Huyện Chương Mỹ:Quyết liệt xử lý cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm

Dù chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng lĩnh vực chăn nuôi đang tạo ra thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Chương Mỹ.

Với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, Chương Mỹ triển khai nhiều giải pháp để kiên quyết xử lý cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Tổ công tác xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) kiểm tra hệ thống hầm biogas tại cơ sở chăn nuôi tập trung ở thôn Yên Lạc.

Bức xúc vì ô nhiễm môi trường

Thời gian gần đây, người dân các xã: Đồng Lạc, Đông Sơn, Phú Nghĩa, Lam Điền... liên tục phản ánh và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trang trại nuôi lợn xả chất thải không qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, tắc nghẽn dòng chảy...

Đến các xã trên trong các ngày 13 và 14-4, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy ý kiến của người dân là có cơ sở. Thực tế trên tuyến kênh Lái Lũ (dài gần 2,3km, đi qua địa phận xã Đồng Lạc) có tới 9 vị trí đặt ống xả nước màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Không những vậy, nhiều đoạn bờ cũng bị một số hộ dân lấn chiếm xây chuồng trại, chặn lối thủy nông viên kiểm tra, duy trì tuyến kênh.

Tương tự, kênh An Sơn dài gần 6km cũng đang “chết dần”, vì phải chứa hàng nghìn mét khối chất thải từ trang trại chăn nuôi lợn ở các xã: Đông Sơn, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa đổ vào.

Theo người dân các địa phương, tuyến kênh bị ô nhiễm như vậy là do các chủ trang trại xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý. “Bà con quanh đây ai cũng khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra từ các hộ chăn nuôi này. Chúng tôi muốn mở cửa nhà không được mà đóng cửa cũng không ngăn được mùi hôi cũng bay vào nhà...”, ông Nguyễn Ngọc Hoàn ở xã Đồng Lạc nói.

Không chỉ người dân, nhiều thủy nông viên được giao nhiệm vụ quản lý, duy trì tuyến kênh cũng bức xúc vì ô nhiễm. “Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đề nghị các xã, thị trấn và huyện Chương Mỹ ngăn chặn tình trạng xả rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý vào kênh mương. Thế nhưng, nhiều địa phương chưa tích cực, quan tâm chỉ đạo xử lý...”, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Đình Đức bày tỏ.

Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho thấy, trên địa bàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi; trong đó có 138 trang trại nuôi lợn, 445 trang trại nuôi gà, vịt. Các trang trại chăn nuôi này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân... Song, chất lượng không khí và nguồn nước tại nhiều địa phương bị suy giảm, ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân, tạo áp lực trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới...

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, Huyện ủy Chương Mỹ đã có chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường.

Triển khai chỉ thị này, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tập trung. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, thống kê các điểm xả chất thải vào công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, công trình thủy lợi...

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Lò Văn Cường, trên địa bàn xã hiện có 22 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô từ 300 đến 500 con/lứa/trang trại và các trang trại này đều nằm xa khu dân cư. Kiểm tra thực tế, phần lớn chủ trang trại đã xây dựng hầm biogas, bể lắng để xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng không bảo đảm chất lượng nước xả vào công trình thủy lợi và cũng không cung cấp được hồ sơ pháp lý về môi trường...

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND huyện Chương Mỹ đã quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 8 chủ trang trại ở xã Phú Nghĩa với tổng số tiền 289 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường...

Còn theo Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc Nguyễn Duy Hánh, xã đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn; yêu cầu các hộ gia đình dừng ngay việc xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý ra môi trường; xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường... “Trong quý II này, nếu các hộ không thực hiện đầy đủ yêu cầu trên, xã sẽ cưỡng chế...”, ông Nguyễn Duy Hánh khẳng định.

Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề môi trường đã và đang trở thành thách thức đối với hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại và tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, huyện Chương Mỹ cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu đặt ra, như: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh...

Mặt khác, cơ quan chức năng của huyện cần kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục... Các cơ quan chức năng chuyên ngành cũng cần thực hiện việc kiểm tra, quan trắc môi trường định kỳ theo quy định đối với các khu chăn nuôi tập trung lớn để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm và công khai các chỉ số môi trường cho người dân tham gia giám sát...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huyen-chuong-my-quyet-liet-xu-ly-co-so-chan-nuoi-gay-o-nhiem-663758.html