Hương Tết ở làng nghề 'trăm tuổi'

Tranh thủ những ngày nắng hanh giữa mùa đông, bà con làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) tất bật vào vụ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu hương cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Dọc đường, khắp bãi trống, sân đình, ngõ xóm,... đều có thể bắt gặp những bó tăm hương rực rỡ dưới nắng.

Những bó tăm hương đỏ rực như những bó hoa khổng lồ được trải dài dọc đường, khắp bãi trống, sân đình... báo hiệu một mùa Tết đang cận kề.

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 35km về phía Nam, làng nghề làm tăm hương đã có tuổi đời ngót nghét một thế kỷ. Nghề làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây.

Làng nghề hối hả vào Tết

Những người làm nghề nay không biết nghề có từ bao giờ, chỉ biết sinh ra đã thấy ông cha làm hương thủ công truyền thống. Những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều rất thành thạo. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ, tiếng nói chuyện rì rầm lẫn trong mùi hương ngai ngái của chân hương tạo nên ấn tượng đặc biệt của làng nghề.

Đã có thâm niên hơn 40 năm làm tăm hương truyền thống, ông Nguyễn Hữu Long (70 tuổi) vừa thoăn thoắt bó tăm vừa kể chuyện: ông là đời thứ hai trong gia đình làm nghề tăm hương. Ngay từ khi 3 tuổi, ông đã biết phân biệt các loại nứa, vầu, tre... Khi trưởng thành, với sức thanh niên trai tráng, ông thường lựa chọn những công việc nặng nhọc nhất. Việc bó tăm sau khi phơi khô, mỗi bó 30kg, tưởng dễ mà không dễ. Bó sao cho tròn đều, bê, vác, lăn đều không xộc xệch là cả một nghệ thuật. Khi đã thuần thục, mọi việc đều dễ dàng, ngay cả khi tuổi đã cao...

Người thợ sẽ chọn những que tăm đạt chất lượng đi nhuộm rồi phơi khô dưới nắng.

Với một sản phẩm mang cả yếu tố tâm linh, những người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tỉ mỉ và kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Cây nứa, vầu dùng làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được tuyển chọn sàng lọc kỹ càng, sau đó đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín” rồi vớt lên, rửa sạch mới chẻ thành tăm. Người thợ sẽ chọn những que đạt chất lượng đi nhuộm rồi phơi khô dưới nắng.

“Thời tiết vào thu, có nắng nhưng không quá nóng, là thời điểm đẹp nhất. Tăm được phơi dưới nắng khoảng 3-4 tiếng sẽ không bị mốc và để được lâu. Sau khi phơi khô, tăm hương sẽ được cung cấp cho khắp các tỉnh thành trên cả nước", ông Long cho hay.

Càng đi sâu vào trong làng, không khí lao động càng trở nên khẩn trương, nhộn nhịp. Mỗi người một việc, dường như đã trở thành thói quen.

Theo người dân nơi đây, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu nhộn nhịp nhất từ 2 tháng trước Tết. Anh Nguyễn Hữu Trường, chủ cơ sở sản xuất tăm Ánh Dương, thôn Cầu Bầu cho biết: ngày bình thường, lúc nào xưởng cũng có chục lao động, nhưng dịp Tết thì nhân lực tăng gấp đôi. "Ở đây chẳng phân biệt chủ - thợ, chủ cũng phải xắn tay vào việc, nhất là những ngày áp Tết, chúng tôi làm từ sáng sớm tới tối muộn; mệt thì nghỉ, không có giờ giấc. Gần 20 nhân công làm việc cật lực, mỗi ngày trung bình sản xuất được 5-6 tấn chân hương, ngày nhiều thì được 8 tấn”, anh Trường vừa nói vừa thu vội mẻ tăm phơi cuối chiều.

Tăm hương sau khi được phơi khô sẽ được vận chuyển đến nơi sản xuất hương

Nếu như những xưởng làm chân tăm đem đến vẻ đẹp sắc màu khó cưỡng cho làng nghề thì các cơ sở làm hương lại tạo ra hương để nghề tăm hương của Quảng Phú Cầu nổi tiếng khắp miền Bắc. Ông Lê Văn Huynh, một trong những hộ làm tăm hương nhiều năm tại Quảng Phú Cầu chia sẻ: Để có được một nén hương phải qua rất nhiều công đoạn; trong một nén hương có 20-36 vị thảo mộc (trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan, ngải cứu, bồ kết...) xay và trộn đều, tạo mùi hương khác nhau tùy bí quyết từng cơ sở. Thay vì sấy khô, nén hương se xong cần phơi dưới nắng để giữ được hương thơm tự nhiên, nếu nắng mùa hè quá gắt sẽ giảm mùi hương. Bởi vậy, nắng thu hanh vàng là lợi thế cho làng nghề giữ sản phẩm được cả sắc và hương.

