Huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

ĐBP - Trong những năm qua, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Điện Biên có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT). Qua đó tạo điều kiện thuận tiện cho người dân phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Công nhân Công ty TNHH xây dựng Trung Đức thi công tuyến đường từ bản Hột đi bản Kép, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa).

Một trong những giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển GTNT được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai mang lại hiệu quả là làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu, tự nguyện đóng góp làm đường; phát động phong trào cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên tham gia lao động công ích.

Với cách làm trên, bình quân mỗi năm huyện Mường Nhé đã huy động được hơn 4.000 ngày công từ nhân dân, đầu tư xây dựng mới hơn 27km đường GTNT. Nếu như năm 2002 (năm thành lập huyện), hệ thống giao thông ở Mường Nhé chủ yếu là đường đất, chỉ có thể đi lại vào mùa khô, thì đến nay toàn huyện có hơn 235km đường liên xã và hơn 300km đường giao thông liên thôn, bản; trong đó có 9/11 tuyến đường xã được rải nhựa hoặc bê tông (đạt 81,8%). Qua đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mà còn góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động sức dân làm đường mới và mở rộng đường cũ, góp phần phát triển mạng lưới GTNT. Nhờ nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức, giám sát cộng đồng đã có hàng trăm ki lô mét đường GTNT được cứng hóa. Tính đến năm 2022 toàn huyện Tủa Chùa có hơn 1.050 hộ gia đình, cá nhân hiến hơn 81ha đất và gần 6.000 ngày công để xây dựng hạ tầng giao thông.

Công trình nâng cấp tuyến đường trung tâm xã Sính Phình đi thôn Đề Dê Hu (xã Sính Phình) là một trong những công trình tiêu biểu về tinh thần tự nguyện hiến đất làm đường của người dân. Khi triển khai dự án này đã có 74 hộ của 3 thôn: Tà Là Cáo, Đề Dê Hu 1, 2 tự nguyện hiến hơn 17.266m2 đất để làm đường.

Giai đoạn từ năm 2008 - 2022, toàn tỉnh đã dành gần 3.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTNT. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương gần 250 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hơn 2.500 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 50 tỷ đồng, nguồn vốn khác hơn 200 tỷ đồng. Tổng số đường GTNT được đầu tư xây dựng mới gần 2.000km; nâng cấp, cải tạo hơn 3.000km. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.600km đường giao thông các loại; trong đó gần 4.000km đường GTNT; toàn tỉnh đã có hơn 60 xã đạt tiêu chí về giao thông.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa 100% hệ thống tuyến đường xã; đảm bảo các xã có đường giao thông đi lại thuận tiện trong 4 mùa. Nâng cấp các tuyến đường trục thôn, bản đạt tỷ lệ cứng hóa khoảng 90%, gắn liền với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Để hoàn thành được mục tiêu, tỉnh ta xác định phát huy tốt nội lực, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương cho phát triển giao thông; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau. Đẩy mạnh huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt là đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới. Đồng thời thực hiện xã hội hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển GTNT, nâng mức hỗ trợ của tỉnh cho đầu tư xây dựng và cứng hóa đường GTNT.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/203459/huy-dong-nguon-luc-phat-trien-giao-thong-nong-thon