Hướng đi cho phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội

Hà Nội vốn có thế mạnh du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách. Đặc biệt mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm Hà Nội đang còn một địa dư lớn khai thác tốt góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân...

TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trao đổi với phóng viên. Ảnh: Hải Anh

Du lịch làng nghề có nhiều tiềm năng

Những năm qua, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.

Du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.

Đặc biệt, với lợi thế đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, hình thái nông nghiệp đô thị và thị trường du lịch rộng lớn sẽ mở ra cho Hà Nội hướng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm. Hiện tại, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như:

Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… Và 2 sản phẩm OCOP, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

UBND TP đã lên kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Hiệu quả du lịch làng nghề

Có thể thấy, hiệu quả của du lịch làng nghề là “một mũi tên, trúng nhiều đích”, vừa có nguồn thu từ sản xuất, lại có thêm nguồn thu từ làm dịch vụ. Hơn nữa, các mô hình cũng giúp cho không gian làng quê trở nên đẹp hơn, xanh hơn, quảng bá sản phẩm.

TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: làng nghề Hà Nội chứa đựng giá trị cốt lõi truyền thống độc đáo, chiều sâu văn hóa làng. Nếu khai thác du lịch tốt sẽ đem đến một giá trị phát triển kinh tế cho Thủ đô. Vậy muốn khai thác tốt du lịch làng nghề cần: hiểu khách du lịch đến làng nghề là trải nghiệm mang lại giá trị cảm xúc. Trải nghiệm là được thăm, xem và cùng làm...

Nhưng để tạo được cảm xúc thì sản phẩm phải là câu chuyện của mỗi làng, có giá trị văn hóa cốt lõi của làng. Khách nước ngoài rất thích trải nghiệm những làng có văn hóa sống tức là văn hóa kết nối từ quá khứ đến hiện tại như: Bát Tràng, Hà Nội, làng nghề vẫn còn giữ được đình làng, bến sông, ngõ nhỏ... đến công trình lò nung hiện đại.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề chính là nét tinh hoa, khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hóa - xã hội, bản sắc của mỗi quốc gia - dân tộc. Khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đẫm tình đất, tình người.

Nếu như các thiết bị điện tử, công nghệ được xem là sự biểu hiện của sự năng động về khoa học - kỹ thuật của các quốc gia, thì các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề chính là nét tinh hoa, khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hóa - xã hội, đậm đà bản sắc của mỗi quốc gia - dân tộc.

Nhưng thực tế cho thấy, du lịch làng nghề ở Hà Nội vẫn đang theo hướng phát triển tự phát, khá rời rạc, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính là do việc hình thành các mô hình chưa gắn với quy hoạch nông thôn. Cơ chế quản lý chưa bắt nhịp được với nhu cầu của xã hội. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái chưa sát với thực tế…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền từng cho biết: Lãnh đạo TP luôn trăn trở, làm sao để nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái, thu hút du khách trong nước, quốc tế. TP kỳ vọng việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn bám sát tiến trình đô thị hóa.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huong-di-cho-phat-trien-du-lich-lang-nghe-o-ha-noi-360422.html