêm 2.120 con (đạt tỷ lệ 82%); vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm sinh sản 105.000 con (đạt tỷ lệ 79%).

Đối với vaccine phòng dại tiêm cho đàn chó, mèo, đến nay Thành phố đã cấp 10.800 liều cho huyện Gia Lâm. Trong ngày đầu ra quân (14/4), đã có 5 xã triển khai tiêm phòng là Phú Thị, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Yên Thường, Phù Đổng. Tổng lượng vaccine phòng dại là 2.020 con (đạt tỷ lệ 19%). Cao điểm chiến dịch tiêm vaccine phòng dại của huyện Gia Lâm sẽ diễn ra từ 19 - 25/4/2024.

Để sớm hoàn thành công tác tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm, kịp thời chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu UBND các xã, thị trấn tập trung huy động nhân lực và các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh tuyên truyền cho người chăn nuôi và Nhân dân hiểu về dịch cúm từ gia cầm và một số bệnh dịch khác từ gia súc, gia cầm có khả năng lây sang người nếu không có biện pháp phòng bệnh; đồng thời huy động toàn dân vào cuộc thực hiện công tác phòng dịch, trong đó biện pháp tiêm phòng chủ động là hiệu quả nhất.

Đối với những trường hợp người nuôi không thực hiện việc phòng chống dịch bệnh và không tiêm phòng các loại vaccine bắt buộc cho vật nuôi theo quy định của Luật Thú y và các Nghị định của Chính phủ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.

Theo thống kê mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong vì bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên vẫn đang là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (trong đó Đắk Lắk có 4 ca và Gia Lai có 1 ca).

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra 2 ổ dịch dại động vật trên địa bàn huyện Sóc Sơn, làm chết và tiêu hủy 9 con chó, mèo. Số người bị chó cắn và người có tiếp xúc với chó dại phải đi tiêm phòng vaccine là 7 người.

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-gia-lam-tich-cuc-trien-khai-tiem-phong-cho-dan-gia-suc-gia-cam.html