Nghề truyền thống mang lại cuộc sống ấm no

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu chia sẻ, xuất phát chỉ là nghề phụ, làm khi nông nhàn nhưng do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng nên nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu dần dần trở thành nghề chính, thu hút khoảng 70% số hộ dân tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ. Ban đầu nghề này chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng, nhưng vài năm trở lại đây đã được mở rộng ra 5 thôn còn lại của xã bao gồm: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Cầu Bầu, Đạo Tú và Phú Lương Hạ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Tăm hương sau khi được bó lại chắc chắn sẽ được những người thợ lành nghề nhuộm phẩm và phơi nắng.

Cũng chính nhờ nghề làm tăm hương truyền thống này mà nhiều gia đình ở Quảng Phú Cầu có đời sống kinh tế khá giả, có của ăn, của để. Chẳng thế mà trên dọc con đường liên thôn thôn Phú Lương Thượng, Cầu Bầu, Đạo Tú..., chúng tôi bắt gặp khá nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang đang đua nhau mọc lên.

Bà Phùng Thị Lựu (50 tuổi), thôn Phú Lương Thượng cho biết, so với thời gian trước, những năm qua, nhất là kể từ thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăm hương của thị trường gia tăng, cuộc sống của bà con đã có đổi thay đáng kể. Nhiều cơ sở làm tăm hương đã sở hữu hệ thống máy sản xuất hiện đại, số nhân công làm việc lên đến 5-7 chục người. Mỗi ngày làm việc ở đây thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chiều bắt đầu từ 14 giờ đến 18 giờ. Công việc vất vả nhưng cũng đem đến cho bà thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Những người có tay nghề cao hơn, biết chế phẩm rồi nhuộm màu thì có thu nhập cao hơn, khoảng 500.000 đồng/ngày.

Trong ngôi nhà khang trang, chị Nguyễn Hương Thu, chủ cơ sở sản xuất tăm hương Thu Xuân tâm sự, bản thân chị và chồng là anh Nguyễn Xuân Hưng vốn làm thuê thủ công cho các cơ sở làm tăm hương ở thôn bên cạnh. Song nhờ tích lũy kinh nghiệm, cũng như được sự giúp đỡ của người thân, bè bạn, năm 2010, vợ chồng chị tách ra làm ăn riêng. Cơ sở của chị không ngừng nhập thêm các loại máy sản xuất có công nghệ tiên tiến và thuê nhân công về đào tạo, làm nghề.

Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.

Đến nay, cơ sở của vợ chồng chị đã có tới 9 máy sản xuất cho năng suất tăm hương cao và hơn 50 lao động làm thuê. Hằng ngày, sản lượng tăm hương xuất ra thị trường đạt mức trên dưới 10 tấn. Mỗi tháng, cơ sở của chị trả cho mỗi lao động làm thuê từ 10 – 15 triệu đồng.

Một mình đẩy chiếc xe chất đầy những bó tăm hương đỏ rực mới nhuộm màu từ từ tiến vào khoảng sân trống, anh Nguyễn Văn Đạo (37 tuổi) bắt đầu công việc phơi chân hương. Đôi tay dính phẩm màu nên phiếm hồng, chiếc áo trắng cũng vì thế mà lẫn cả sắc đỏ, anh cười bảo: “Làm nghề này có ai sạch sẽ bao giờ”.

Làm nhân công ở xưởng làm chân hương của cơ sở Thu Xuân đã 10 năm, công việc đem đến cho anh thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Dịp cận Tết, do đơn đặt hàng nhiều nên thường phải tăng ca, mỗi giờ tăng ca như thế được thêm khoảng 60 nghìn đồng.

Anh Đạo cho hay, làm nghề này vất vả, nặng nhọc nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. “ Yêu nghề nào thì làm nghề đấy, chỉ khi già yếu không còn sức thì mới không làm nữa. Nghề làm hương sẽ không bao giờ mất đi, bởi gần như nhà nào cũng cần dùng hương cả”, anh nói.

Nghe những lời tâm sự trên cũng như nhìn hình ảnh hàng chục lao động đang cặm cụi làm tăm hương cho cơ sở của vợ chồng chị Thu, có thể thấy tình yêu nghề đã ngấm sâu vào máu thịt của những con người nơi đây.

Rời làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu khi chiều đã muộn, nhịp thở của làng nghề vẫn cứ rộn ràng, gấp gáp khi Tết đến rất gần... Nhà nhà, người người hối hả với công việc, người yêu nghề, nghề không phụ người. Có lẽ vì thế mà mỗi năm qua đi, làng nghề lại thêm nhiều cái mới, sản phẩm tốt hơn, độc đáo hơn, nhiều công đoạn trong sản xuất được cải tiến... Đặc biệt, tình yêu với nghề truyền thống của người dân Quảng Phú Cầu theo năm tháng càng thắm đỏ như những "đóa hoa tăm hương".

Thu Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/huong-tet-o-lang-nghe-tram-tuoi-1090145.html