Hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, nhằm xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố đáng sống…

Giữa trưa nắng, hàng chục công nhân vẫn miệt mài lao động trên công trường dự án nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2). Ðây là công trình giao thông góp phần giảm tình trạng kẹt xe phải hoàn thành trong năm 2018. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, công nhân Nguyễn Văn Hùng cho biết, đã nhiều tháng nay, anh em công nhân làm tăng khối lượng công việc để công trình hoàn thành trước tiến độ.

Theo Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 Lê Ngọc Hùng, cầu vượt nút giao Mỹ Thủy đến đầu năm 2018 mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, hạng mục hầm chui rẽ trái vào đường Nguyễn Thị Ðịnh sẽ hoàn thành sớm hơn vào cuối tháng 11 năm nay, trước tiến độ hợp đồng ba tháng để cho người dân đi lại, bớt áp lực ùn tắc giao thông khu vực ra vào cảng Cát Lái. Khi nút giao thông này được hoàn thành sẽ kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông cho đường Nguyễn Thị Ðịnh, đường Ðồng Văn Cống, vành đai 2, khu vực ra vào cảng Cát Lái... phục vụ phát triển chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Ðối với dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn một do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ dự án, Tổng Giám đốc Nguyễn Tâm Tiến cho biết, đến nay dự án đã đạt 46% khối lượng, vượt tiến độ 10 tháng so với hợp đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, nhưng chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành đúng ngày 30-4-2018, trước thời hạn tám tháng. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp chống ngập cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân thành phố.

Khác với hai dự án trên, dự án "Triển khai thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh" tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn do Trường đại học Quốc tế (Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư đã bấm nút hoàn thành. Ðây là dự án được TP Hồ Chí Minh đặt hàng nhằm giảm tình trạng kẹt xe và hỗ trợ điều tiết giao thông một cách hiệu quả nhất trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ giao lộ Ký Con đến Hải Thượng Lãn Ông. Theo đó, có 35 ca-me-ra liên kết với ca-me-ra giao thông giúp thu thập hình ảnh các phương tiện lưu thông trên đường để thống kê dữ liệu. Dựa vào hình ảnh thực tế có độ chính xác đến 90%, các chuyên viên Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ đánh giá tình trạng giao thông, từ đó điều phối thời lượng đèn tín hiệu giao thông để điều tiết dòng xe, giảm ùn tắc. Dữ liệu này được cập nhật 5 phút/lần, giúp dự báo tình trạng giao thông qua các số liệu vận tốc, mật độ xe. Dự án này hoàn thành sẽ trở thành tiền đề để thành phố thực hiện các dự án nhằm xây dựng thành phố thông minh…

Các dự án nêu trên đã phần nào phản ánh sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng thành phố đáng sống. Cùng với việc thay đổi môi trường đầu tư; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thể chế, chính sách; phát triển đội ngũ doanh nhân nòng cốt; quy hoạch đô thị khoa học, hiện đại, phát triển kinh tế bền vững..., thì thành phố vẫn đang nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng sống của người dân.

Nhận thức được những vấn đề còn yếu kém, bất cập, tại Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó giao thông là nút thắt quan trọng phải tháo gỡ. Giao thông không thuận lợi sẽ kéo theo ách tắc toàn diện, từ kinh tế, di chuyển và lòng dân. Do vậy, trong định hướng phát triển thành phố thời gian tới, thành phố cần có sự đột phá mạnh mẽ hơn về phát triển hạ tầng giao thông, nếu cứ duy trì tốc độ đầu tư, huy động vốn cho giao thông như thời gian qua thì tình trạng kẹt xe sẽ còn kéo dài hàng chục năm nữa và với tốc độ xây dựng đường như lâu nay thì phải mất đến 167 năm nữa thành phố mới đạt chuẩn 10 km đường trên mỗi km2 diện tích đất.

"Ðề bài" đã có, nhưng làm thế nào để giải được lại càng khó hơn. Bởi, theo số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, thành phố cần đến 550 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển giao thông, trong khi nguồn vốn cân đối hằng năm chỉ vào khoảng hơn 10%, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ðó là chưa kể thành phố cũng cần một lượng vốn lớn cho các dự án chống ngập, cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở ven kênh, rạch, xử lý rác và ô nhiễm môi trường...

Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo thành phố xác định mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư sẽ là đòn bẩy để huy động vốn tư nhân cả trong và ngoài nước. Ðể thực hiện, thành phố đang từng ngày cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch, đa dạng hóa hình thức mời gọi đầu tư. Thành phố cũng đang xây dựng tiêu chí từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn, chuyển đổi phương thức đầu tư công cho đúng pháp luật và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - cơ quan quản lý - người dân. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế đặc thù để vượt khó và phát triển bền vững... Có thể nói khí thế, quyết tâm xây dựng "Thành phố đáng sống" đang lan tỏa mạnh mẽ từ các vị lãnh đạo đến từng người dân TP Hồ Chí Minh. Với sự đoàn kết, đồng thuận cao, hy vọng mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực trong một thời gian không xa.

VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33957902-huong-toi-muc-tieu-thanh-pho-dang-song.html