'Hương sắc Lào Cai'

Du lịch Lào Cai ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Để đạt được những thành công đó, ngành du lịch tỉnh đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, đem đến trải nghiệm phong phú, thú vị cho du khách và tạo nên hương sắc riêng của Lào Cai.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 di tích được đưa vào danh sách khai thác, phát triển du lịch tâm linh, như đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh (Bảo Yên); đền Đôi Cô, đền Mẫu, đền Thượng (thành phố Lào Cai); đền Cô Tân An, đền Ken (Văn Bàn); đền Trung Đô, đền Bắc Hà (Bắc Hà); đền Mẫu (Sa Pa)… Ngoài ra, Tập đoàn Sun Group đưa vào khai thác tuyến cáp treo Fansipan tại Sa Pa, đã bổ sung thêm quần thể di tích đền Thượng, đền Trung và đền Hạ, làm phong phú thêm danh sách các điểm đến du lịch tâm linh của Lào Cai.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 di tích được đưa vào danh sách khai thác, phát triển du lịch tâm linh.

Cuối năm 2014, Lào Cai ký hợp tác thỏa thuận 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ về phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng và nhiều di tích lịch sử văn hóa của Lào Cai đã lọt vào danh sách kết nối tuyến du lịch hấp dẫn này. Các điểm đến tâm linh của Lào Cai hằng năm thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái và là sản phẩm thế mạnh của Lào Cai.

Chợ phiên là nét đẹp văn hóa độc đáo, mang đặc trưng của đồng bào vùng cao Lào Cai. Một số chợ phiên nổi tiếng ở Lào Cai, như chợ Cốc Ly (Bắc Hà) họp thứ Ba; chợ phiên Cao Sơn họp thứ Tư; chợ Lùng Khấu Nhin (Mường Khương) họp thứ Năm; chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), Pha Long (Mường Khương), Y Tý (Bát Xát) họp thứ Bảy; chợ Bắc Hà vào Chủ nhật. Mỗi chợ phiên lại mang những nét độc đáo của các dân tộc. Tại chợ phiên, hầu hết hàng hóa là nông sản địa phương hay nông cụ sản xuất do chính bàn tay người dân làm ra.

Chợ phiên là nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của đồng bào vùng cao Lào Cai.

Bày bán tại phiên chợ vùng cao còn là các sản vật đặc trưng địa phương, như thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô, rượu, rau, củ, quả tươi… Bên cạnh đó, chợ phiên còn trình diễn các nghề thủ công truyền thống, như đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác đồ trang sức dân tộc, làm nhạc cụ… Đến với chợ phiên, du khách còn được thưởng thức các đặc sản địa phương và các tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc.

Lễ hội theo mùa là sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai được tổ chức thường niên ở các huyện, thị xã, đặc biệt là Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát.

Lễ hội mùa đông là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Sa Pa.

Mùa xuân trên khắp các bản làng của vùng cao Lào Cai đều tưng bừng mở hội. Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ hội Xuống đồng của người Tày, người Giáy, lễ Pút Tồng của dân tộc Dao… mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc.

Lễ hội mùa Hè thường diễn ra vào tháng 4 đến tháng 6 hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, lễ hội mận Tam hoa; các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật; lễ hội rượu vang và hoa hồng.

Các lễ hội theo mùa luôn thu hút hàng nghìn du khách.

Lễ hội mùa Thu được tổ chức cuối tháng 8 đầu tháng 9 ở Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà với nhiều trải nghiệm, như: Lễ hội ẩm thực Tây Bắc, triển lãm ảnh nghệ thuật, ngày mùa trên danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa; tham quan không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao Bát Xát với kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì; tham gia các hoạt động mang đậm sắc màu Tây Bắc, như giã bánh dày, đan lát, ủ bia, nấu rượu; hòa mình vào các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc.

Du khách check in tại Lễ hội tình yêu và hoa hồng (Bắc Hà).

Cuối cùng, vào những tháng cuối năm, du khách sẽ được chìm đắm trong thiên đường tuyết rơi ở Sa Pa khi tham gia lễ hội mùa Đông.

Núi rừng Lào Cai nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung tạo nên những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, địa hình phù hợp để tổ chức các giải leo núi và du lịch chinh phục đỉnh cao. Đầu tiên phải kể đến Giải chạy Marathon vượt núi quốc tế tại Sa Pa (Vietnam Moutain Marathon). Đây được coi là giải marathon quy mô và danh giá nhất Việt Nam. Mỗi năm, giải chạy Marathon vượt núi thu hút sự tham gia của hàng ngàn vận động viên trong và ngoài nước. Suốt hành trình chinh phục giải, các vận động viên sẽ được chạy qua những cung đường hiểm trở, vượt qua nhiều dòng suối, khu rừng thơ mộng của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ; băng qua các bản làng của người Dao, người Mông, những ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.

Chinh phục những đỉnh núi cao dù theo con đường nào, cách nào cũng sẽ để lại trong bạn những cảm xúc, ấn tượng tuyệt vời.

Ngoài ra đến Lào Cai du khách không thể bỏ qua cảm giác chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” - đỉnh Fansipan với độ cao 3.143 m. Bên cạnh đó, Lào Cai còn có những đỉnh núi đẹp, như Lảo Thẩn, Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San… hằng năm đều thu hút đông du khách trải nghiệm. Chinh phục những đỉnh núi cao dù theo con đường nào, cách nào cũng sẽ để lại trong bạn những cảm xúc, ấn tượng tuyệt vời. Từ trên những đỉnh cao ấy, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn cảnh núi rừng kỳ vĩ, để thấy thêm yêu cảnh sắc thiên nhiên Lào Cai.

Nội dung: Hoàng Thu

Trình bày: Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359798-huong-sac-lao-cai