Hút khách du lịch tàu biển đến Huế qua cảng Chân Mây

Khách du lịch đến Huế qua cảng Chân Mây ấn tượng với các tour du lịch tham quan Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Đà Nẵng.

Ngoài tham quan di tích, lăng tẩm, đền chùa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm mới tour du lịch này bằng Dạ tiệc Đêm Hoàng cung cho khoảng 1.000 du khách/đêm.

Một góc Phố cổ Hội An. Ảnh: TTXVN

Dạ tiệc Đêm Hoàng cung là sự kết hợp giữa ngành du lịch Thừa Thiên - Huế và Công ty TNHHMTV Lữ hành Saigontourist trong việc tổ chức đón và phục vụ tàu biển Celebrity Centurry hạng sang của hãng Royal Caribbean Cruises Ltd (Malta) cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huê) mang theo hàng ngàn du khách và thuyền viên (quốc tịch Mỹ, Anh, Australia, Canada) đến Việt Nam theo hải trình Vũng Tàu - Huế - Hạ Long.

Sau khi tham quan di sản Huế và Hội An, gần 1.000 khách tham dự Dạ tiệc Hoàng cung tại Đại Nội Huế vào buổi tối tại Đại Nội Huế. Dạ tiệc được tổ chức theo hình thức Đêm Hoàng Cung (đã từng được tổ chức tại các kỳ Festival Huế) thu nhỏ nhưng được đầu tư kỹ hơn về hình thức đón tiếp và cơ sở hạ tầng phục vụ khách.

Dạ tiệc nhằm giới thiệu đến du khách tàu biển một cách khái quát nhưng đầy ấn tượng về vẻ đặc sắc của văn hóa truyền thống Huế và sinh hoạt cung đình triều Nguyễn, các di sản kiến trúc có giá trị mỹ thuật cao, nghệ thuật biểu diễn cung đình và ẩm thực Huế đầy tinh tế.

Đêm Hoàng cung bắt đầu từ cửa Ngọ Môn đến sân điện Cần Chánh - địa điểm diễn ra dạ tiệc. Đây cũng là không gian lung linh trong ánh sáng nghệ thuật và sống động với nhiều hoạt động cung đình được mô phỏng như tổ chức các trò chơi cung đình, biểu diễn Nhã nhạc cùng nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống cung đình khác.

Đặc biệt, phần tiệc theo phong cách cung đình Huế với 9 món ăn đặc sắc của ẩm thực truyền thống cố đô gồm: Phượng hoàng khai vị, khoai môn chiên xù (chay), súp tứ vị (chay), nem rán thập cẩm (chay), tôm quay bơ - lagim hấp, bánh kê - bánh khoai tía, bò sốt tiêu xanh - bánh bao, cơm chiên (chay) và chè hạt sen.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết: Để tổ chức mỗi dạ tiệc Đêm Hoàng cung, Trung tâm phải huy động gần 800 người tham gia công tác tổ chức, phục vụ (riêng nhân viên bếp và phục vụ bàn là gần 400 người).

Việc tổ chức thành công Dạ tiệc Hoàng cung tạo đã cho chương trình kích cầu du lịch tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và khu di sản Huế nói riêng dành cho thị trường khách tàu biển quốc tế cao cấp đến Việt Nam trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Năm 2016, có 36 chuyến tàu với gần 87.000 lượt khách quốc tế và thủy thủ đoàn đến Huế qua cảng Chân Mây, tăng 8.500 lượt khách so với cùng kỳ năm 2015. Gần đây, tàu biển hạng sang 5 sao quốc tế như tàu du lịch Ovation of the Seas là chiếc du thuyền mới nhất của hãng Royal Caribbean, góp mặt vào bộ 3 siêu du thuyền thông minh nhất thế giới thuộc dòng Quantum cập cảng Chân Mây.

Khách du lịch tham quan Đại Nội, Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định: Trong tương lai, du lịch tàu biển sẽ là loại hình du lịch thời thượng và đang được thế giới ưa chuộng. Theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, Việt Nam là nước có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển.

Trên thực tế, lượng khách du lịch qua đường biển đang tăng nhanh với nhiều loại du thuyền chuyên chở lớn, yêu cầu cấp thiết phải sớm đầu tư xây dựng cảng biển hiện đại để đáp ứng, nếu không sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực du lịch.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ trong thời gian tới, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Việt Nam.

Việc quy hoạch cảng biển du lịch và xây dựng các cơ sở hạ tầng hàng hải, kết nối các cảng biển trong khu vực là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam. Cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.

Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong. Ngoài ra, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế.

Cảng Chân Mây còn là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Cảng Chân Mây vì thế hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dung. Hiện, sau khi nâng cấp, cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng hơn 3.000-4.000 khách.

Thời gian tới tới, cảng biển Chân Mây được quy hoạch lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8 - 5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm.

Theo đó, khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, công-te-nơ kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn.

Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 2 đến 3 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 01 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GT; năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3 đến 1,0 triệu tấn/năm.

Quốc Việt/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hut-khach-du-lich-tau-bien-den-hue-qua-cang-chan-may/32187.html