Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống cho người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại.

Ngành y tế kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau lũ tại địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh (Nguồn ảnh: baohatinh.vn)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra từ ngày 24-27/9 đã làm 1 người chết (Quảng Trị); 1 người bị lũ cuốn trôi (Thanh Hóa). Chính quyền địa phương và gia đình đang tổ chức tìm kiếm.

Về nhà, 2 nhà bị sập (Nghệ An); 297 nhà bị hư hại (Thanh Hóa 20, Nghệ An 99, Hà Tĩnh 6, Quảng Trị 88, Thừa Thiên Huế 84).

Về giao thông, 7 cầu dân sinh bị hư hỏng (Nghệ An 3, Hà Tĩnh 3, Quảng Bình 1); sạt lở đất đá 84 điểm đường giao thông (Thanh Hóa 22, Nghệ An 44, Hà Tĩnh 2, Quảng Bình 16); 6 cống hư hỏng, cuốn trôi (Thanh Hóa 1, Nghệ An 5); 1 ngầm tràn bị xói lở (Quảng Bình).

Về nông nghiệp, 1.503 ha lúa, 3.050 ha hoa màu và 1.254 ha các loại cây khác bị thiệt hại, 2.388 con gia súc và gia cầm bị chết, 3 lồng cá bị cuốn trôi (Nghệ An); 677,5 ha ao hồ bị ngập (Thanh Hóa 17,1ha; Nghệ An 660,4ha).

Về thủy lợi, 10m mái đê tả sông Hoàng bị sạt lở (Thanh Hóa); 8m kênh nội đồng bị hư hỏng (Quảng Bình). Về tàu thuyền, 1 tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình).

Ngoài ra, 2 cột điện trung thế bị gãy đổ (Thừa Thiên Huế); 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng; 1 nhà văn hóa, 3 nhà kho bị hư hỏng (Quảng Trị); sập đổ 993m hàng rào (Thanh Hóa 230m, Nghệ An 703m, Hà Tĩnh 60m); 160m ống nước sinh hoạt bị hư hỏng (Nghệ An); 2 nhà hàng nổi bị chìm, trôi (Quảng Bình).

Bên cạnh đó, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, do ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 26 – 27/9 đã làm 1 người bị thương (Yên Bái).

Về nhà, 4 nhà bị thiệt hại (Yên Bái 2, Hòa Bình 2). Về giao thông, 7 điểm đường giao thông bị sạt lở (Yên Bái 2, Hòa Bình 5).

Triển khai ứng phó với thiên tai, các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở, ổn định đời sống; tổ chức kiểm soát giao thông tại các điểm bị ngập sâu, chia cắt.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 28/9, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm. Khu vực Việt Bắc, Đông Bắc Bắc Bộ có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 60mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1.

Ngày và đêm 28/9, khu vực giữa Biển Đông, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh; phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng cao từ 2-3,5m.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống cho người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhất là tại Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền núi phía Bắc; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

B.T

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/huy-dong-luc-luong-ho-tro-nguoi-dan-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-648056.html